Phóng to |
TS Trần Đình Thiên |
- 25 năm đổi mới vừa qua, ngoài những thành tựu to lớn, theo tôi, VN đang đứng trước khá nhiều nghịch lý phát triển, trong đó nổi lên bốn nghịch lý, cũng là bốn thách thức lớn cần giải quyết.
Thứ nhất, VN đã tăng trưởng liên tục 7% trong suốt 25 năm nhưng vẫn chưa được coi là tăng trưởng bền vững. Về kinh tế học, đó là một điểm khác người vì với thế giới, chỉ cần tăng trưởng đều 5% trong 10-15 năm đã được gọi là bền vững, thậm chí rất bền vững.
Thứ hai, VN tăng trưởng GDP nhanh hơn nhiều nước trong thời gian dài nhưng đang tiếp tục bị tụt hậu xa hơn về GDP/đầu người.
Thứ ba, VN hội nhập quốc tế, gia nhập WTO với khí thế rất mạnh nhưng những năm qua chúng ta không tận dụng tốt cơ hội lịch sử này. Kết cục là kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Thứ tư, trong mấy năm qua để đối phó với khó khăn và tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, VN phải kích cầu mạnh, tiền tung ra nhiều.
Ai cũng dự đoán lạm phát sẽ tăng mạnh, nhưng thực tế đang ngược lại. Khi nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, lạm phát đo qua CPI giảm nhưng sự bất ổn kinh tế lại không giảm.
* Như vậy, cái cần giải quyết lớn hơn, khó hơn nhiều là cách đạt được con số tăng trưởng?
- Theo tôi, mặc dù nền kinh tế VN đã trưởng thành nhưng trong quá trình đó cũng có nhiều khiếm khuyết, thậm chí có những căn bệnh cơ cấu, hệ thống chưa được chữa hoặc chưa chữa được.
Đó là bội chi ngân sách kéo dài; thâm hụt thương mại cũng vậy, có thể nói là trường kỳ; tăng trưởng cao nhưng thu nhập thực tế dân cư vẫn thấp.
Bên cạnh đó, những bệnh đã được nói tới rất nhiều nhưng chưa chuyển biến đáng kể như tham nhũng, các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn không đúng cách, doanh nghiệp tư nhân còi cọc, thủ tục hành chính còn phức tạp... Nếu chúng ta không thay đổi, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình rất lớn.
* Ông vừa nhắc đến bẫy thu nhập trung bình. Vậy cái bẫy này nằm ở đâu?
- Đã có rất nhiều nước đang phát triển đặt ra các mục tiêu kinh tế - xã hội đầy lạc quan, nhưng cuối cùng họ đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nghĩa là sau giai đoạn tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, tận dụng lao động giá rẻ, GDP đầu người tăng đến 3.000-5.000 USD/người/năm, thậm chí 7.000-8.000 USD thì sập bẫy. Tại mức đó, họ không thể bứt phá lên được, cứ loanh quanh vòng tròn.
Trong khi đó, tiềm năng phát triển suy yếu dần, tài nguyên cạn kiệt, thế mạnh về lao động giá rẻ không còn, phải giải quyết nhiều hậu quả nặng nề về mặt xã hội của quá trình tăng trưởng trước đây như ô nhiễm, chênh lệch giàu nghèo, mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội... Cái bẫy này dễ mắc, hậu quả không nhỏ, khiến các quốc gia khó phát triển và dễ có bất ổn xã hội.
* Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của VN thế nào, thưa ông?
- Nhìn ra xung quanh, chúng ta thấy một số nền kinh tế vượt lên được bẫy thu nhập trung bình như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Phần lớn còn lại như Mexico, Brazil, Argentina... nhiều năm nay vẫn quanh quẩn ở mức GDP đầu người 5.000-7.000 USD; hay ở Đông Nam Á có Thái Lan, Indonesia, Philippines, với cái bẫy còn ở mức thấp hơn, chỉ 3.000-4.000 USD.
Nước ta đã đạt mức thu nhập trung bình, bình quân đầu người hiện nay khoảng 1.200 USD/năm. Đó là một nấc thang phát triển mới, vì thế phải có tầm nhìn nghiêm túc sao cho đất nước không rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang đặt sẵn ở phía trước, khi thu nhập đầu người đạt mức 3.000-5.000 USD.
Theo tôi, căn cứ vào thực trạng kinh tế hiện nay, khả năng VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình khá lớn. Nếu chúng ta không có doanh nghiệp mạnh tầm quốc tế, có khả năng cạnh tranh, có công nghệ cao... thì bẫy đó rất khó tránh.
* Theo ông, hướng ra cho VN là gì?
- Chiến lược phát triển đất nước 10 năm tới được xây dựng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, rất sâu sắc, nhất là sau một cuộc khủng hoảng toàn cầu cỡ “trăm năm có một” vừa qua. Do đó, cần có tư duy mới để định hướng.
VN cần có một nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường, dựa vào công nghệ cao. Muốn đạt mục tiêu đó rõ ràng không thể tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa quá nặng vào khai thác tài nguyên, lao động kỹ năng thấp, xuất khẩu sản phẩm thô...
Cần từ bỏ tư duy cứ thiếu tiền, cứ cảm thấy không đạt mục tiêu tăng trưởng là đẩy mạnh đào than, xúc cát, hút dầu lên.
* Hiện nay nguồn lực phát triển của đất nước tập trung rất nhiều trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đây sẽ là các “cú đấm” để nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?
- Để vươn lên thành nước phát triển, có nền sản xuất hiện đại, không có cách nào khác là phải xây dựng đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân hùng mạnh, trong đó, xương sống là những doanh nghiệp tầm cỡ Toyota của Nhật Bản, Samsung của Hàn Quốc... Làm chiến lược phát triển trước hết phải xác định lực lượng dẫn dắt phát triển là ai.
Ở nước ta chỉ xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh là chưa đủ, chưa nói đây là công việc không dễ. Ta có những tập đoàn lớn nhưng chưa mạnh và còn kém hiệu quả. Cần tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, tạo cơ hội cho họ vươn lên thành những doanh nghiệp tầm cỡ.
Trong nền kinh tế thị trường, khu vực tư, do nhân dân làm chủ mà không được đầu tư mạnh, không được gọi là khu vực kinh tế nền tảng thì không hợp lý. Theo tôi, trong tình hình mới, lực lượng thực hiện chiến lược ở VN phải được điều chỉnh.
* Làm điều này không dễ vì nó liên quan tư duy. Cho các doanh nghiệp nhà nước lớn vay hàng chục ngàn tỉ được, chứ cho doanh nghiệp tư nhân vay hàng ngàn tỉ thì ở VN còn chưa có tư duy này?
- Không nên phân bổ nguồn lực thiên lệch cho những doanh nghiệp hiệu quả thấp, dù nó là ai. Chúng ta nói nhiều đến lãng phí nhưng lãng phí lớn nhất chính là lãng phí trong phân bổ nguồn lực.
Nhà nước chỉ nên ưu tiên theo ngành, khu vực mình khuyến khích chứ không nên ưu tiên theo thành phần. Nếu muốn các khu vực doanh nghiệp phát triển lành mạnh, Nhà nước cần xem lại cách phân bổ nguồn lực.
Quản lý điều hành kinh tế ở VN còn nhiều yếu kém và bất cập. Cần có cơ chế cho sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tăng khả năng phối hợp giữa các cơ quan cũng như trách nhiệm cho từng vị trí chức năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận