04/04/2019 10:12 GMT+7

5.000 tấn cá nằm chờ 'xuất cảnh' vì thông tư ngáng đường

CHÍ TUỆ - KHIẾT HƯNG - DUY THANH - THÁI THỊNH - TRƯỜNG TRUNG
CHÍ TUỆ - KHIẾT HƯNG - DUY THANH - THÁI THỊNH - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hơn 5.000 tấn cá của doanh nghiệp tồn đọng, không xuất khẩu được vì chậm công bố danh sách cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

5.000 tấn cá nằm chờ xuất cảnh vì thông tư ngáng đường - Ảnh 1.

Ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - Ảnh: THÁI THỊNH

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thông tư 21 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) có hiệu lực từ 1-1-2019 có nội dung quy định công bố danh sách cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Tuy nhiên, đến ngày 26-3-2019 bộ mới công bố 47 cảng cá đủ điều kiện. 

Đó là lý do khiến 5.235 tấn thủy sản được mua trước đó, từ tháng 5-2018 đến hết ngày 25-3-2019, không xuất khẩu được.

Chậm do địa phương?

Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết tính đến ngày 25-3-2019, có 83 cảng cá đang hoạt động với tổng sản lượng thủy sản qua cảng khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

Theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, các cảng cá được thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác phải đảm bảo kiểm soát được thủy sản qua cảng. Vì vậy, Luật thủy sản quy định Bộ NN&PTNT công bố danh sách cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Như vậy, trong số 83 cảng cá đang hoạt động, không phải tất cả đều có khả năng và đủ năng lực thực hiện xác nhận thủy sản từ khai thác. Việc Bộ NN&PTNT công bố 47 cảng đủ điều kiện đồng nghĩa với việc thủy sản qua những cảng này đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu.

5.000 tấn cá nằm chờ xuất cảnh vì thông tư ngáng đường - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Đồ họa: V.CƯỜNG

Trả lời câu hỏi vì sao đến nay mới chỉ công bố 47 cảng cá đủ điều kiện, ông Tiến cho biết quy trình thực hiện là địa phương rà soát, làm thủ tục đề xuất bộ ra quyết định công bố nên việc nhanh hay chậm là do địa phương. 

"Bộ đã hai lần có văn bản đôn đốc các địa phương rà soát, đề xuất. Địa phương không đề xuất thì bộ không có căn cứ công bố. Nếu cảng cá không đủ điều kiện mà địa phương vẫn đưa vào, bộ công bố thì sau này Ủy ban châu Âu kiểm tra, họ đánh giá chúng ta làm không nghiêm túc" - ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết đã chỉ đạo soạn công văn lần thứ ba để đốc thúc các địa phương rà soát số cảng cá còn lại. 

Trước đó, ông Hà Công Tuấn, thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT, cũng đã yêu cầu Vụ Pháp chế phối hợp với Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các sở NN&PTNT sớm rà soát, đánh giá và báo cáo bộ để bộ có thể ban hành quyết định chỉ định các cảng cá có đủ hệ thống xác nhận thủy sản từ khai thác đợt 3 trong tháng 4-2019. 

Đối với các cảng chưa đủ điều kiện được chỉ định, Tổng cục Thủy sản phối hợp với sở NN&PTNT các tỉnh cùng hỗ trợ, tạo điều kiện để các cảng này nâng cấp cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân sự.

5.000 tấn cá nằm chờ xuất cảnh vì thông tư ngáng đường - Ảnh 3.

Cá ngừ đại dương trong kho ở cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) - Ảnh: DUY THANH

Đang xử lý số tồn đọng

Liên quan đến 5.235 tấn thủy sản do doanh nghiệp mua trước thời điểm bộ công bố danh sách 47 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay số thủy sản nói trên được đưa về kho của doanh nghiệp để thực hiện chế biến theo đơn hàng, không phải ứ đọng tại cảng cá. 

Đến nay, 26 cảng cá trong tổng số 47 cảng được bộ công bố đang thực hiện xác nhận nguồn gốc cho 5.145 tấn thủy sản. Hiện chỉ còn khoảng 90 tấn được thu mua tại cảng cá Kỳ Hà (Quảng Nam), Xẻo Nhào (Kiên Giang), Hưng Thái (Bà Rịa - Vũng Tàu) phải xem xét để thống nhất hướng xử lý.

Về hướng giải quyết đối với 90 tấn thủy sản nói trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết bộ đã trao đổi với VASEP và thống nhất tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc tìm những thị trường khác không gắt gao hơn. Số thủy sản này cũng không chuyển sang xác nhận nguồn gốc ở các cảng khác được do hồ sơ đã vào 3 cảng trên.

Phải rút kinh nghiệm

Tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các bộ, cơ quan về các quy định gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 1-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ NN&PTNT phải rút kinh nghiệm khi ban hành thông tư 21 về công bố cảng cá chỉ định xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.

Theo ông Dũng, đó là rào cản không cần thiết, thực ra chỉ có thủ tục xác nhận. Tàu đánh bắt ở đại dương thì vào một cảng bất kỳ nào làm thủ tục xác nhận để lấy nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu đều được. Quy định như thông tư 21 là tự mình đặt khó khăn cho mình.

Trở tay không kịp

20190403 dang ky 3(read-only)

Các nghị sĩ châu Âu khảo sát khu vực đăng ký, xác nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hồi cuối tháng 10-2018 - Ảnh: DUY THANH

Ngày 3-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Cao Thị Kim Lan - giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định - cho biết do vướng quy định của thông tư 21 mà từ tháng 1 đến cuối tháng 3-2019, doanh nghiệp này bị đọng gần 1.000 tấn cá không xuất khẩu đi các nước được.

Bà Lan không nói rõ thiệt hại cụ thể, nhưng cho biết "thiệt hại rất lớn" không chỉ vì hàng không xuất đi được đúng thời gian đã hợp đồng với đối tác, mà còn ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

"Quy định của thông tư 21 là chỉ những cảng cá được công bố loại 1 và loại 2 mới đủ điều kiện là cảng chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Trong khi đó, tại Bình Định từ trước đến cuối tháng 3-2019 không có cảng cá nào được công bố đạt loại 1 hay loại 2 cả.

Bởi vậy chúng tôi mua cá về rồi, chế biến xong thì phải bỏ vào kho lưu trữ vì không đủ điều kiện về xác nhận nguồn gốc thủy sản ở cảng đạt tiêu chuẩn quy định" - bà Lan nói.

Theo bà Lan, doanh nghiệp đã "kêu khản cả cổ" nên cuối tháng 3-2019, Bộ NN&PTNT mới công nhận một số cảng cá loại 1, loại 2, nhờ vậy vướng mắc mới được tháo gỡ.

Theo bà Lan, quy định thì cơ quan nhà nước đề ra, xây dựng cảng cá đạt những tiêu chuẩn nào để được công nhận đạt loại 1, loại 2 là do chính quyền, nhưng việc ban hành và thực thi gấp gáp thông tư 21 đã gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp.

"Tôi nghĩ đây là một kinh nghiệm mà khi làm luật, chính sách các cấp phải tính toán cho kỹ, nếu không sẽ gây hậu quả không nhỏ" - bà Lan đề nghị.

Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết thực hiện theo Luật thủy sản và những cam kết của Việt Nam để khắc phục "thẻ vàng" IUU mà Ủy ban châu Âu áp dụng đối với hải sản Việt Nam, những quy định của thông tư 21 là cần thiết.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng thông tư này ra đời ngày 15-11-2018 và áp dụng ngay đầu năm 2019, không có thời gian chuyển tiếp, khiến các địa phương không kịp trở tay hoàn tất các công tác cần thiết để "nâng tầm" các cảng cá hiện hữu và cảng cá trong quy hoạch.

Đây chính là lý do dẫn đến việc công nhận cảng chỉ định loại 1, loại 2 chậm, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khai thác ở Bình Định gặp khó khăn.

Được biết, tại Bình Định, đến ngày 26-3 Bộ NN&PTNT đã công bố cảng cá Quy Nhơn là cảng loại 1, còn 2 cảng Đề Gi và Tam Quan là cảng loại 2.

Vỡ kế hoạch

Ông Nguyễn Trọng Thuận, giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng (Khu công nghiệp Suối Dầu, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), cho biết hoạt động của công ty chủ yếu là mua, xuất khẩu thủy sản, trung bình mỗi năm Công ty Thịnh Hưng xuất khẩu khoảng 3.500 tấn thành phẩm, chủ yếu là cá ngừ đại dương qua thị trường Mỹ và châu Âu.

"Tuy nhiên, khi thông tư 21 được áp dụng, bắt buộc các cảng cá phải được công bố đạt chuẩn thì mới được cấp giấy xác nhận chứng nhận nguồn gốc xuất xứ thủy sản và cấp chứng nhận đánh bắt. Trong khi các cảng cá chúng tôi thường xuyên thu mua lại không đáp ứng kịp điều kiện này, dẫn đến việc 300 tấn cá tươi của chúng tôi mua về, sản xuất xong để đó đợi chứng từ của cảng mới xuất khẩu được" - ông Thuận nói.

20180226_075000 (fileminimizer) 5(read-only)

Ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương tại Cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hoà) - Ảnh: THÁI THỊNH

Ông Thuận giải thích thêm: thị trường châu Âu là thị trường khó tính nên việc xuất khẩu thủy sản càng đòi hỏi nghiêm ngặt giấy chứng nhận đánh bắt. Trước việc hàng trăm tấn cá bị "đóng băng", công ty ông buộc phải xoay chuyển tình thế bằng cách xuất khẩu một số lượng qua thị trường Mỹ không cần các giấy tờ này.

"Tuy nhiên số lượng cá xuất khẩu qua Mỹ không được bao nhiêu. Việc ứ đọng 300 tấn cá kéo dài từ tháng 1-2019 đến cuối tháng 3-2019 mới được giải quyết khi các cảng được công bố đủ tiêu chuẩn. Điều này đã gây khó khăn, thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp chúng tôi, kẹt dòng tiền và vỡ kế hoạch theo ban đầu" - ông Thuận nói.


Quảng Ngãi: 3 cảng cá đủ điều kiện

Theo ông Phùng Đình Toàn - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, tới cuối tháng 3-2019 tại tỉnh có 3 cảng cá được Bộ NN&PTNT công nhận cảng cá loại 2 gồm Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh, Mỹ Á.

Như vậy, chỉ có 3 cảng cá này đủ điều kiện pháp lý, thẩm quyền để xác nhận nguồn gốc thủy sản, từ đó Chi cục Thủy sản cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản (nhằm phục vụ xuất khẩu).

5.400 tấn cá không xuất khẩu được vì một thông tư 5.400 tấn cá không xuất khẩu được vì một thông tư

TTO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đề nghị phải rút kinh nghiệm vì ban hành Thông tư 21 khiến cho doanh nghiệp tồn đọng 5.400 tấn cá trong thời gian qua.

CHÍ TUỆ - KHIẾT HƯNG - DUY THANH - THÁI THỊNH - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên