Lần đầu tiên VN tổ chức giải Challenger (một trong những giải cấp thấp nhất của quần vợt nhà nghề) là vào năm 1997. Ngày đó, VĐV VN còn chơi theo "bản năng" nên thông cảm cho Trần Đức Quỳnh bị ngợp và bị loại ngay vòng đầu khi bước ra sân đấu nhà nghề. Sau đó, chúng ta có một Đỗ Minh Quân toàn tâm toàn ý cho quần vợt hay “tay vợt triệu đô” Nguyễn Hoàng Thiên không thiếu tiền để phát triển rồi Lý Hoàng Nam xem như “thường trú” nước ngoài để tập huấn và thi đấu,.. nhưng kết quả “vũ như cẩn”.
Dù thường xuyên thi đấu ở nước ngoài nhưng tay vợt Hoàng Nam vẫn bị choáng ngợp tại giải Vietnam Open 2015. Ảnh T.P |
18 năm sau với gần chục lần tổ chức, các tay vợt VN chưa một lần tìm được chiến thắng. Thật đáng để suy ngẫm khi các giải Challenger trong quá khứ trên đất VN từng góp phần làm bệ phóng cho những Paradorn Srichaphan (Thái Lan), Lu Yen-Hsun (Đài Loan),.. vươn tầm thế giới trong khi chúng ta mãi ca điệp khúc “quá tầm”.
Hình ảnh Hoàng Thiên rồi Hoàng Nam mướt mồ hôi đứng thở dốc sau khi vắt sức rượt đuổi những pha đánh bóng của đối thủ trở nên quen thuộc. Chưa hết, sự nghiệp dư còn thể hiện rõ ở bữa ăn, lúc nghỉ và thiếu cả bộ sậu 2-3 HLV, chuyên gia như đối thủ.
Ông Lê Đức Hoàng Long – Giám đốc điều hành Giải Vietnam Open 2015 – nhận xét: “Ngoài nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu xem quần vợt chất lượng của người hâm mộ và tạo cơ hội cọ xát cho các tay vợt VN, Giải Vietnam Open 2015 còn chiếc gương soi phản ánh chính xác thực lực quần vợt VN nhằm định hướng lại chiến lược phát triển chuyên nghiệp”.
Thật vậy, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt VN (VTF) – thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta thật sự cần một cuộc đại phẫu thuật từ thượng tầng. Đó là cách làm của những người đang cầm cương điều hành quần vợt VN”.
Rõ ràng, VTF đã không có dấu ấn gì trong công tác đào tạo trẻ. Lâu nay, công việc này bị phó mặc cho các đơn vị và tỉnh (thành) làm theo cách tự phát, manh mún nên“sản phẩm” được chăng hay chớ cũng chỉ đủ chất lượng thi đấu giải quốc nội. Một thực tế khác là đội ngũ HLV quần vợt VN chưa tiếp cận được với quốc tế.
Ở hạ tầng, bản thân VĐV còn chưa có ý thức nghề nghiệp của mình. Ngoài chuyện thiếu phong cách chuyên nghiệp, mỗi lần đội tuyển tập trung là dính scandal VĐV hút thuốc, đánh bài, cãi lời HLV rồi chửi nhau ỏm tỏi. Một nền quần vợt như thế thật khó để phát triển.
Cái cớ bao biện muôn thuở là “không tiền”, ‘thiếu cơ sở vật chất”,.. Thực tế là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM,.. có rất nhiều CLB quần vợt nhưng chủ yếu kinh doanh phong trào. VTF hoàn toàn có thể làm thí điểm xã hội hóa, tập hợp một số CLB chất lượng thành một hệ thống, thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo VĐV. VTF cũng đủ tư cách và uy tín để lo vấn đề dinh dưỡng cho VĐV tài năng, làm cầu nối với các lò đào tạo uy tín đưa VĐV ra nước ngoài tập huấn như Huỳnh Phương Đài Trang (vừa học vừa thi đấu cho trường đại học Troy (Mỹ) ).
Tóm lại, khó nhưng không phải không có cách giúp quần vợt VN đi lên. Vấn đề là chúng ta thật sự rất cần một cuộc “đại phẫu thuật” từ VTF để có được một đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và đặt mục tiêu sự phát triển VN là cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận