04/01/2024 06:00 GMT+7

Thiếu quỹ đất lớn, TP.HCM khó kéo 'đại bàng' đến làm tổ

Nếu không sớm giải nhanh bài toán thiếu quỹ đất làm khu công nghiệp, TP.HCM sẽ tiếp tục mất đi sức cạnh tranh với các đô thị trong khu vực khi "đại bàng" tỉ USD không chọn làm nơi "lót ổ" bởi TP.HCM đang thiếu quỹ đất lớn.

Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3 còn đến 500ha đất chưa khai thác nhưng liên quan đến các yếu tố pháp lý nên chưa thể thu hút đầu tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3 còn đến 500ha đất chưa khai thác nhưng liên quan đến các yếu tố pháp lý nên chưa thể thu hút đầu tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là khẳng định của ông Đào Xuân Đức, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TP.HCM, với Tuổi Trẻ

Ông Đức nói TP.HCM không phải không có đất mà chỉ thiếu quỹ đất lớn để thu hút dự án đầu tư lớn. Và thật đáng tiếc khi thấy các nhà đầu tư phải dịch chuyển qua địa phương khác, thậm chí quốc gia khác, thay vì chọn TP.HCM.

Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư

Ông Đào Xuân Đức, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TP.HCM

Ông Đào Xuân Đức, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TP.HCM

* Trong nhiều diễn đàn, các nhà đầu tư đều phản ảnh TP.HCM thiếu quỹ đất cho sản xuất công nghiệp, thực tế TP đã hết đất?

- Quỹ đất cho sản xuất công nghiệp là điểm nghẽn, cũng là cái khó của TP.HCM trong thu hút đầu tư. Chúng ta có đất song quỹ đất này phân tán, da beo, thiếu những quỹ đất đủ lớn để thu hút các dự án có quy mô lớn.

Để thu hút một dự án lớn, nhà đầu tư yêu cầu phải có quỹ đất trên 5-10ha, nhưng đây là yêu cầu khó. 80% diện tích của 17 khu công nghiệp (KCN) đã đưa vào khai thác đang được lấp đầy.

Trong khi đó, một số KCN thuộc diện quy hoạch chưa được triển khai tiếp để tăng quỹ đất như KCN Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Lê Minh Xuân mở rộng hay Lê Minh Xuân 2, Hiệp Phước giai đoạn 3... Đó là nghịch lý trong phát triển KCN ở TP này.

* Nhưng một loạt KCN cũng đã được quy hoạch để mở rộng, thưa ông?

- Những khó khăn về quỹ đất rất đa dạng, chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần để gỡ những điểm vướng này, nhưng khó xử lý dứt điểm. Như KCN Hiệp Phước giai đoạn 2, điểm nghẽn lớn nhất là chưa được Nhà nước định giá thuê đất.

Phải định xong giá, nhà đầu tư KCN mới tính ra giá đất để cho DN khác vào thuê đất sản xuất. Từ đó DN mới thực hiện nghĩa vụ tài chính, đóng thuế cho Nhà nước và có sổ đỏ để cần thiết đem đi thế chấp, vay ngân hàng. Vướng như vậy nhưng 3-4 năm nay chưa tháo gỡ được.

Ngoài ra các dự án cũng vướng mắc trong đền bù, giải tỏa mặt bằng hay vướng về đất công trong khi quy trình xử lý chưa nhanh được.

* Như vậy, thiếu quỹ đất có phải đang là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư của TP?

- Đúng vậy. Một trong những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư của TP đó là quỹ đất KCN. Chúng ta vẫn tiếp nhận và cấp phép được với những dự án nhỏ, cần quỹ đất vài ha, nhưng với những dự án lớn lại chịu thua. Chúng ta có quỹ đất sẵn sàng lên đến hàng chục ha cho DN nhưng nằm rải rác, không liền thửa.

Chính vì vậy khó tiếp nhận những dự án lớn. Các dự án nước ngoài vào đây cần diện tích lớn, chúng ta không đáp ứng được, nhà đầu tư phải qua Đồng Nai, Long An, Bình Dương... 

Chẳng cần nhà đầu tư FDI, ngay cả những DN trong nước cũng không thể chọn TP nếu yêu cầu quỹ đất lớn.

Do vậy, cơ hội để thu hút đầu tư những dự án trọng điểm theo ý định của TP cũng còn những hạn chế. Mỗi năm TP chỉ thu hút khoảng 500 - 600 triệu USD vào các KCN bởi không có diện tích đủ lớn để thu hút dự án lớn.

Các nhà đầu tư quan tâm đến số phận của những khu chế xuất, khu công nghiệp sắp hết hạn cho thuê đất. Trong ảnh: toàn cảnh Khu chế xuất Tân Thuận sẽ hết hạn thuê đất vào 2041 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các nhà đầu tư quan tâm đến số phận của những khu chế xuất, khu công nghiệp sắp hết hạn cho thuê đất. Trong ảnh: toàn cảnh Khu chế xuất Tân Thuận sẽ hết hạn thuê đất vào 2041 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần sớm khơi thông quỹ đất

* Nhưng KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 còn đến 500ha chưa khai thác, KCN Lê Minh Xuân 2 có đến 300ha đất sạch...

- Trong thực tế, KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 còn đến 500ha chưa khai thác, KCN Lê Minh Xuân 2 có đến 300ha đất sạch nhưng lại "dính" đến pháp lý. Rõ ràng chúng ta có nhiều lợi thế cạnh tranh, trong đó quỹ đất là một trong những điểm quan trọng nhưng không biến thành cơ hội được.

Không chỉ quỹ đất KCN, rất nhiều quỹ đất khác tại khu vực Thủ Thiêm, các quỹ đất vàng ở trung tâm TP, đất công... do dính vào một vụ việc đang xử lý hay sai phạm, dự án dừng lại năm này qua năm nọ. 

Đây là một sự lãng phí cực kỳ lớn. Dự án được khai thác sẽ giải quyết được vô vàn vấn đề, từ thu hút được DN, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập, đóng góp cho ngân sách.

Các nhà đầu tư cũng mong muốn sớm giải quyết, xử lý dứt điểm để còn làm ăn. Do đó, theo tôi, những vấn đề nào tòa đã xử, đã kết luận nên cho tiếp tục làm, đừng để dự án "đắp chiếu".

* Còn những KCN mới, TP đã được bổ sung quy hoạch KCN Phạm Văn Hai với diện tích 668ha, thưa ông?

- Trong năm 2023, TP đã được Chính phủ bổ sung quy hoạch KCN Phạm Văn Hai với diện tích 668ha. Tuy nhiên chờ đến lúc có đất cho nhà đầu tư thuê phải mất ít nhất là 3 năm nếu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, còn chậm cũng phải 4-5 năm. 

Như vậy, sớm nhất phải đến năm 2026-2027 mới có đất cho thuê được, một quãng thời gian dài chúng ta bỏ lỡ cơ hội kéo DN lớn.

Còn với quỹ đất nhỏ như bây giờ, làm sao hút được DN tầm cỡ như nghị quyết 98 đặt ra là hút dự án chiến lược trên 30.000 tỉ đồng. Bởi với dự án trên 1 tỉ USD, nhà đầu tư cần diện tích cả trăm ha, chúng ta có đủ 100ha để hút dự án không? 

Nếu không giải quyết nhanh được bài toán này, chúng ta không đủ quỹ đất để tiếp nhận dự án, nhà đầu tư sẽ đi nơi khác, đi những quốc gia khác, TP mất đi cơ hội sẽ rất uổng.

* Nghị quyết 98 cho phép TP có thể tạo thêm quỹ đất phát triển KCN bằng cách chuyển đất trồng lúa

- Đúng là nghị quyết 98 cho phép HĐND TP có quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác, trong đó quỹ đất dưới 500ha có thể chuyển sang xây dựng thêm KCN mới. 

Nhưng vấn đề đặt ra là quy hoạch phải đi trước, quy hoạch dự trữ đất để khu vực nào làm KCN, nơi nào phát triển bệnh viện, trường học... Nếu quy hoạch sớm và làm nhanh mới tạo được quỹ đất cho phát triển công nghiệp được.

TP đang tái cấu trúc các KCN, chọn ra năm KCN để thí điểm. Với KCN đã hoạt động lâu năm như hai khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung, bài toán đặt ra sau khi hết thời hạn cho thuê đất là cần tiếp tục phát triển theo hướng nâng tầm công nghiệp lên, hiện đại hóa hơn. 

Nhiều DN ở Khu chế xuất Tân Thuận có hợp đồng thuê đất đến năm 2041 đặt vấn đề là nếu KCN vẫn duy trì, DN có được tiếp tục hoạt động, có được tái ký hợp đồng thuê đất hay không. 

TP có chủ trương không chuyển các KCN này sang mục đích khác, nhưng vấn đề duy trì thêm bao nhiêu năm nữa, quyền đó không phải của TP mà của Chính phủ.

Nhiều DN kiến nghị là nếu gia hạn thời gian thuê đất thêm 20 - 30 năm, cần quyết định sớm, không đợi đến 2040 mới chốt sẽ mất cơ hội để DN đầu tư, mở rộng.

* Bên cạnh mở rộng quỹ đất, theo ông, cũng phải tạo ra giá trị nhiều hơn trên những quỹ đất có sẵn?

- Đã đến lúc chúng ta không thể thu hút những dự án công nghệ kém vào TP được nữa. Các dự án vào TP phải đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, công nghiệp xanh, suất đầu tư cao hơn... 

Ban Quản lý các khu chế xuất - KCN TP.HCM đang tham mưu cho TP ban hành bộ tiêu chí để thu hút các dự án vào các KCN TP, vừa để thu hút dự án mới, nhưng đồng thời giúp các DN đang đầu tư soi rọi lại mình. Chủ trương của TP mong muốn DN phải tự đổi mới, tự nâng cấp để đáp ứng yêu cầu mới.

Khi hết thời hạn thuê đất, DN không đáp ứng được sẽ không được gia hạn hợp đồng thuê đất này nữa. DN phải hiểu rằng không thể duy trì công nghệ cũ trong thời gian tới. TP phải công bố các tiêu chí này một cách công khai để các DN có cơ sở để chuẩn bị. 

Với các KCN, do quỹ đất hạn chế nên cần phát triển các nhà xưởng cao 8-9 tầng, tăng hệ số sử dụng đất. Suất đầu tư trung bình ở một số KCN tại TP.HCM là 5 triệu USD/ha, nhưng trong thời gian tới phải nâng lên 12 - 15 triệu USD/ha tùy ngành nghề.

* Ông Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM):

Sớm định giá đất cho DN

DN muốn đầu tư mở rộng, muốn xây thêm nhà xưởng, trước tiên phải có đất. Do đó TP.HCM cần sớm xác định giá đất bởi nhiều nơi vẫn còn giá đất tạm tính, DN rất khó khăn khi đưa vào bài toán kinh doanh, sau này không biết giá đất cuối cùng ra sao.

Đặc biệt giá đất cho sản xuất thương mại cũng phải có tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Nếu lấy theo giá thị trường và tham chiếu giá của thị trường bất động sản, các DN sản xuất không chịu đựng nổi. Ngoài ra cần phải khơi thông các thủ tục để giải phóng nguồn lực đất đai, chứ các khâu thủ tục liên quan đến đất rất chậm.

Chỉ khi đã nộp tiền thuê đất, ra được sổ đỏ, DN mới có thể cầm sổ để đi vay vốn và đưa nguồn lực vào sản xuất kinh doanh.

Cũng cần nâng cấp hạ tầng, chuyển đổi công năng của các KCN để đón đầu các DN công nghệ cao và dịch chuyển những ngành nghề giản đơn, cần nhiều lao động sang các địa phương khác.

Với những KCN sắp hết hạn giấy phép cho thuê, cần nâng cấp cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm, áp tiêu chuẩn xanh… và có giá cạnh tranh để thu hút DN công nghệ cao. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là môi trường thu hút đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các DN.

Doanh nghiệp giáo dục kêu gặp khó khăn về quỹ đấtDoanh nghiệp giáo dục kêu gặp khó khăn về quỹ đất

Tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành giáo dục với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chiều 6-10, doanh nghiệp ngành giáo dục nêu nhiều khó khăn cần tháo gỡ, nhất là khó khăn về quỹ đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên