16/06/2005 11:58 GMT+7

"3 chàng ngự lâm" của VYSA

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Nói đến cộng đồng người Việt Nam ở Nhật hiện nay, không thể không nói tới bộ phận lưu học sinh với tổ chức Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), trong đó nhiều người biết tới 3 "chàng ngự lâm” của VYSA đều là những trí thức trẻ Việt Nam thành danh trên đất Nhật.

5pQIJUCj.jpgPhóng to
Từ trái sang: Đàm Khánh Toàn, Trần Xuân Nam và Phan Hữu Duy Quốc - những “thủ lĩnh” của thanh niên Việt Nam tại Nhật

Đó là 3 “thủ lĩnh” Đàm Khánh Toàn (Chủ tịch Hội khóa 1, năm 2001 - 2002); Trần Xuân Nam (Chủ tịch Hội khóa 2, năm 2002 - 2003) và Phan Hữu Duy Quốc (Chủ tịch Hội khóa 3, năm 2003 - 2004).

Đàm Khánh Toàn là Chủ tịch khóa đầu tiên của VYSA. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội năm 1994, Toàn về làm việc tại Công ty Tư vấn XD Công trình Thủy (WACOSE) thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Trẻ trung, năng động, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, Toàn nhanh chóng khẳng định mình, và trở thành một trong những Trưởng Phòng Kỹ thuật trẻ tuổi nhất của Tổng Công ty XD Đường thủy và Bộ Giao thông vận tải.

Thế nhưng, chính trong thời gian đi thực tế tại các công trình, khát vọng được tiếp tục đi học để có thêm kiến thức mới lại thôi thúc chàng thanh niên nguyên là học sinh chuyên toán suốt từ lớp 4 đến lớp 12. Toàn đã dự thi và nhận được học bổng NFP (The Netherlands Fellowship Programmes) cho chương trình đào tạo thạc sĩ tại Hà Lan.

Sau khi nhận bằng Thạc sĩ Kỹ thuật Cảng và Công trình Biển, Đàm Khánh Toàn lại nhận được học bổng Monbukagakuso của Chính phủ Nhật Bản để làm tiến sĩ. Quảng giao, lịch lãm, hiểu biết sâu các vấn đề xã hội, Toàn là một người đối thoại dễ chịu. Gặp và trò chuyện với Toàn, người nghe như bị hút vào những gì anh đang nói.

Đến Nhật Bản, một trong những trăn trở nhất của Toàn là làm sao tập hợp được trí thức trẻ Việt Nam để họ có một sân chơi chung, cùng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, có các hoạt động thiết thực hướng về Tổ quốc. Cùng với Trần Xuân Nam, Phan Hữu Duy Quốc và một số bạn bè, Toàn là một trong những “thủ lĩnh” đầu tiên của phong trào thanh niên học sinh ở Nhật Bản.

Rất giàu ý tưởng, anh đang ấp ủ nhiều dự định hướng về Tổ quốc. “Hiện nay, việc nghiên cứu khoa học của sinh viên ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm. Các bạn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, thư viện của các trường đại học ở Việt Nam không có đủ các tài liệu. Tôi đang nghĩ đến việc lập một thư viện điện tử tập hợp tất cả các bài báo của các nhà nghiên cứu VN về các lĩnh vực khoa học để sinh viên có thể tra cứu miễn phí” – Toàn tiết lộ.

Ít tuổi đời nhất nhưng Phan Hữu Duy Quốc lại có vóc dáng to con nhất. Say mê nghiên cứu khoa học, Quốc còn rất chăm luyện tập Taekwondo. Chính niềm đam mê môn võ thuật đã đưa Quốc đến đỉnh cao vinh quang. Không kể thành tích nổi như cồn ở trong nước như Huy chương vàng Taekwondo TP.HCM năm 1992, Huy chương bạc giải vô địch Quốc gia 1994, vô địch Taekwondo TP.HCM năm 1997, được chọn tham dự đội tuyển quốc gia chuẩn bị SEA Games 19, sang Nhật Bản, Quốc tiếp tục đăng quang chức vô địch Taekwondo toàn Nhật Bản (hạng cân 78 - 84) vào cuối năm 2002.

Từ vinh dự này, anh được Chính phủ Nhật đề nghị gia nhập quốc tịch để thi đấu dưới màu cờ Nhật Bản, nhưng anh đã từ chối. “Tổ quốc là máu thịt của mình. Cũng như nhiều nhà khoa học trẻ xa quê đang học tập ở nước ngoài, tôi mong muốn đem những kiến thức đã học được về phục vụ quê hương mình” - anh nói giản dị.

Đam mê võ thuật giúp anh có thêm sức khỏe, nghị lực để làm việc, nghiên cứu khoa học tốt hơn. Lần đầu tiên đến thăm Quốc, nhiều người rất ngạc nhiên khi nhìn thấy anh chàng vô địch này một tay thì đeo xích, một tay thì cầm cuốn sách, còn chân mang một vòng sắt rất nặng. Cứ thế Quốc vừa di chuyển trong nhà, vừa đọc sách, nấu ăn. Trong thời gian nghiên cứu sinh ở Nhật Bản và làm luận án tiến sĩ ngành xây dựng ở ĐH Tokyo danh tiếng, Quốc còn tham gia nghiên cứu dự án kéo dài 5 năm giữa ĐH Tokyo và các công ty xây dựng lớn nhất nước Nhật.

Đó là dự án chế tạo, sản xuất bê tông phun chất lượng cao trong đường hầm. 8 năm làm việc ở Viện Khoa học công nghệ xây dựng Tokyo, bình quân mỗi ngày Quốc làm việc từ 12 giờ đến 14 giờ. Ngoài đề tài về phát triển hệ thống phương pháp đánh giá môi trường bê tông trong xây dựng đang thực hiện, Quốc còn tham gia các dự án nghiên cứu về xây dựng, hợp tác với các công ty xây dựng Nhật để cập nhật kiến thức và công nghệ mới từ thực tiễn.

Từng làm việc với các chuyên gia Nhật Bản trong các dự án nâng cấp Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức, Cần Thơ, xử lý và sử dụng tro xỉ than tại các nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc… Quốc rất trăn trở với nỗi khổ “khát nước” triền miên của người dân Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.

Anh đã nghiên cứu đề xuất giải pháp chống hạn cho Bình Thuận. Những kết quả nghiên cứu mang tính khoa học, có cơ sở thực tiễn cao của anh đã được đăng tải trên các báo trong nước. Không chỉ say mê học tập, nghiên cứu khoa học, luyện tập võ thuật, Quốc còn rất nhiệt tình tham gia công tác hội sinh viên tại Nhật Bản. Khiêm tốn khi nói về mình, chàng tiến sĩ trẻ đa tài này chỉ mong muốn cống hiến thật nhiều cho khoa học và môn võ thuật mà mình yêu thích. Bí quyết thành công của anh là phải biết nuôi dưỡng đam mê, hoài bão và sống hết lòng cho đam mê hoài bão của mình.

Ở Trường ĐH Điện tử - Thông tin Tokyo, nhắc đến tên Tiến sĩ Trần Xuân Nam, nhiều sinh viên và giảng viên trẻ không giấu niềm khâm phục. Điềm đạm, khiêm nhường, Nam rất ngại nói về mình. Thế nhưng, khi nhắc đến những vấn đề của công nghệ thông tin, Nam sôi nổi hẳn.

“Làm khoa học là sáng tạo, phát hiện những vấn đề mới nhưng muốn đóng góp được những ý tưởng sáng tạo, nhà khoa học rất cần môi trường nghiên cứu tốt. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, để có những công trình nghiên cứu giá trị, cần thay đổi cách quản lý khoa học công nghệ. Phải tổ chức được các nhóm nghiên cứu những đề tài thiết thực” - Nam thẳng thắn.

Cần mẫn trên con đường nghiên cứu và sáng tạo, cứ mỗi ngày, Trần Xuân Nam lại dấn sâu hơn vào lĩnh vực thông tin không bao giờ có điểm dừng. Với kết quả nghiên cứu xuất sắc về lĩnh vực anten truyền sóng, năm 2003, Nam là người nước ngoài đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Kỹ sư Điện - Điện tử (IEEF) kể từ khi giải được bắt đầu trao vào năm 1991. Mỗi bước đi là một gợi mở cho tư duy mới của Trần Xuân Nam. Hiện nay anh vẫn đang tiếp tục trên cuộc hành trình nhọc nhằn nhưng cũng vô cùng hấp dẫn này.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên