Sự hẫng hụt của công tác lý luận, phê bình văn học trong giai đoạn hiện nay là có thật; tìm nguyên nhân và phương pháp bổ cứu cho nó cũng là một yêu cầu bức xúc. Trong công trình “Lý luận phê bình văn học”, Phương Lựu đề cập nhiều mặt rất cơ bản trong vô số những vấn đề cần trao đổi ý kiến, nhằm góp phần đẩy tới những bước tiến mới của học thuật văn chương.
Ðiều cần chú ý trước tiên là tác giả đã khẳng định và lý giải một yêu cầu thiết thân: "Ðổi mới văn học phải từ chiều sâu văn hóa". Chỉ có bắt nguồn từ mảnh đất văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thời đại mới bao quát được cái cần đổi mới.
Văn chương, nghệ thuật (hay nghệ thuật nói chung, bao gồm cả nghệ thuật ngôn từ) là thành tố hàng đầu của văn hóa, nên càng đặt tác phẩm văn học trong bối cảnh văn hóa mà nó khắc họa, miêu tả, và "phát hiện cho được những tố chất văn hóa ẩn chứa trong tác phẩm" để kích thích phát triển.
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã kết luận rằng, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai lầm trong các khuynh hướng văn học phi nhân bản là do văn học tách rời văn hóa, xa rời các giá trị đạo lý làm thành sợi dây kết dính cộng đồng trong tiến trình lịch sử.
Do yêu cầu sống còn của đất nước, văn học dồn tâm sức vào khắc họa cái phẩm chất yêu nước của con người VN trong giai đoạn giải phóng dân tộc, và đó là mặt nổi bật trong hàm nghĩa văn hóa. Nhưng giờ đây trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, phẩm chất văn hóa lan tỏa theo diện rộng và chuyển hướng theo nhiều cung bậc khác nhau. Chỉ có đi vào chiều sâu văn hóa, văn học mới đủ sức vươn lên.
Từ ý nghĩa nêu trên, Phương Lựu đã có những kiến giải đúng: Văn học nước ta chỉ có thể "đổi mới từ những bài học cách mạng". Không thể khác được. Những thành tựu của văn học VN hơn nửa thế kỷ qua đều gắn bó máu thịt với cách mạng và do cách mạng hướng đường. Không xuất phát từ tiêu điểm đó, sự đổi mới trong văn học sẽ chông chênh, thiếu cụ thể và không khoa học.
Chỉ có đổi mới từ bài học cách mạng, văn học nước ta mới có thể tìm ra và trở lại với những luận điểm tinh hoa, mới khắc phục được ngộ nhận do nhận thức một chiều, và mới đủ lý - tình khi tiếp cận chân lý. Giai đoạn nào của lịch sử cũng để lại cho ta những vấn đề cần xem xét kỹ. Cái cũ lạc hậu, lỗi thời phải bị vượt qua, đi đôi với tiếp tục đề cao những gì còn phát huy tác dụng lâu dài; cũng như luôn cổ vũ cái mới, khuyến khích sáng tạo, nhưng cái mới phải phù hợp quy luật tiến hóa chứ không phải là cái mà hôm qua chưa từng có. Phân biệt rạch ròi giữa đúng - sai mới là cái cần cho đổi mới văn học. Mặt khác - như tác giả viết: "Ðổi mới tuy phải đúng nhưng không nên nghèo, mà phải giàu có, phong phú. Gạn khơi những chỗ đúng đích thực trong những quan điểm sai lầm và phiến diện, rồi tích cóp lại, cũng là một cách làm giàu cho trí tuệ và thẩm mỹ".
Từ những luận điểm và cũng là quan niệm về đổi mới văn học, tác giả đã triển khai nhiều vấn đề phong phú: Từ lý thuyết về văn học, nhà văn và bạn đọc, về tác phẩm, loại thể và phương pháp sáng tác đến đánh giá tác phẩm của một số nhà văn Việt Nam; từ quan điểm văn nghệ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đến di sản lý luận văn học dân tộc và nhân loại và một cái nhìn về nhiều mặt cơ bản trong văn học thế giới.
Không chấp nhận đổi mới theo "tác phong cũ, lề thói cũ", tác giả tha thiết với ý thức thường trực: "Giữ uy tín khoa học cho đổi mới lý luận văn học".
Chúng ta biết rằng, bất cứ khoa học nào, uy tín đầu tiên đập vào nhận thức con người vẫn là sự chính xác. Cái chính xác trong văn học nói riêng và khoa học xã hội nói chung, tuy không thể đo đạc bằng thực nghiệm nhưng lại được kiểm nghiệm bằng thực tiễn, theo quy luật vận động của mỗi lĩnh vực. Khoa học về văn chương chữ nghĩa gắn bó với đặc thù tinh tế và thẩm mỹ, nên đổi mới đòi hỏi một sự nghiêm túc, tâm huyết, tài năng và sự trải nghiệm cần có. Lý thuyết suông chẳng những là điều tối kỵ đối với khoa học, mà còn tỏ ra lạc lõng trong giai đoạn hiện nay của đất nước. Ði sâu vào phân tích, tác giả khẳng định rằng: "Khoa học đã là lý luận, nhưng lại có khoa học luận, tức lý luận về (chứ không phải của) khoa học"; song tác giả cũng không quên: "Phải có tư duy lý luận trước đã rồi mới nói chuyện đổi mới, chưa có tí gì cả, lấy gì mà đổi mới?".
Ðổi mới lý luận văn học chung quy lại, làm cho "hệ thống và phạm trù của mình được chặt chẽ, toàn diện và phong phú hơn, ngày càng phù hợp thực tiễn đa dạng, xưa cũng như nay trong các nền văn học của nhiều nước và nhiều khu vực hơn".
Cũng từ đề cao phương pháp luận chính xác, tác giả có lý khi đánh giá vị trí đường lối văn hóa văn nghệ của Ðảng trong đời sống văn nghệ đất nước. Ðường lối ấy không ngừng được hoàn chỉnh, bổ sung theo yêu cầu phù hợp tiến trình cách mạng. Thực hiện đường lối văn hoá văn nghệ hiệu quả và chính xác nhất là tiếp thụ tinh thần đạo đức và khoa học toát ra từ luận điểm đổi mới. Cũng như vận dụng đường lối một cách sáng tạo và linh hoạt tạo khí sắc cho lý luận văn học và mọi ngành nghệ thuật. Biện chứng trong lý luận cũng chính là biện chứng trong phương pháp vận dụng đường lối.
Trở lên trên là mấy ý kiến ngắn trong một bài báo ngắn.
Qua tập sách của Phương Lựu, bạn đọc nhận thấy, tác giả luôn say mê kiếm tìm "hạt nhân hợp lý" trong bất cứ sự kiện, khuynh hướng, trào lưu, tác phẩm và tác giả văn học nào để phát huy mặt tích cực, và cũng từ đó góp phần hạn chế những cái không hợp lý nảy sinh trong "bếp núc văn chương". Sự trung thực và chân thành, thẳng thắn và liều lượng ở tác giả là điều cần ghi nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận