07/12/2016 14:30 GMT+7

​5 bệnh dễ tấn công trẻ vào mùa lạnh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ bị các dịch bệnh tấn công.

Để tăng cường phòng tránh dịch bệnh, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch với các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. 

Cúm

Thời tiết chuyển mùa, trời trở lạnh, độ ẩm không khí cao… khiến hệ miễn dịch của cơ thể rất khó điều chỉnh kịp thời, do đó virus cảm cúm càng có cơ hội tấn công sức khỏe con người.

Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virút cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch lớn. Tiêm ngừa vắc-xin là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất hiện nay.

Thời điểm tiêm ngừa cúm thích hợp nhất là trước khi vào mùa có dịch cúm xảy ra (mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). 

Tiêm ngừa cúm cần được tiêm nhắc lại hàng năm do chủng virút cúm có thay đổi. Do đó, thành phần vắc-xin ngừa cúm cũng được điều chỉnh hàng năm nhằm phù hợp với chủng virút cúm đang lưu hành trên thế giới.

Sởi

Lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Điều kiện ẩm thấp là môi trường thuận lợi nhất cho bệnh sởi lây lan, đặc biệt đối với người chưa có miễn dịch với bệnh sởi.

Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo lịch tiêm chủng, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững.

Quai bị

Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, ăn uống hay nước bọt khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi…

Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh.

Quai bị thường xảy ra vào mùa đông - xuân và thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5 đến 8 tuổi.

Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin phòng bệnh quai bị thường kết hợp với phòng bệnh sởi, rubella và được tiêm lúc trẻ được 12 tháng tuổi trở lên.

Rubella

Bệnh rubella là bệnh truyền nhiễm do virút gây ra, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, ho hoặc hắt hơi. Hội chứng rubella bẩm sinh là nguyên nhân quan trọng gây ra các khuyết tật trầm trọng cho trẻ sơ sinh. Có tới 90% vi rút rubella sẽ được truyền qua thai nhi khi người phụ nữ bị nhiễm virút rubella trong giai đoạn đầu ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Hậu quả thai nhi bị chết hoặc có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh.

Nếu như ở trẻ nhỏ nhiễm rubella chỉ biểu hiện nhẹ thì ở trẻ sơ sinh mắc hội chứng rubella bẩm sinh sẽ phải gánh chịu những dị tật nặng nề. Ngoài điếc là dị tật thường gặp, hội chứng rubella bẩm sinh còn có dị tật ở mắt, tim và não.

Để phòng hội chứng rubella bẩm sinh, phụ nữ tuổi sinh đẻ là những đối tượng đầu tiên đối với tiêm vắc-xin rubella. Tiêm chủng cho nữ từ 15 đến 40 tuổi sẽ làm giảm nhanh tỉ lệ mắc hội chứng rubella bẩm sinh, không có sự lây truyền của vi rút rubella sang trẻ lớn.

Thủy đậu

Giống như nhiều bệnh do virus, thủy đậu thường bùng phát vào dịp cuối năm, đây cũng là giai đoạn số ca mắc thủy đậu thường tăng cao, chủ yếu ở trẻ em.

Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là trẻ từ 5 đến 9 tuổi. Thể nặng thường gặp ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Bệnh xảy ra nhiều nhất từ cuối năm dương lịch cho đến khoảng tháng 4, vì đây là thời điểm giao mùa đông - xuân, nhiệt độ giảm, độ ẩm không khí cao rất thuận lợi cho các loại virút sinh sôi nảy nở.

Cách phòng ngừa thủy đậu hiệu quả và an toàn là tiêm vắc-xin cho trẻ trước mùa dịch ít nhất một tháng, bởi vắc-xin thủy đậu cần 2-3 tuần để phát huy tác dụng. Trẻ vẫn có thể bị lây thủy đậu trước khi vắc-xin kịp có tác dụng.

Để phòng tránh các bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý vệ sinh tay, chân, miệng cho trẻ; tránh để trẻ tụ tập nơi đông người; cho trẻ ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng. 

Ngoài ra, cha mẹ, ông bà, người giữ trẻ cũng cần phòng bệnh cho bản thân để tránh trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho trẻ. Những nguyên tắc dự phòng phổ biến là không ôm, bế, cưng nựng trẻ khi đi làm về mà chưa rửa tay sạch sẽ, thay đồ; không cho trẻ ăn khi chưa vệ sinh tay chân... Gia đình nên giữ môi trường sống sạch sẽ, mở rộng cửa để giữ cho không khí thông thoáng. Chủ động và tích cực phòng ngừa cho trẻ nhỏ, đặc biệt là đưa trẻ đi tiêm ngừa đúng lịch, đủ liều và tiêm trước mùa dịch vì thông thường sau khi tiêm khoảng 4 đến 6 tuần thì vắc-xin mới phát huy tác dụng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mùa lạnh