![]() |
Nhân viên khách sạn Renaissance - Ảnh: Ngô Bá Nha |
Một “đội bóng”
Tại buổi lễ tuyên dương nhân viên phục vụ từ năm năm trở lên ở khách sạn (KS) Caravelle mới đây, tổng giám đốc Stephen O'Grady nói như tâm sự: “Toàn bộ nhân viên giống như một đội bóng đá muốn giành chiến thắng trong một giải đấu: cố gắng cật lực. Tuy vậy, giống như một đội bóng chuyên nghiệp đôi lúc cũng bị yếu ở một vài vị trí mà chúng ta phải luôn hỗ trợ đồng sự”.
Quá trình “năm năm làm ở 5 sao” thường là một trải nghiệm qua những vị trí từ thấp lên cao hoặc từ bộ phận này chuyển sang bộ phận khác. Trần Thụy Thục Uyên làm nhân viên phụ bếp ở KS Caravelle từ tháng 4-1998. Sau năm tháng, Uyên được điều phối sang nhân viên nấu bếp, rồi chuyển thành ca trưởng phụ trách bếp bánh. Đến tháng 1-2003, Thục Uyên đã được đề cử làm trưởng bộ phận bánh.
Giữa những bước chuyển đó, cô đã tham gia hàng loạt khóa đào tạo ngắn hạn do KS tổ chức: kỹ năng giám sát của Trường Bourn Griffth, kỹ năng quản lý của Viện Giáo dục quốc tế Gordon (Úc), khóa dạy làm bánh ngọt cao cấp của “vua bánh” Pascal Molines...
Còn Phạm Chương Đài từ người học việc ở bộ phận ẩm thực vào năm 1998 nay đã thành trợ lý trưởng bộ phận này sau khi học xong các lớp hướng dẫn phục vụ thức uống, vệ sinh an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Kim Phượng từ vị trí nhân viên câu lạc bộ sức khỏe năm 1998 nay đã vươn lên chức trưởng câu lạc bộ này...
Đến nay dân trong nghề còn truyền tụng “giai thoại” về sự thăng tiến vượt bậc của một nam nhân viên tiền sảnh, phụ xách hành lý trong “5 sao” đã trở thành trưởng phòng kinh doanh sau bốn năm.
Nếu khởi điểm vào nghề bạn nhận được mức lương 600.000 đồng/tháng thì khi đứng vào đội ngũ “5 sao”, mức lương có thể gấp lên... mười mấy lần. Đó là câu chuyện của Nguyễn Phạm Khánh Vân, 28 tuổi, hiện là trưởng phòng giao tế - đối ngoại (PR) của KS Equatorial.
Trong hai năm đầu tiên đi làm ở những KS bình thường, cô đã làm tất tật từ tiền sảnh, đặt phòng, tiếp tân, giao dịch... nuôi ước mơ trở thành một nhân viên KS đẳng cấp. Vào làm ở KS 5 sao Legend, Vân đã được giao làm chuyên viên dịch vụ khách hàng.
“Bước chuyển qua Equatorial gần một năm nay là do tôi nhận được lời mời từ phía KS. Trước đó, do ham thích công tác giao tế, đối ngoại, tôi đã âm thầm đi học lấy chứng chỉ chuyên viên giao tế (bốn tháng) do ĐH Kinh tế tổ chức. Tôi nghĩ sự thăng tiến trong KS không đơn thuần do mình làm nhiều năm mà phải cố gắng làm tốt nhất ở mỗi vị trí mình được giao” - Vân tâm sự
Từ “5 sao” đến “5 sao”
![]() |
Nhân viên khách sạn Renaissance tham gia cuộc chạy từ thiện gây quỹ giúp bệnh nhân ung thư - Ảnh: Ngô Bá Nha |
Sự biến động nhân lực càng lớn hơn mỗi khi thành phố có thêm một “5 sao” mới. Thực tế cho thấy phòng nhân sự của mỗi “5 sao” luôn có khuynh hướng chiêu dụ người giỏi nghề, đã có kinh nghiệm làm trong “5 sao” để đảm bảo chất lượng dịch vụ mà không phải mất thời gian đào tạo lại.
Sự chuyển đổi và tiến lên đa số là để tìm một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, như Khánh Vân cho biết: “Rất cần một không khí cạnh tranh nhưng phải giúp nhau cùng tiến bộ. Ví dụ, từ ba tháng nay phòng nhân sự KS của tôi đã có chương trình “Bạn là ngôi sao của tôi”. Khi nhân viên các bộ phận được đồng sự, cộng sự giúp đỡ làm việc trôi chảy hơn, họ sẽ cảm ơn người giúp bằng một tấm thiệp “Bạn là ngôi sao của tôi”. Cứ 10 tấm thiệp thì đổi được một món quà thú vị tại phòng nhân sự”.
Anh N.V.H. - 30 tuổi, phụ trách phát triển kinh doanh, từng làm ở ba KS “5 sao” - tâm sự: “Cọ xát để đạt tiêu chí chuyên nghiệp ở từng bộ phận là điều tôi tâm đắc nhất. “Guồng máy 5 sao” bao giờ cũng là sự tiến triển đồng bộ của tập thể nhân viên, từ quầy tiếp tân cho đến những bộ phận bên trong của KS, để đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng - vốn cũng rất khắt khe khi đã quyết định bước vào “5 sao””.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận