![]() |
Cổ động viên Hàn Quốc cổ vũ đội tuyển bóng chày tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Ý chí và tinh thần đoàn kết là những yếu tố tạo nên thành công cho quốc gia này - Ảnh: Reuters |
Nhân kỷ niệm 60 năm quốc khánh Hàn Quốc (15-8-1948 - 15-8-2008), báo Chosun Ilbo đã điểm lại sáu bí quyết làm nên thành công ở nước này.
1. Cơn sốt giáo dục
Năm 1950, cuộc chiến Triều Tiên nổ ra, kéo dài trong ba năm. Kết thúc chiến tranh, tài nguyên duy nhất mà Hàn Quốc có chính là nguồn nhân lực. Nhiều người cho rằng nhờ giáo dục mà Đại Hàn Dân Quốc mới có thể làm lại từ đầu trong những hoàn cảnh như thế.
Chính phủ Hàn Quốc rất mạnh tay cho việc đầu tư vào con người. Số tiền đầu tư cho giáo dục năm 1975 là 220 tỉ won, chiếm 2,2% tổng thu nhập quốc gia (GNP) và 13,9% tổng chi tiêu ngân sách nhà nước. Đến năm 1986, chi tiêu cho giáo dục đã đạt con số 3,76 nghìn tỉ won, chiếm 4,5% GNP và 27,3% chi tiêu ngân sách (theo www.country-studies.com).
Đằng sau cơn sốt giáo dục là khát khao và sự hi sinh của những bậc cha mẹ. Người dân Hàn Quốc chấp nhận khổ cực để con cái họ được học hành. Giáo dục là cách đầu tư chắc chắn nhất để nâng cao vị trí của con người trong xã hội, đồng thời là công cụ giúp con người trưởng thành. Giáo dục góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc.
2. Vai trò lãnh đạo
Vai trò nhà lãnh đạo đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu xây dựng đất nước. Trong bối cảnh những định chế còn mỏng manh thì sự lãnh đạo mạnh mẽ là rất cần thiết để đất nước tồn tại và phát triển. Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) đã đảm bảo an ninh cho đất nước bằng cách quản lý hiệu quả quân đội và cảnh sát, đồng thời thiết lập quan hệ đồng minh với Mỹ. Tiếp theo đó, sự lãnh đạo của tổng thống thứ ba Park Chung Hee từ 1961-1979, dù có những mặt gây tranh cãi, song đã thành công trong việc đưa Hàn Quốc thoát khỏi đói nghèo.
3. Niềm tin và lòng quả cảm
Chưa có một năm nào trong 60 năm qua mà Hàn Quốc không gặp khủng hoảng, nhưng người dân nước này đều vượt qua tất cả. Có người nói đùa người Hàn Quốc có gen đặc biệt, luôn biến vận rủi thành vận may. Sự quả cảm và sức mạnh của thanh niên Hàn Quốc thể hiện trong Thế vận hội Olympic chính là cỗ máy cho sự tăng trưởng của Hàn Quốc.
4. Ý chí
Kể từ thập niên 1960, người Hàn Quốc đã giải phóng mình khỏi thuyết định mệnh và xây dựng cho mình ý chí "làm được tất cả”. Tính khí sôi nổi, tự do và hết mình của người Hàn Quốc, một khi đã thoát khỏi sự bi lụy, trở thành tiềm năng rất to lớn. "Bạn có thể làm được nếu bạn cố gắng" chính là câu nói mà người ta thường nghe từ người Hàn Quốc.
5. Sự đoàn kết
Người Hàn Quốc dù biểu hiện bề ngoài có vẻ cực kỳ cá nhân, nhưng lại vô cùng đoàn kết mỗi khi cần phát huy sức mạnh dân tộc. Trong Thế vận hội Olympic Seoul 1988, đạo quân móc túi đã "đình công" và tuyên bố không ăn cắp tiền của du khách, còn người dân thì sẵn sàng hưởng ứng những ngày không lái xe. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, dân chúng đã phát động chiến dịch quyên góp trang sức bằng vàng cho chính phủ. Gần đây nhất, trong thảm họa tràn dầu ở bờ biển phía tây, hàng trăm người dân đã tình nguyện đến hiện trường để làm sạch từng viên đá một.
6. Văn hóa tốc độ
Chữ Hàn đầu tiên mà người nước ngoài làm việc ở Hàn Quốc học được là "ppalli, ppalli", tức "nhanh lên, nhanh lên!". Văn hóa tốc độ là nét rất đặc trưng của xứ sở kim chi. Nó từng bị chỉ trích là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng. Gần đây, người ta đã có cái nhìn mới đối với thái độ sống này. Nhiều người cho rằng chính sự thiếu kiên nhẫn là động lực để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa và công nghệ thông tin siêu tốc ở Hàn Quốc.
Công bố chiến lược "phát triển xanh"
Ông Lee Myung Bak đã nhấn mạnh: "Lượng khí thải cacbon thấp và phát triển xanh" là trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế mới của Hàn Quốc. Ông cam kết tăng khả năng tự túc năng lượng từ 5% hiện nay lên hơn 50% vào năm 2050 thông qua các dự án khai thác ở nước ngoài, đồng thời tăng sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo từ mức 2% hiện nay lên hơn 20% vào năm 2050. Ngân sách cho nghiên cứu công nghệ xanh sẽ tăng gấp đôi. Kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc không ngừng tăng lên với mức trung bình hằng năm là 6,8%. Sau hơn nửa thế kỷ, GDP đã tăng gấp 746 lần, từ 1,3 tỉ USD năm 1953 lên 970 tỉ USD năm 2007. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Hàn Quốc (NSO), năm 2007 thu nhập bình quân đầu người đạt 20.045 USD, tăng gấp 299 lần so với 67 USD năm 1953, trong khi kim ngạch thương mại đạt 728,3 tỉ USD, gấp gần 3.170 lần so với 230 triệu USD năm 1948. Tính đến cuối năm ngoái, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đạt hơn 262 tỉ USD, đứng thứ sáu trên thế giới, so với 160 triệu USD trong năm 1960. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận