16/08/2006 21:00 GMT+7

4. Diện kiến Lạt ma Tây Tạng

NGUYỄN TẬP
NGUYỄN TẬP

Năm 1357, tại một vùng hẻo lánh thuộc cao nguyên Thanh Tạng cách Tây Ninh - thủ phủ của Thanh Hải - chừng 30km, cậu bé Tông Khách Ba ra đời. Người mà sau này tín đồ Phật giáo Tây Tạng mãi mãi biết ơn vì ông chính là người xây dựng Phật giáo Tây Tạng: sáng lập tông phái Hoàng Mạo (Mũ vàng) - là tông phái của Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt Ma ngày nay - những vị “Phật sống” của người dân Tây Tạng. Làm sao tôi có thể bỏ lỡ dịp đến Tháp Nhĩ Tự - nơi sinh của đại sư Tông Khách Ba để mất cơ hội diện kiến Lạt ma Tây Tạng được…

Tháp Nhĩ Tự

Nằm dựa trên sườn đồi, Tháp Nhĩ tự (lấy từ tên của một ngọn tháp nằm trong chùa được dát bằng 1 tấn bạc, 3.000 lượng vàng và 3.600 viên mã não) xây dựng lần đầu từ năm 1379, sau đó được trùng tu, xây dựng thêm và trở thành một trong sáu chùa lớn nhất của phái Hoàng Mạo (tông phái Phật giáo phổ biến nhất ở Tây Tạng).

Nơi đây cũng từng là nơi sống và làm việc của Ban Thiền Lạt ma (Theo truyền thuyết thì Ban Thiền lạt ma là hiện thân của Phật A di đà, là người đứng đầu trong cuộc sống tinh thần của người dân Tây Tạng. Đạt Lai Lạt ma là hiện thân của Quán Thế âm bồ tát, là người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng trong cuộc sống thế tục. Mỗi vị chết đi, người ta tìm vị tái sinh khác để kế vị).

Lớn nhất tại Tháp Nhĩ tự là Tàng Kinh các Đại Kinh đường (2.000m2) được chống bởi 168 cột lớn, tại đây lưu giữ rất nhiều kinh Phật từ thời nhà Đường đến nay. Kế bên là là một dãy kệ với 1.000 ngăn, mỗi ngăn thờ một ông Phật, đây cũng chính là nơi thờ các vị Đạt lại lạt ma và đại sư Tông Khách ba. Có ba tác phẩm nghệ thuật đặc biệt đáng chú ý tại Tháp Nhĩ tự đó là nghệ thuật tạc tượng bằng bơ (làm từ sữa con bò Yak) cực kỳ sống động miêu tả lại lúc đức Phật sinh ra và nghệ thuật vẽ, thêu trên lụa, vải rất tinh xảo, không bao giờ phai màu theo thời gian.

Dọc hành lang quanh chùa, đặt rất nhiều pháp luân chung (chuông chuyển kinh )bằng đồng, gỗ - (như một thùng rỗng quay trên một trục đứng). Những cái chuông không phải để gõ mà để… xoay, vừa xoay vừa niệm chú: “Om mani padme hum” (úm ma ni bát mê hồng).

Người Tây tạng tin rằng: âm thanh hòa cùng với sự vận chuyển của chuông chuyển kinh sẽ tạo ra một “sức mạnh” huyền bí cầu chúc bình an, may mắn. Vì thế, các bánh xe đó ít khi dừng lại bởi các vị lạt ma, chú tiểu, du khách… cứ đi ngang là quay vì ai chẳng mong những điều tốt lành sẽ đến với mình và mọi người?

Nếu như trước các tượng Phật ở các chùa chiền thường đặt những bát lư hương rồi thắp nhang vào thì chùa Tây Tạng lại đặt những “chậu” đèn thật lớn được đốt bằng bơ (hoặc mỡ bò yak). Lễ vật của những người hành hương là một chút bơ để duy trì ánh lửa cho ngọn đèn mãi mãi không tắt.

Lạt ma và những người Tây Tạng hành hương

Từ khá xa trước khi đến Tháp Nhĩ Tự, tôi đã thấy từng đoàn người Tây Tạng hành hương áo quần lam lũ, mang theo áo quần đồ đạc, dắt theo cả gia đình vợ con. Đi vài bước họ lại chắp tay khỏi đầu, trán, cằm, ngực vái lạy rồi rạp sát mặt đất rất thành kính. Đây là phương thức cầu nguyện rất phổ biến của người Tây Tạng: phương thức “ngũ thể đầu địa” (hai tay, hai chân và trán phải chạm đất).

Hình ảnh này nhắc tôi nhớ đến vị Thánh tăng Hư Vân (1840-1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn, với đường dài trên 2.500km. Trong chương trình Discovery cũng đã từng quay một đoạn phim có thật về một thanh niên Tây Tạng đi suốt mấy tháng trời đến Núi Thiêng (đỉnh Ngân Sơn trong dãy Himalaya - thế giới của các vị Phật theo quan niệm của người Tây Tạng), cứ vài bước lại nằm rạp suốt lạy theo phương thức ngũ thể để cầu siêu cho mẹ.

Đối với người Tây Tạng, hiện tại chỉ là cuộc sống tạm, rất phù phiếm. Họ tin vào vòng luân hồi của cuộc đời. Đến đây, nếu để ý, bạn sẽ thấy gần như mỗi người Tây Tạng đi đâu cũng xoay trên tay bánh xe mani (một ống đồng xoay trên một trục thẳng đứng) để nhắc nhở rằng cuộc đời là một vòng miên viễn.

Tôn giáo là nền tảng cơ bản để người Tây Tạng tồn tại. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy rất nhiều hình ảnh những ông bà già Tây Tạng da nhăn nheo, chống gậy lụm cụm leo lên từng bậc thang, lần xuống từng góc chùa để được đảnh lễ, được xoay các pháp luân chung ấy.

Những ngày đầu đông, gần như rất ít du khách đến đây. Trong nắng sớm, một vị lạt ma choàng áo đỏ phủ kín đầu đang lâm râm tụng kinh, thỉnh thoảng lại dùng chiếc dùi mảnh như cần câu gõ vào cái trống. Ánh nắng tràn qua mái chùa, phủ lên mình vị lạt ma…

Đẹp quá! Theo phản xạ, tôi rút máy ảnh định chụp nhưng chợt rụt lại khi thấy tấm bảng “no photo, no video”. Hơi buồn một tí, nhưng ngẫm lại thấy vậy mà hay. Sự tò mò, muốn ghi dấu một kỷ niệm của các du khách khi chụp hình hẳn sẽ khuấy động không khí trang nghiêm, tĩnh lặng của chùa và biết đâu điều đó còn vô tình cắt ngang dòng triền miên suy tưởng của vị chân tu? Trời lạnh, tuyết bay lất phất, chúng tôi đứng im lặng, thả hồn vào tiếng trống gõ nhịp, tiếng tụng kinh rì rầm ê a như một bài nhạc không có điểm dừng.

Bao quanh Tháp Nhĩ tự là các cơ sở kinh doanh của người Hán, là những gian hàng, nhà trọ với giá cao… Cạnh đó, tôi cứ “thắc mắc” khi thấy có những “anh lạt ma” (nét mặt khác hẳn với những nét đặc trưng của người dân Tây Tạng) mặc đồ tu nhưng chân đi giày hiệu thứ xịn, tay cầm điện thoại di động đời mới.

Thậm chí, “anh lạt ma” ngồi tại phòng vé vẫn đánh bài rất say sưa. Sau khi bán vé cho chúng tôi, anh vội vã tiếp tục canh bạc một cách hào hứng. Họ có thật sự là những lạt ma Tây Tạng chân chính?

Có hình ảnh làm tôi cứ day dứt mãi: những người Tây Tạng khốn khó, áo quần rách bươm lặn lội từ khắp nẻo trên cao nguyên Thanh Tạng về đây. Từ rất xa, họ đã hướng về phía ngôi chùa, một không gian tâm linh đầy thiêng liêng và ý nghĩa đối với họ, để đảnh lễ rất thành kính. Dường như trong mắt họ, dãy xe ôtô đời mới bóng loáng, bên cạnh thế giới mua bán ồn ào… - đang chắn ngang trước cổng chùa tôn nghiêm - không hề tồn tại, đáng cho họ để tâm.

Có lẽ đây là một trong những tính cách nổi bật của người dân Tây Tạng dẫu trải qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử, tự nhiên nhưng họ vẫn tồn tại và giữ gìn khá kỹ bản sắc văn hóa độc đáo đó. Vì thế, lẫn trong tiếng ồn ào của du khách, những “ông sư” đánh bài sành sõi tại phòng bán vé, lẫn trong tiếng ra rả như cuốc trả bài của các cô hướng dẫn viên đang thuyết minh… những vị lạt ma Tây Tạng chân chính vẫn chìm đắm trong thế giới tâm linh của mình, những người Tây Tạng hành hương vẫn lặng lẽ hành lễ theo cách của mình một cách thành tâm nhất. Trong “thế giới” xô bồ ấy, tiếng trống tụng kinh vẫn gõ nhịp đều đặn, khoan thai…

NGUYỄN TẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên