29/12/2006 17:51 GMT+7

10 Sự kiện Kinh tế Việt Nam 2006

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn 
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn 

Kết quả bình chọn 10 sự kiện kinh tế năm nay của Thời báo kinh tế Sài Gòn với sự tổng hợp các phiếu bình chọn của các chuyên gia kinh tế, nhà doanh nghiệp...

r5SUTv3w.jpgPhóng to
VN gia nhập WTO - Ảnh: AFP

1.Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 10 từ ngày 18-4 đến 24-4-2006

Đại hội đã nhìn lại những thành tựu cũng như yếu kém của 20 năm đổi mới, đồng thời khẳng định tiếp tục công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế với chủ trương “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn”. Sau Đại hội, một ban lãnh đạo mới, trẻ hơn so với trước, cũng đã ra mắt.

2.Việt Nam được phê chuẩn làm thành viên thứ 150 của WTO

Ngày 7-11-2006, Việt Nam được WTO phê chuẩn là thành viên thứ 150 (ngày gia nhập chính thức là ngày 11-1-2007). Tiếp đó, trong tháng 12, Hoa Kỳ đã thông qua quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc trọn vẹn quá trình gia nhập WTO của Việt Nam.

3.Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14

Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14, quy tụ các nhà lãnh đạo và nhiều quan chức của 21 nền kinh tế thành viên. Hội nghị đã nâng cao hơn vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

4.Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt kỷ lục

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm 2006 vượt ngưỡng 10 tỉ đô la Mỹ, là mức cao nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tiếp nhận nguồn vốn này và vượt kỷ lục năm 1996 (trước khủng hoảng tài chính châu Á): 8,6 tỉ đô la.

5. Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 22%, góp phần giữ tốc độ tăng GDP

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2006 đạt mức kỷ lục từ trước đến nay là 39,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,1% so với năm 2005. Nhờ đó, GDP vẫn duy trì được tốc độ phát triển cao, đạt 8,2%, xấp xỉ tốc độ tăng của năm 2005. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2006 tăng 6,6% thấp hơn mức tăng năm 2005 là 8,4%.

6. Thị trường chứng khoán phát triển đột biến nhưng chưa ổn định

Với hàng loạt công ty bắt đầu niêm yết cả ở TP.HCM và Hà Nội trong năm qua, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt, từ mức 460 triệu đô la (32 cổ phiếu giao dịch) vào đầu năm lên đến 8,7 tỉ đô la (92 cổ phiếu niêm yết) tính đến ngày 26-12-2006. Tuy nhiên, giá cả trên thị trường vẫn chưa ổn định, chỉ số VN-Index biến động khá lớn, từ 304 điểm của phiên giao dịch đầu năm, vượt qua ngưỡng 800 điểm vào ngày 20-12, và hiện đang ở mức 747,82 (ngày 26-12).

7.Ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới

Hai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới được Quốc hội thông qua ngày 12-12-2005 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, đánh dấu một bước tiến trên con đường cải cách, khai thông tiềm lực của khu vực kinh tế tư nhân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.

8.Nhiều vụ tham nhũng lớn được phanh phui

Nhiều vụ tham nhũng lớn được phanh phui, điều tra, khởi tố. Điển hình là vụ tiêu cực tại PMU18, vụ chia chác đất đai cho quan chức ở Đồ Sơn và nhiều địa phương khác... Việc ban hành Luật Chống tham nhũng và thành lập cơ quan chống tham nhũng thuộc Chính phủ cũng chứng tỏ một quyết tâm mới trong nỗ lực chống tham nhũng.

9.Thiệt hại nặng nề do thiên tai và dịch bệnh

Thiên tai liên tiếp gây thiệt hại nặng nề: hậu quả của cơn bão số 1 (Chanchu) chưa khắc phục xong, lại tiếp đến dịch lở mồm long móng ở gia súc, bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá gây thiệt hại các vụ lúa thu đông và đông xuân ở các tỉnh phía Nam. Tiếp đến, các cơn bão số 6 (Xangsane) và số 9 (Durian) tàn phá nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam. Tổng thiệt hại ước tính gần 20.000 tỉ đồng và phải mất nhiều năm mới khôi phục được.

10. Nhiều cuộc đình công xảy ra vào đầu năm 2006

Năm 2006 là năm có nhiều cuộc đình công lớn, xảy ra tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với trên 150 cuộc và khoảng 160.000 lượt người tham gia. Nguyên do là nhiều doanh nghiệp trả lương công nhân quá thấp và các quyền lợi cơ bản của người lao động không được đảm bảo. Sau khi Chính phủ ban hành quyết định nâng mức lương tối thiểu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cuộc đình công đã giảm.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên