16/05/2007 13:43 GMT+7

20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi mới

Theo PHAN CẨM THƯỢNG - Văn hóa & Thể thao
Theo PHAN CẨM THƯỢNG - Văn hóa & Thể thao

Hội thảo 20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi mới 1986-2006 vừa diễn ra ngày 10-5 tại viện Mỹ thuật đã tạo ra một cái nhìn liên thông nhằm phân tích và tổng kết đánh giá thành tựu cũng như những vấn đề tồn tại của "hiện tượng bừng nở" nghệ thuật tạo hình trong gia đoạn vừa qua. Chúng tôi giới thiệu bài viết của Phan Cẩm Thượng về mỹ thuật Việt Nam trong 2 thập kỷ đổi mới này từ góc độ của một nhà phê bình:

Đối với nhiều người Việt Nam, 20 năm qua (1986-2006), đất nước thay đổi bằng cả trăm năm trước, trong đó có nhiều lý do bởi sự vận động nội tại của việc chuyển đổi từ thời kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, và mặt khác từ bên ngoài là một thế giới phẳng của thời đại thông tin toàn cầu hoá.

Ngày 10-5-2007 vừa qua Viện Mỹ thuật tổ chức cuộc hội thảo Mỹ Thuật Việt Nam 20 năm qua, trên cả bình diện quốc tế, vì mỹ thuật Việt Nam đã xuất hiện liên tục trong nhiều triển lãm nước ngoài và trong các cuộc trao đổi văn hoá.

Cuộc hội thảo này cho thấy ai muốn thay đổi thì từ đầu vẫn thế, ai lạc hậu và chẳng muốn thay đổi gì thì vẫn nguyên xi, kết quả của nó là trên cả phương diện sáng tác và phê bình mọi phân cách vẫn song hành tồn tại. Trong nghệ thuật, người ta vẫn có thể sống như gần trăm năm trước, các ông thầy Pháp dạy thế nào, giờ cứ thế mà vẽ. Ở cực này, con cháu của các tiền bối đang làm Sắp đặt và Trình diễn, một thứ mà cha anh họ còn phân vân không hiểu đó có phải là mỹ thuật hay không. Cho nên cái đặc điểm đầu tiên của 20 năm mỹ thuật này là quá khứ và hiện tại đan xen, các bút pháp từ cổ điển đến hậu hiện đại cùng tồn tại.

Nhà phê bình Nguyễn Quân không đồng ý với khái niệm Mỹ thuật thời đổi mới, nhấn mạnh mỹ thuật không thụ động mà góp phần tạo ra sự đổi mới của đất nước. Tính chất kinh tế thị trường từ lâu đã nằm trong đặc thù của hoạt động mỹ thuật, bởi sáng tạo và tổ chức trưng bày hoàn toàn quyết định bởi cá nhân, việc không phải phiên dịch các tác phẩm khi ra nước ngoài, nhu cầu khai thác ngôn ngữ nghệ thuật từ lâu vượt ra khỏi phong cách hiện thực, và quan trọng là tinh thần dân chủ của xã hội phi bao cấp cả vật chất lẫn tinh thần.

Chỉ có những ai vẫn muốn Hội-Vụ-Viện chỉ đạo nội dung vẽ, bao cấp tiền và vật liệu, duyệt và tổ chức triển lãm, chờ được mua tác phẩm, thì đổi mới không có ý nghĩa gì. Ngược lại cũng tầm thường, đối với một số người đổi mới chỉ là được vẽ và bày tranh trừu tượng hoặc khỏa thân. Nếu như trong 20 năm qua, mỹ thuật chưa có thành tựu nào kỳ vỹ, thì ít nhất nó cũng đặt được ra tất cả mọi vấn đề cho một hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của xã hội hiện tại, đưa nghệ thuật gần lại với cuộc sống, và mục đích cuối cùng là bình dân hóa hoạt động, bằng sáng tạo viễn vọng nhất.

Hình như đổi mới bắt đầu từ văn học trước, mỹ thuật sau. Từ những năm 1970-1980, khi đọc cuốn Nửa đời còn lại, một tập truyện ngắn của nhiều nước Đông Âu, với những nỗi buồn và sự tẻ nhạt thường nhật, đã thấy những biến đổi được dự báo trước của các nước XHCN Đông Âu. Văn học nước ta cũng có những nhìn nhận về sự thay đổi tất yếu, khi nhìn lại quá khứ. Thế nhưng văn học lại không là đại diện của nghệ thuật, đổi mới như mỹ thuật. Nó quá nghiêng về cái xấu, trong khi mỹ thuật quá nghiêng về cái đẹp. Và khi đất nước mở cửa, mỹ thuật có thể vài ngày, vài tuần, vài tháng là đến một nước khác triển lãm, thì văn học phải mất vài năm cho dịch thuật và thủ tục.

Một điểm khác nữa là các hoạ sĩ đã vẽ rất nhiều trong thời bao cấp, dù có được bày hay không, việc tự sáng tác này có lẽ nhiều hơn so với văn học. Dẫu vậy, văn học và hội hoạ có mối liên hệ trong tinh thần nghệ thuật, góp phần vào quá trình đổi mới của đất nước. Và khi hội họa bị thị trường đánh cho bẹp dúm, thì nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn và Video art đã sẵn sàng thay thế, đối thoại với cuộc sống, đưa người xem vào trong cơ cấu tác phẩm.

Oscar Wilde (1985-1900), nhà viết kịch Anh nói rằng "Tất cả nghệ thuật đều vô tích sự". Ý kiến cực đoan này nhằm cho người ta chú ý tới nghệ thuật hơn. Nhưng nó cũng đúng trong một chừng mực nào đó. Đời sống văn nghệ trong nước vẫn còn dày đặc những khoảng cách. Dường như nông dân vẫn chỉ cần đến nghệ thuật tôn giáo và nghệ thuật dân gian cải biên, còn trí thức và thương gia thành thị phần nào cần nghệ thuật để trang điểm, chứ không phải để nâng cao tâm hồn. Mỹ thuật vẫn chủ yếu để xuất khẩu bất đắc dĩ và ngày càng khó khăn hơn khi bán một tác phẩm.

Trong 20 năm này, hội họa trẻ đã có nhiều xuất sắc trong 10 năm đầu (1986-1996), khi phát triển đa phương trong sự ảnh hưởng đa phương của chủ nghĩa Hiện đại (Modern Art), và chứng tỏ khi càng bắt rễ với truyền thống càng làm cho nghệ thuật vươn đến hiện đại. 10 năm sau là những thế hệ không biết xếp hàng đong mỳ gạo là thế nào, không có chút xúc cảm nào về chiến tranh. Dưới chân họ là một thế giới phẳng phiu, muốn đi đâu thì đi, miễn là có nhiều tiền. Nếu như xưa kia cả đời một người khó đi hết đất nước mình, thì ngày nay chỉ cần 5 năm là đi hết thế giới. Vậy thì bây giờ làm nghệ thuật để bày tỏ cái gì? Có phải sắp đặt. Trình diễn Video art (và những gì nữa) chỉ là những phương tiện hay là sự báo hiệu của thời mà một nghệ sĩ có thể huy động mọi phương tiện, ngôn ngữ cho một sáng tác. Nghệ sĩ bây giờ là triết gia sáng tác hay nhà hội hoạt động xã hội?

Kỳ sau: Sau giấc mộng dài

Theo PHAN CẨM THƯỢNG - Văn hóa & Thể thao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên