​Kỳ 2: Mỹ tăng tốc phát triển tên lửa và vũ khí laser

THANH TUẤN
THANH TUẤN

Tháng 10-2006, một sự kiện chấn động đối với lực lượng hải quân Mỹ xảy ra khi một tàu ngầm diesel của Trung Quốc bám theo hạm đội một tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Quân đội Mỹ nâng cấp đưa các tên lửa hành trình lắp đặt lên tàu ngầm - Ảnh: National Interest

Tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc khi đó đã tiến rất sát tới hạm đội - ngay trong tầm bắn ngư lôi và tên lửa của tàu - trước khi bị phát hiện.

Vụ đụng độ của tàu ngầm Trung Quốc với tàu sân bay USS Kitty Hawk và hạm đội tàu chiến đi cùng này khi đó là cú xấu mặt lớn đối với đô đốc William J. Fallon - tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương Mỹ khi đó.

Theo quan chức quốc phòng Mỹ, tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc đã theo tàu Kitty Hawk của Mỹ trong giai đoạn dài và lúc nổi lên chỉ cách tàu sân bay của Mỹ khoảng 8km. Vụ việc chỉ được phát hiện khi một máy bay đi tuần tàu sân bay nhìn thấy - các rađa đã hoàn toàn vô hiệu trong trường hợp này.

CHỐNG TIẾP CẬN/CHỐNG THÂM NHẬP

CHẠY ĐUA VÀ NỢ!

Cắt giảm ngân sách trong mấy năm vừa rồi đã tác động mạnh tới ngân sách quốc phòng Mỹ. Nhưng với mức 640 tỉ USD/năm, chi tiêu quốc phòng của Mỹ hiện vẫn lớn nhất thế giới và vượt hơn ngân sách của tám nước kế tiếp (bao gồm Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Pháp, Anh, Đức, Nhật và Ấn Độ) gộp lại. Dù chiếm chưa đầy 2,8% GDP, chi phí quốc phòng hiện chiếm tới gần 20% chi tiêu ngân sách liên bang.

Đây là lý do mà cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, đô đốc Mike Mullen, nói “thách thức lớn nhất đối với an ninh chúng ta là nợ”.

Giới phân tích quân sự khi đó đánh giá sự kiện là cực kỳ nghiêm trọng vì tên lửa chống hạm của Trung Quốc lúc đó dư sức tấn công từ khoảng cách như vậy.

Khả năng tấn công của tàu Trung Quốc được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với khả năng di chuyển của quân đội Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Theo dõi, tiếp cận các hạm đội Mỹ là một phần trong chiến thuật “chống tiếp cận/chống thâm nhập” (A2/AD) mà Trung Quốc phát triển rất mạnh kể từ sau chiến tranh vùng Vịnh 1991, khi các cuộc chiến của Mỹ dần chuyển sang “bấm nút” và tên lửa hành trình.

Nghiên cứu chiến dịch “Bão táp sa mạc” của Mỹ, quân đội Bắc Kinh kết luận một trong những yếu tố thành công chính của Mỹ là triển khai được vũ khí và quân đội vào được vùng tác chiến mà không bị cản trở. Liệu pháp đối phó của Trung Quốc là thực hiện đánh chặn và ngăn chặn các triển khai này.

Bước tiến nhanh chóng của quân đội Bắc Kinh gần đây, như tăng cả về tầm bắn, độ chính xác và mức độ sát thương của các hệ thống vũ khí mới, đặc biệt gây khó khăn cho Washington.

Hiện các lực lượng A2/AD của Trung Quốc bao gồm cả tên lửa đạn đạo trên đất liền và tên lửa hành trình đủ sức đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Okinawa và Guam.

Nghiên cứu của thiếu tá không quân Christopher J. McCarthy năm 2010 về A2/AD đánh giá trong trường hợp có xung đột Mỹ - Trung, việc không sử dụng được căn cứ Okinawa (bị tên lửa tấn công) sẽ khiến việc duy trì chiến đấu từ Guam gặp nhiều thách thức.

Đặc biệt khi tên lửa Trung Quốc đã vươn tới Guam, việc chiến đấu sẽ đặc biệt khó khăn, thậm chí là không thể do khoảng cách từ Guam tới vị trí chiến đấu như Đài Loan cũng như hạn chế về hậu cần của quân đội Mỹ.

Ngoài lực lượng trên bộ, lực lượng phản công trên biển của Trung Quốc cũng rất đáng kể. Hiện Trung Quốc có nhiều loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình (ASBM/ASCM) có thể phóng cả từ trên không, mặt đất và trên biển.

Với tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 1.500km, tàu sân bay của Mỹ sẽ không thể triển khai gần khu vực tác chiến, điều sẽ làm giảm đáng kể khả năng tấn công của lực lượng đi cùng tàu sân bay.

TÊN LỬA CHỐNG TÀU TẦM XA

Trong nỗ lực đối phó với những thách thức mới, một loạt vũ khí đang được Mỹ đầu tư, trong đó đặc biệt là tên lửa chống tàu trên biển hay vũ khí laser.

Giữa tháng 2-2015, đại diện Lockheed Martin thông báo đang phát triển loại tên lửa tàng hình được phóng từ tàu ngầm cho hải quân Mỹ. Thông tin này được Inside Report đưa ra sau bài phỏng vấn với Frank St. John - phó chủ tịch phụ trách tên lửa chiến thuật của Lockheed Martin.

Loại tên lửa mới là dạng tên lửa chống tàu tầm xa (LRASM). Theo lãnh đạo của Lockheed Martin, tên lửa LRASM phóng từ tàu ngầm này sẽ vận dụng hệ thống phóng tương tự hệ thống của tên lửa Tomahawk hiện nay.

Ông cho biết Lockheed “đang cố để tích hợp tên lửa với một loạt hệ thống ngắm, hệ thống phần mềm và giao diện điện khác nhau”.

“Vấn đề chính là giờ làm thế nào để tên lửa phóng ra khỏi tàu ngầm, thoát khỏi mặt nước. Một khi động cơ (tên lửa) đã bắt đầu chạy thì sẽ vận hành giống như bắn từ máy bay hay bắn từ tàu mà thôi” - ông nói. Ông cho biết việc thử nghiệm sẽ được tiến hành vào quý 3 năm nay.

LRASM đang là giải pháp tạm thời mà cả không quân và hải quân Mỹ đều dùng vì hệ thống tên lửa chống tàu Harpoon hiện tại có phạm vi hạn chế và không thể vượt qua được không gian “chống tiếp cận/chống thâm nhập” của Trung Quốc.

LRASM có tầm bắn khoảng 500 hải lý (900km) và mang đầu đạn khoảng 500kg. Thiết kế của LRASM cho phép không quân và hải quân Mỹ có tên lửa hành trình để có thể vượt qua các hàng rào rađa tân tiến nhất.

Để đạt được điều này, loại LRASM mới sử dụng hệ thống tín hiệu ngay trong tên lửa kết hợp với hệ thống tự hành bán tự động để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tình báo ISR. Tên lửa cũng có ứng dụng “tồn tại sáng tạo và sát thương chính xác” để có thể tránh được các hệ thống phòng không hiện đại khi tiếp cận mục tiêu.

Trong tháng 2 này, Mỹ đã lần thứ ba thử thành công tên lửa LRASM mới. Loại tên lửa mới dự kiến đạt mức vận hành trên máy bay B-1s của không quân Mỹ vào năm 2018 và trên máy bay F/A-18 Super Hornet vào năm 2019.

Hiện Lockheed Martin đang tìm cách nghiên cứu loại tên lửa phóng từ tàu ngầm như bước phát triển mới của loại tên lửa này.

VŨ KHÍ LASER

Thiết bị laser lắp trên tàu hải quân Mỹ - Ảnh: US Navy

Ngoài tên lửa LRASM, một vũ khí được hải quân Mỹ đặc biệt chú ý gần đây là vũ khí laser. Cuối năm ngoái, hải quân Mỹ thông báo loại vũ khí laser mới của họ đã hoạt động một cách hoàn hảo và có thể sử dụng được.

Loại vũ khí mới có tên LaWS đã vận hành trơn tru trong một loạt thử nghiệm trên tàu đổ bộ USS Ponce ở vùng vịnh Ả Rập từ tháng 9 tới tháng 11-2014. Trên bản video mà hải quân Mỹ công bố, thiết bị laser LaWS đã bắn hạ một đầu đạn phóng lựu RPG và đốt cháy thân một chiếc tàu, các mục tiêu bị đốt cháy ngay lập tức. Khác với các tia sáng như chúng ta thường thấy trong phim khoa học viễn tưởng, không có tia sáng nào hiện ra mà chỉ thấy mục tiêu bị tiêu diệt.

MỸ - NGA TRONG NGUY CƠ CHẠY ĐUA CHIẾN TRANH LẠNH

Khi căng thẳng Mỹ - Nga tiếp tục quanh vấn đề Ukraine, tình hình ở đây đang được so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba hồi năm 1962, lúc Mỹ - Liên Xô đứng trước nguy cơ đối đầu trực diện. Theo Reuters, trong năm ngoái cả Mỹ và Nga đều tăng kho vũ khí hạt nhân của mình, đầu tư vào các hệ thống mới và một số bước tiến được cho là có thể đã vi phạm thỏa thuận giảm đầu đạn hạt nhân START giữa hai bên và có nguy cơ rơi trở lại cuộc chạy đua hạt nhân thời Chiến tranh lạnh.

“Vũ khí laser vừa mạnh, giá thành vừa phải và sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tương lai của hải quân - chuẩn đô đốc Matthew L. Klunder, phụ trách bộ phận nghiên cứu hải quân Mỹ, nói với Defense.com - một trang web chuyên về tin quốc phòng - Chúng tôi thử nghiệm thứ vũ khí này, loại súng mẫu, trong một số trường hợp ở tốc độ rất cao và nó vẫn khóa được mục tiêu và hủy diệt với mức sát thương gần như hoàn toàn”.

Ngoài tác dụng tấn công, LaWS có thể dùng làm thiết bị do thám. Theo người phát ngôn của văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ, khả năng quang học siêu việt của thiết bị này khiến nó có thể phát hiện vật thể “ở phạm vi chiến thuật quan trọng”. Loại vũ khí mới thành công tới mức mà đô đốc tàu Ponce giờ được phép sử dụng vũ khí luôn trên tàu trong trường hợp tự vệ.

Hải quân Mỹ nói vũ khí laser có lợi thế là an toàn hơn các loại vũ khí truyền thống sử dụng chất nổ hay đầu đạn. Ngoài ra, vũ khí laser có chi phí rất rẻ. “Mỗi phát bắn có giá dưới 1 USD, giá trị của LaWS là không phải bàn cãi” - Klunder nói. Chi phí rẻ là tiêu chí quan trọng cho ngân sách quốc phòng Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh siết chặt và cắt giảm ngân sách của mấy năm gần đây.

Vũ khí laser cũng cần ít nhân sự để vận hành hơn. Thường vũ khí có thể được phát động chỉ cần một lính hải quân với thiết bị điều khiển giống như chơi trò video game. Vũ khí này cũng vận hành hoàn hảo trong điều kiện gió to, độ ẩm lớn hay nhiệt độ khắc nghiệt. Hiện hải quân Mỹ đang hi vọng có thể triển khai trên diện rộng các phiên bản vũ khí laser này từ năm 2020. Họ dự kiến thử nghiệm các phiên bản với sức mạnh gấp ba và gấp năm lần phiên bản này vào các năm 2016 và 2017.

Ngoài hải quân, không quân Mỹ hiện cũng muốn sớm được trang bị vũ khí laser trên máy bay AC-130 Ghostrider. Ghostrider là máy bay không đối đất hạng nặng của Lockheed Martin và hiện là vũ khí tấn công hàng đầu của lực lượng không quân Mỹ.

Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, từ năm 1994-2007 không quân Mỹ đã chi khoảng 4,3 tỉ USD để theo đuổi vũ khí laser trên không có thể phá hủy tên lửa đạn đạo.

Không quân Mỹ dù vậy sử dụng công nghệ vũ khí laser khác, chú trọng vào loại hóa chất - COIL (so với hải quân Mỹ tập trung vào laser với nguồn phát từ điện. Cho đến nay laser nguồn phát từ điện vẫn được coi là ổn định hơn laser chạy bằng hóa chất). Dự án vũ khí laser cho không quân từng bị xếp lại vào năm 2009 do cắt giảm ngân sách. 

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên