![]() |
Bùi Công Khánh trong tác phẩm trình diễn "Chất độc da cam" tại Seoul và Kwang Ju |
Thậm chí có người ký tên bằng tiếng Hàn và rồi không dằn nổi cảm xúc đã viết câu tiếng Anh kề ngay sau đó: “Yankee go home!”... Sau đây là lời kể của Khánh...
Seoul vào lúc này trời thu se lạnh và trong vắt, lá cây đang chuyển màu. Xe cộ tấp nập, phố xá đầy màu sắc nhộn nhịp. Chương trình ban tổ chức của Liên hoan nghệ thuật trình diễn quốc tế đưa ra gây không ít lúng túng cho nhóm nghệ sĩ VN - có tôi, Nguyễn Phạm Trung Hậu và Rich Trần - vì bố trí chúng tôi cùng diễn trong một buổi tối tại ba gallery khác nhau. Như vậy chúng tôi khó phụ giúp nhau được, nhưng thật bất ngờ là Tổ chức Nawauri (Tôi và chúng ta) đã giới thiệu những người bạn thân thiết - các du học sinh VN tại Seoul - đến giúp đỡ.
Các em còn rất trẻ, gặp nhau mừng rỡ hỏi chuyện ở nhà và nhanh chóng bắt tay vào làm việc. Các em gái thì lo photo các bản vận động chữ ký (ủng hộ vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam tại VN), dịch ra tiếng Anh, tiếng Hàn, lấy các bài báo của Ku Su Jeong viết về chất độc da cam, hay photo hình ảnh các nạn nhân chất độc da cam do anh Đoàn Đức Minh chụp và dán lên tường. Các em trai thì cùng với Rich Trần, Trung Hậu lo chuẩn bị máy quay, máy phóng và ánh sáng... Nhiều học sinh cho biết đây là lần đầu tiên các em xem performance (trình diễn) để biết thể loại này là gì, quan trọng hơn là chính tấm lòng của các em đối với nạn nhân và tình cảm xa xứ đã mang các em đến, vào cuộc.
Giờ khai mạc, tôi mời Châu (một cô bé du học sinh người miền Nam) tham gia performance; em đeo mặt nạ dán những tờ đôla, đọc bài thơ Có và không có bằng tiếng Việt, và em đã khóc khi những hình ảnh của các nạn nhân được chiếu lên tường. Tiếp đó, thật bất ngờ, hết sức ngẫu hứng, nhiều nghệ sĩ của nhiều quốc tịch khác nhau đã đọc vang bài thơ trên bằng ngôn ngữ mà họ tự dịch ngay tại chỗ từ bản tiếng Anh - nào là tiếng Nga, Đức, rồi tiếng Pháp, Hàn, Tây Ban Nha, Nhật, Thái Lan... Một bản “hợp ca” vượt qua hàng rào ngôn ngữ, thay vào đó là sự đồng cảm sâu xa của những tấm lòng yêu chuộng hòa bình.
Sau Seoul, tôi đi đến Kwang Ju, thành phố nổi tiếng vì những cuộc xuống đường với 2.000 người đã ngã xuống cho một xã hội công bằng và tươi đẹp hơn. Đến đây, chúng tôi lại thông báo là sẽ trình diễn về chất độc da cam, sau đó vận động lấy chữ ký. Một lần nữa tôi lại nhìn thấy sự nhiệt tình khiến tôi không ngăn được sự xúc động. Ban tổ chức giúp chúng tôi in bản kêu gọi bằng tiếng Hàn, bố trí hẳn một cô tình nguyện viên đứng giải thích và hướng dẫn mọi người hiểu được ý nghĩa và tham gia ký tên.
249 chữ ký tôi đem về cho phong trào "Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam" mà báo Tuổi Trẻ phát động, chính xác là chữ ký của những tấm lòng nhân hậu không biên giới...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận