11/02/2024 10:56 GMT+7

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh vì hòa bình

Đảng đã xác định, đến năm 2025 xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Chào cờ trên đảo Trường Sa - Ảnh: CHÍ TUỆ

Chào cờ trên đảo Trường Sa - Ảnh: CHÍ TUỆ

Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một Quân đội nhân dân hùng mạnh, một Quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc".

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 khẳng định chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm, việc xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống, tất cả hướng tới một mục tiêu tối thượng, đó là bảo vệ, gìn giữ hòa bình bền vững cho Tổ quốc.

Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh phù hợp với yêu cầu tình hình mới

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, trực tiếp là đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh", bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Thông qua đó, đảm bảo cho quân đội ta có cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần; điều chỉnh lực lượng phù hợp, linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Giảm biên chế quân số cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược

Lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn 12 tham quan khu vực trưng bày sáng kiến, mô hình học cụ phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: QĐND

Lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn 12 tham quan khu vực trưng bày sáng kiến, mô hình học cụ phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: QĐND

Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng "tinh, gọn, mạnh" không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, mà còn trực tiếp hiện thực hóa các mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương thức, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam và các chủ trương của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, chủ động tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Từ đó, vị thế, uy tín quốc tế của quân đội và đất nước ngày càng được nâng cao, như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nhận định: "Việt Nam đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực, nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột trên thế giới thông qua Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế...".

Xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" không ngoài mục đích thực hiện tốt chủ trương xây dựng nền quốc phòng Việt Nam hòa bình và tự vệ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không": không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh tổ chức, biên chế để phù hợp với đặc điểm, tình hình của đất nước, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam mỗi thời kỳ. Ngay sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, nhiều đơn vị cấp chiến dịch, chiến thuật đã điều chỉnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trước yêu cầu trong tình hình mới, Đảng ta đã xác định, đến năm 2025, xây dựng Quân đội nhân dân "tinh, gọn, mạnh", tạo tiền đề vững chắc đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại".

Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn, cấp thiết, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cho quân đội đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2016 đến nay, toàn quân đã chủ động điều chỉnh tổ chức; quyết liệt chỉ đạo thực hiện giảm biên chế quân số cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược, giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, bảo đảm; đầu tư thích đáng cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Ưu tiên thành lập, nâng cấp lực lượng đặc thù

Đặc công nước Lữ đoàn 126 luyện tập - Ảnh: NAM TRẦN

Đặc công nước Lữ đoàn 126 luyện tập - Ảnh: NAM TRẦN

Theo đại tướng Phan Văn Giang - ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến nay về cơ bản, tổ chức quân đội được điều chỉnh phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc; đảm bảo sự cân đối, tương đối đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tổ chức, lực lượng quân đội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải được tiến hành thận trọng, đúng lộ trình, bảo đảm giữ vững sự ổn định, không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; tuyệt đối không nóng vội, phải kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách trong tổ chức thực hiện.

Với khối đơn vị, cùng với sáp nhập, rút gọn, giải thể một số bộ phận, Bộ Quốc phòng ưu tiên thành lập, nâng cấp một số đơn vị, lực lượng đặc thù, phù hợp với sự phát triển nhiệm vụ và điều chỉnh thế bố trí chiến lược trên các vùng, miền, nhất là các khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

Hệ thống nhà trường, bệnh viện, viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, đoàn kinh tế - quốc phòng được điều chỉnh một bước về cơ cấu tổ chức theo hướng rút gọn đầu mối, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lực lượng dự bị động viên được tổ chức, sắp xếp theo hướng gọn đầu mối, địa bàn, cân đối giữa các vùng miền, có tổ chức và quân số phù hợp, đáp ứng yêu cầu động viên cả thời bình và thời chiến.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Quân ủy Trung ương, hai năm qua tổ chức, biên chế từ cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đến cấp chiến dịch, chiến thuật đã được điều chỉnh quyết liệt, chặt chẽ, có bước đi vững chắc, tạo sự thống nhất cao trong nội bộ, bảo đảm tiến độ, một số nội dung vượt kế hoạch.

Quân đội đã giải thể, sáp nhập, tổ chức lại trên 1.400 tổ chức từ cấp tiểu đoàn và tương đương đến cấp quân đoàn; đã giải thể 11 trường nghề, sáp nhập cơ quan hậu cần và kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch.

Các đơn vị công nghiệp quốc phòng, đoàn kinh tế quốc phòng được điều chỉnh, giảm bớt các tổ chức trung gian, từng bước khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ...

Riêng năm 2023 - "Năm điều chỉnh tổ chức lực lượng", Bộ Quốc phòng đã giải thể Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, thành lập mới Quân đoàn 12 đúng kế hoạch.

Nhìn chung, việc điều chỉnh tổ chức biên chế quân đội được tiến hành phù hợp với nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ưu tiên đảm bảo đủ quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển, đảo. Những kết quả đó đảm bảo cho Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong thế bố trí mới

Đại tướng Phan Văn Giang, ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, duyệt đội danh dự trong lễ thành lập Quân đoàn 12 ngày 2-12-2023 tại Ninh Bình - Ảnh: QĐND

Đại tướng Phan Văn Giang, ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, duyệt đội danh dự trong lễ thành lập Quân đoàn 12 ngày 2-12-2023 tại Ninh Bình - Ảnh: QĐND

Nhằm góp phần cụ thể hóa chủ trương về tổ chức, xây dựng quân đội, ngày 21-11-2023, bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định về việc thành lập Quân đoàn 12 - quân đoàn chủ lực đầu tiên được tổ chức lại theo hướng "tinh, gọn, mạnh", tiến lên hiện đại. Quân đoàn 12 được thành lập trên cơ sở từ các đơn vị tiền thân có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2. Sự ra đời của Quân đoàn 12 đánh dấu sự phát triển trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Quy mô tổ chức lực lượng quân đoàn lớn hơn, chức năng, nhiệm vụ bổ sung nhiều hơn, được trang bị nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại. Với thế bố trí mới, Quân đoàn 12 phải đảm nhận nhiệm vụ mở các chiến dịch có quy mô vừa và đánh bại mọi hình thái đặc trưng mới của địch trong tương lai, đồng thời thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Quân đội nhân dân Việt Nam diễn tập thực địa gìn giữ hòa bình - Ảnh: NAM TRẦN

Quân đội nhân dân Việt Nam diễn tập thực địa gìn giữ hòa bình - Ảnh: NAM TRẦN

Một tháng sau khi thành lập, Quân đoàn 12 tổ chức cuộc diễn tập có bắn đạn thật đầu tiên, với sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa nhiều quân binh chủng: không quân, phòng không, pháo binh, xe tăng, thiết giáp, công binh, hóa học, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, đặc công... Sử dụng nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, sản xuất mà các cuộc diễn tập trước đây chưa xuất hiện, nhưng Quân đoàn 12 cùng các lực lượng tham gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Dự và theo dõi cuộc diễn tập, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương các cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12 và các lực lượng tham gia đã hoàn thành xuất sắc các nội dung, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và vũ khí, với điểm đặc biệt là việc hiệp đồng chiến đấu của nhiều lực lượng chủ lực từ nhiều hướng, nhiều địa bàn và sử dụng nhiều trang thiết bị vũ khí, khí tài do Việt Nam cải tiến hoặc sản xuất.

Đây là minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời thể hiện năng lực, trình độ tổ chức chỉ huy, phối hợp hiệp đồng của các lực lượng tham gia cuộc diễn tập, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, xây dựng Quân đoàn 12 xứng đáng là quân đoàn chủ lực, cơ động chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hướng "tinh, gọn, mạnh", tiến lên hiện đại.

Việc thành lập Quân đoàn 12 cũng như tổ chức thành công cuộc diễn tập quy mô đầu tiên của quân đoàn đã góp phần khẳng định chủ trương, tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh", củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nhân tố tiên quyết để xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh

Việc xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" phải bảo đảm gọn về tổ chức, nâng cao chất lượng về mọi mặt, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị và sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Nguyên tắc bất di bất dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam

Lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn 12 tham quan khu vực trưng bày sáng kiến, mô hình học cụ phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Quân đội nhân dân

Lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn 12 tham quan khu vực trưng bày sáng kiến, mô hình học cụ phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Quân đội nhân dân

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam "tinh, gọn, mạnh" là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quá trình xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" đòi hỏi quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân và truyền thống, kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang của ông cha ta, cũng như kinh nghiệm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta gần 80 năm qua.

Kiên định nguyên tắc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đây là vấn đề cơ bản, nguyên tắc bất di bất dịch xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân, nhằm giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng; là nhân tố quyết định việc hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Yếu tố chính trị toàn diện, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực quân sự, hậu cần, kỹ thuật và trên mọi nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất, công tác.

Đại tướng Phan Văn Giang, ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định việc điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội là nhiệm vụ rất hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, ngành, đơn vị và tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Tuy nhiên, về nhận thức, cần thấy rõ việc điều chỉnh tổ chức là yêu cầu khách quan, cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi của quá trình xây dựng quân đội, đảm bảo cho quân đội ta ngày càng mạnh lên, có tính cơ động cao, cơ cấu tổ chức hợp lý, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo đại tướng Phan Văn Giang, cùng với những kết quả đạt được, việc điều chỉnh tổ chức, biên chế quân đội còn một số hạn chế, bất cập. Đó là nhận thức của một số cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ này chưa thật đầy đủ, còn biểu hiện xem nhẹ hoặc trông chờ, ỷ lại cấp trên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chỉ huy, nhất là ở cơ quan chiến lược trong sắp xếp, điều chỉnh lực lượng, giải quyết quân số dôi dư chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ. Kết quả chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra...

Những hạn chế trên, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị cũng như tiến trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm có giải pháp khắc phục kịp thời. Cùng với việc quán triệt, giáo dục, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp là các bộ phận trực tiếp được điều chỉnh.

Công tác tư tưởng phải đi trước một bước, dự kiến được các tình huống tư tưởng có thể xảy ra khi có sự điều chỉnh, sáp nhập, cổ phần hóa; giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.

Trên cơ sở thực hiện các kết luận, chỉ thị của trung ương, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức quần chúng trong giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện; gắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ, chính sách, không để bất ngờ về tư tưởng khi tiến hành sắp xếp biên chế tổ chức theo yêu cầu mới; đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

Khâu then chốt, đột phá

Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ - Ảnh: QPVN

Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ - Ảnh: QPVN

Sức mạnh của quân đội là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến..., trong đó con người là nhân tố quyết định. Đại tướng Lương Cường, ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho rằng việc xây dựng nhân tố con người, trực tiếp là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cần được đặc biệt chú trọng trong quá trình xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh", tiến lên hiện đại.

Theo đó, việc xây dựng nguồn nhân lực cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng theo lộ trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật của các quân chủng, binh chủng, lực lượng. Cần có sự đột phá trong đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ nhà giáo ở các học viện, nhà trường quân đội; quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quân sự, chính trị chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, kỹ thuật có trình độ, năng lực chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Có chính sách đãi ngộ phù hợp, kịp thời để thu hút, quy tụ "nhân tài" phục vụ trong quân đội.

Kế thừa những bài học kinh nghiệm đã được các bậc tiền nhân đúc kết "Quân cốt tinh, không cốt đông", đại tướng Lương Cường lưu ý cần đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, đào tạo sát với yêu cầu nhiệm vụ; trong đó, việc tổ chức huấn luyện, đào tạo phải chặt chẽ, linh hoạt, đúng phương châm, quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại, sức cơ động và khả năng tác chiến trong điều kiện mới cho các đối tượng; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong huấn luyện, đào tạo. Qua đó, thực hiện tốt phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với đó, toàn quân nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng, kiên định về lập trường và mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nhận thức sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, những thuận lợi và khó khăn, nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; đấu tranh phòng, chống những tư tưởng sai trái, lệch lạc, những quan điểm thù địch và âm mưu, thủ đoạn "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch.

Truyền thống gần 80 năm qua của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định mọi chiến thắng đều xuất phát trước tiên từ bản chất cách mạng của quân đội ta, từ ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức, cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), nhấn mạnh trong tình hình mới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm "người trước súng sau" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh".

Xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" trong tình hình mới cần tổng thể các giải pháp, nhưng trong đó xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là giải pháp hàng đầu, quan trọng nhất, là nguyên tắc xuyên suốt trong suốt quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, để quân đội ta luôn là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn phát huy được bản chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, tin tưởng vào nghệ thuật quân sự, vào cách đánh, vào vũ khí trang bị của quân đội ta, có ý chí, quyết tâm sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Quân đội "tinh, gọn, mạnh" vì hòa bình: Không để Tổ quốc bị bất ngờ

Được thành lập trên cơ sở từ các đơn vị tiền thân có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, Quân đoàn 12 là quân đoàn chủ lực đầu tiên được tổ chức lại theo hướng "tinh, gọn, mạnh", tiến lên hiện đại, đánh dấu sự phát triển trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Là quân đoàn chủ lực, cơ động, chiến lược của Bộ Quốc phòng, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của Quân đoàn 12 hiện nay cao hơn, lực lượng, phương tiện lớn hơn và được trang bị các loại vũ khí, khí tài hiện đại hơn. Thực hiện phương châm "Không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống", với tinh thần, ý chí quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ quân đoàn luôn phấn đấu sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ trong thế bố trí mới, dù trong bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào.

Nâng cao trình độ, năng lực tổ chức huấn luyện

Đặc công nước Lữ đoàn 126 - Ảnh: NAM TRẦN

Đặc công nước Lữ đoàn 126 - Ảnh: NAM TRẦN

Thiếu tướng Trương Mạnh Dũng, tư lệnh Quân đoàn 12, cho biết thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức quân đội theo hướng "tinh, gọn, mạnh", ngay sau khi có quyết định thành lập của bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, chỉ huy Quân đoàn 12 đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý chí quyết tâm cao, luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Cán bộ, chiến sĩ quân đoàn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, luôn sẵn sàng tổ chức huấn luyện và diễn tập, nhất là huấn luyện, diễn tập hiệp đồng quân binh chủng để nâng cao sức mạnh của quân đội, đáp ứng yêu cầu trong các hình thái chiến tranh tương lai, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và nhân dân, thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là chủ động đối phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Xây dựng "tinh, gọn, mạnh" đối với Quân đoàn 12 trước hết là ở tổ chức biên chế, giảm đầu mối trung gian, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy ở cấp cơ sở, nhất là cấp sư đoàn, lữ đoàn, sẵn sàng tác chiến trên mọi địa hình; huấn luyện sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị hiện có, đáp ứng yêu cầu khi được biên chế những vũ khí mới, hiện đại hơn, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù trong tương lai.

Trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cũng như trong diễn tập, quân đoàn thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm và làm mọi công tác chuẩn bị để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như trong huấn luyện, diễn tập để giành kết quả cao nhất.

"Trong xây dựng quân đoàn "tinh, gọn, mạnh", yếu tố then chốt nhất là con người. Tất cả vũ khí trang bị dù hiện đại đến đâu, để sử dụng hiệu quả đều do con người. Do đó, chúng tôi tổ chức giáo dục quán triệt cho bộ đội nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng và ý chí quyết tâm, huấn luyện sẵn sàng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình tư tưởng của bộ đội cũng như chất lượng của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức biên chế, sắp xếp cán bộ phù hợp với tính chất, chức năng từng vị trí và nhiệm vụ, sở trường, sở đoản của cán bộ", thiếu tướng Trương Mạnh Dũng nêu rõ.

Sư đoàn 312 - Quân đoàn 12 là một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng "tinh, gọn, mạnh", kế hoạch huấn luyện của đơn vị đã được điều chỉnh thích hợp hơn so với trước đây. Năm 2024, sư đoàn được biên chế hỏa lực mạnh.

Đại tá Trần Văn Bích, phó sư đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng Sư đoàn 312, cho hay sư đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị, trước hết về nghị quyết lãnh đạo của đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đến các cấp để từng bước nâng cao trình độ, năng lực tổ chức huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với các loại hỏa lực và súng mới như súng STV-380, STV-215..., sư đoàn đã tổ chức tập huấn cán bộ các cấp, thống nhất cho cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn về tính năng, tác dụng của súng cũng như cách sử dụng các loại vũ khí, trang bị mới trong biên chế; đồng thời hướng dẫn cán bộ các cấp về tổ chức phương pháp huấn luyện vũ khí mới, đặc biệt là cán bộ cấp phân đội.

Cùng với đó, đơn vị chuẩn bị tốt về mô hình học cụ, củng cố thao trường bãi tập, đến nay đã sẵn sàng cho ra quân huấn luyện năm 2024. Qua kiểm tra bước đầu, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đánh giá các đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị để bước vào huấn luyện đạt kết quả cao.

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Tết là thời gian để mọi người trở về quê hương, sum họp bên gia đình, nhưng tại các đơn vị bộ đội chủ lực, những người lính sẵn sàng ở lại trực Tết ở đơn vị để bảo vệ bình yên cho nhân dân vui Tết, đón Xuân. Song song với đó, các đơn vị làm tốt mọi công tác bảo đảm về vật chất, lương thực, thực phẩm, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để bộ đội đón Tết, vui Tết bên đồng chí, đồng đội với tinh thần, khí thế vui tươi, lành mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao.

Nằm trong đội hình Quân đoàn 12, Sư đoàn 325 là đơn vị đủ quân, được biên chế hỏa lực mạnh với quy mô tổ chức, lực lượng lớn hơn, chức năng, yêu cầu nhiệm vụ cao hơn. Đại tá Nguyễn Mạnh Cường, phó sư đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng Sư đoàn 325, cho hay triển khai thực hiện nhiệm vụ canh trực sẵn sàng chiến đấu Tết Giáp Thìn, Đảng ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, duy trì nghiêm nền nếp canh trực, luyện tập thuần thục các phương án, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh trực để nhân dân đón một cái Tết an lành, đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc.

"Phấn đấu xây dựng sư đoàn điểm vững mạnh toàn diện, "Mẫu mực, tiêu biểu", có chất lượng huấn luyện, diễn tập tốt, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức cơ động cao, chúng tôi xác định lấy đột phá về nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành đơn vị của cán bộ các cấp làm then chốt; tăng cường quản lý quân số, quản lý tư tưởng, sức khỏe và rèn luyện kỷ luật bộ đội làm cơ sở để tạo nền tảng, sức bật trong nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị", đại tá Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Quân đội "tinh, gọn, mạnh" vì hòa bình: Tầm nhìn chiến lược

Xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh", tiến lên hiện đại là một tất yếu khách quan, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, "chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy" trong tình hình mới.

Nhân dịp đón xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn với thượng tướng Nguyễn Tân Cương - ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - về những nội dung xoay quanh chủ trương này.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương (ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng): Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương đúng đắn, nhất quán, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm cho quân đội đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng về xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; nhất là nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Theo đó, một trong những giải pháp rất quan trọng là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân về vị trí, ý nghĩa của việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, thời gian và lộ trình tổ chức thực hiện, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh tổ chức lực lượng một cách bài bản, khoa học; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.

Theo đó, nhân tố tiên quyết nhất, cốt lõi nhất là phải bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay phải sẵn sàng xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh.

Cùng với đó, cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo bảo đảm mọi quân nhân và đơn vị phải thực sự tinh nhuệ; tăng cường xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu" gắn với xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; duy trì nghiêm nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật, chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; tăng cường hợp tác quốc tế về kỹ thuật quân sự và đối ngoại quốc phòng.

Phương hướng chung trong điều chỉnh tổ chức lực lượng năm 2024

Từ năm 2016 đến năm 2023, toàn quân đã điều chỉnh trên 2.000 tổ chức. Đến nay, cơ cấu tổ chức của quân đội đã cơ bản đồng bộ, hợp lý, phù hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; giữa lực lượng thường trực với lực lượng dự bị động viên; giữa lực lượng chiến đấu với lực lượng bảo đảm; giữa lực lượng lục quân với các quân, binh chủng.

Bảo đảm các tổ chức được kiện toàn theo hướng tinh, gọn; chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị được quy định cụ thể, rõ ràng.

Cơ cấu quân số được điều chỉnh tăng cường cho các đơn vị thành lập mới, đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, biển, đảo; ưu tiên nguồn lực cho các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại. Qua đó, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội ngày càng được nâng cao.

Năm 2024, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là "Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh". Theo đó, quân đội sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Trong đó, tiếp tục điều chỉnh một số cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược theo đúng chủ trương nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị và lộ trình kế hoạch đã xác định, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; đây là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của Đảng, đất nước và Quân đội. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, nhất là có đối sách thích hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận, đề án về quân sự, quốc phòng, trọng tâm là nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng và địa bàn trọng điểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Đặc biệt, như tôi đã nói, năm 2024 chúng tôi xác định chủ đề là "Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh". Yêu cầu đặt ra trong quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng là phải bảo đảm giữ vững sự ổn định, nâng cao sức mạnh và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Bốn là, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo; tổ chức các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao bảo đảm an toàn, hiệu quả, sát thực tế; thực hiện tốt Đề án diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; xây dựng Đề án tổ chức lực lượng diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm là, thực hiện có hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng và các mặt công tác khác, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đối với công tác đối ngoại quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định cần tiếp tục củng cố, tăng cường và xử lý tốt quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa các văn bản, thỏa thuận hợp tác quốc phòng, kế hoạch hợp tác quốc phòng năm 2024 đã ký với các đối tác; làm tốt công tác chuẩn bị giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác quân, binh chủng, hợp tác trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, đầu tư, thương mại, hậu cần, kỹ thuật quân sự; đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.

Đồng thời, tiếp tục nâng tầm đối ngoại quốc phòng đa phương, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Chuẩn bị tốt nội dung để sẵn sàng, chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng, quân sự, an ninh trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 11 do Lào tổ chức trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 cần thực hiện chu đáo.

Đây sẽ là cơ hội để chúng ta quảng bá đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất; đồng thời tạo điều kiện để các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Triển lãm là dịp tốt để chúng ta tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng với các nước; quảng bá, giới thiệu về đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện và mến khách.

Thành lập Quân đoàn 12 Thành lập Quân đoàn 12 'tinh, gọn, mạnh'

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định về việc thành lập Quân đoàn 12 - quân đoàn chủ lực đầu tiên được tổ chức lại theo hướng 'tinh, gọn, mạnh', tiến lên hiện đại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên