01/09/2023 19:45 GMT+7

Sống với giấc mơ tươi đẹp ở Việt Nam

Sarah Đặng, Mimi Vũ, Trụ Lang cùng là người gốc Việt lớn lên ở phương Tây và chọn sống ở Việt Nam nhiều năm qua. Cả ba đang sống với ước mơ và khát vọng tạo ra những giá trị mới ở quốc gia 100 triệu dân.

Trụ Lang tại nhà hàng Mùa Craft Sake - Ảnh: T.T.D.

Trụ Lang tại nhà hàng Mùa Craft Sake - Ảnh: T.T.D.

Sarah là trưởng đại diện phụ trách thị trường Việt Nam của WhiteCoat (công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực khám sức khỏe từ xa có trụ sở ở Singapore), Mimi là đồng sáng lập công ty tư vấn về phát triển bền vững Raise Partners, trong khi Trụ Lang là đầu bếp và sáng lập một chuỗi nhà hàng bền vững.

Ở Việt Nam, tôi đến gần hơn với cội nguồn và được sống từng ngày với giấc mơ của mình"

Trụ Lang

Giấc mơ Mùa với nông sản Việt

Ẩm thực liên quan thế nào đến phát triển bền vững cho cộng đồng và môi trường? Trăn trở với câu hỏi này sau hơn 10 năm với vai trò đầu bếp ở nhiều nhà hàng trên thế giới, Trụ Lang quyết định sẽ mở một gian bếp khác biệt và căn bếp đó bắt đầu ở Hội An và TP.HCM với ẩm thực theo mùa.

"Tôi thấy Việt Nam rất đa dạng từ Bắc vào Nam, có núi, có rừng, có sông, có biển. Các nguyên liệu nấu ăn theo vùng miền rất tươi ngon, phong phú. Ăn theo mùa là điều vô cùng tự nhiên. 

Nhiều người xung quanh tôi sống theo mùa, cảm nhận thời gian đến và đi với những mùa lúa, mùa rau, mùa cá… Tôi muốn đưa cảm xúc đó vào gian bếp của mình" - chàng trai sinh ra ở Pháp và lớn lên ở Mỹ kể về sự ra đời của nhà hàng Mùa ở Hội An vào năm 2019.

Trụ Lang thấy ngạc nhiên khi nhiều người Việt có tâm lý ưa chuộng nông sản ngoại nhập. 

"Nhiều người có suy nghĩ rằng nông sản trong nước kém chất lượng và kém an toàn hơn so với hàng nhập khẩu. 

Điều này đôi khi đúng, nhưng sự thật là Việt Nam nuôi và trồng được rất nhiều loại thực phẩm với chất lượng tương đương, nếu không muốn nói là tốt hơn so với những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài" - Trụ Lang nói về mong muốn tạo nên ấn tượng mới về sự đa dạng và chất lượng của nông sản Việt.

Nhà hàng Mùa hợp tác với các đối tác trồng rau theo mô hình bền vững để đảm bảo tiêu chí sử dụng nguyên liệu địa phương chất lượng cao cho tất cả các món ăn, đồ uống. Với Trụ Lang, sử dụng nguyên liệu được nuôi, trồng trong nước không những đảm bảo sự tươi ngon mà là cách đồng hành cùng cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân và giới trẻ.

"Ở Mùa, chúng tôi sử dụng nguyên liệu sạch từ những nhà sản xuất tốt trong nước, tạo một không gian để mọi người đến ngồi chơi vui. Chúng tôi hạn chế rác thải nhà bếp và bao bì nhựa. Người địa phương làm việc cùng chúng tôi, các bên cùng phát triển và lan tỏa hạnh phúc" - chàng trai sinh năm 1984 nói thêm.

Cách đây một năm, Trụ Lang mở thêm nhà hàng Mùa Craft Sake ở quận 3, TP.HCM - không gian pha trộn những điểm đặc trưng của quán nhậu Việt Nam với quán rượu sake Izakaya ở Nhật Bản. Rượu sake ở Mùa được sản xuất hoàn toàn từ các loại gạo ngon như ST25.

Việt Nam đã truyền cảm hứng cho Trụ Lang trên đường đi đến giá trị bền vững mới của ẩm thực.

"Ở Hội An, một bác nông dân nói với tôi khi đứng trên cánh đồng rằng ông cảm nhận được thời gian đi qua và thấy yêu hơn cuộc đời. Mùa nhắc chúng ta về cuộc sống. 

Chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Tôi đang sống và làm việc đầy năng lượng, nay tôi ở TP.HCM, kia ở Hội An hay những nơi tôi cần có mặt. Từ lâu, tôi luôn trăn trở về bảo vệ môi trường, kinh doanh bền vững và trả lại cộng đồng" - Trụ Lang chia sẻ với nụ cười trên môi.

Tôi vẫn sẽ ở Việt Nam để làm việc, tạo ra những thay đổi tích cực, sống hạnh phúc và chứng kiến Việt Nam phát triển"
Mimi Vũ
Các món ăn bắt mắt tại nhà hàng Mùa Craft Sake của Trụ Lang ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Các món ăn bắt mắt tại nhà hàng Mùa Craft Sake của Trụ Lang ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Yêu công việc, thích cuộc sống

Dự định về Đà Nẵng làm với một tổ chức phi chính phủ trong hai năm nhưng đến nay, Mimi Vũ (sinh năm 1978) đã sống chủ yếu ở Việt Nam gần 20 năm.

"Tôi luôn mong sự phát triển tốt nhất cho từng cá nhân trong xã hội, toàn bộ đất nước Việt Nam trong đó mỗi người, mỗi cộng đồng, nền kinh tế và môi trường có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tôi và người bạn của mình luôn hỏi nhau chúng tôi có thể làm gì để thực hiện điều này" - Mimi kể về câu hỏi rất quan trọng đã định hướng con đường sự nghiệp của chị ở Việt Nam.

Với kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức phi chính phủ ở nhiều lĩnh vực, Mimi và Văn Lý đã cùng nhau sáng lập Raise Partners, một công ty tư vấn về chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp vào năm 2019.

Mimi Vũ (phải) tại một sự kiện ở Việt Nam - Ảnh: NVCC

Mimi Vũ (phải) tại một sự kiện ở Việt Nam - Ảnh: NVCC

"Con người, xã hội, môi trường có liên hệ chặt chẽ với nhau. Trước đây, nhiều người và nhiều doanh nghiệp cho rằng đầu tư cho con người như trao học bổng hoặc đầu tư môi trường như trồng cây xanh là hoạt động từ thiện không liên quan đến kinh doanh. 

Chúng tôi đã làm việc rất vất vả nhiều năm qua với các bên để khẳng định rằng các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG) là một chiến lược kinh doanh mang lại lợi nhuận" - Mimi, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, khẳng định.

Mimi phân tích doanh nghiệp và người lao động nào có thể yên tâm hoạt động nếu môi trường bị ngập nước, bị bão lũ, sạt lở đất đe dọa và ai có thể sống khỏe mạnh nếu thực phẩm không an toàn? Theo chị, khi có môi trường sống tốt và cá nhân được giáo dục để có trình độ tốt, những điều đó sẽ giúp doanh nghiệp phát triển và nền kinh tế đi lên.

"Là nhà đầu tư hay doanh nghiệp, bạn phải đầu tư cho các yếu tố môi trường, xã hội, con người xung quanh. Đó là trách nhiệm phải làm nhưng đồng thời có rất nhiều cơ hội ở đó. Ở Raise Partners, chúng tôi luôn nói Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Giải quyết những thách thức của Việt Nam chính là cơ hội kinh doanh của bạn và đó là lý do bạn nên đến và ở lại Việt Nam" - chị nói.

Chị cho biết khách hàng của Raise Partners đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư nước ngoài. Từ sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài liên lạc với Raise Partners để tìm hiểu về cơ hội đến Việt Nam. Các bên cùng làm việc để xây dựng chiến lược phát triển bền vững nhằm tối đa hóa các mục tiêu và ý tưởng của họ.

"Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm đến ESG. ESG là chiến lược xây dựng nền tảng vững chắc để từ đó vươn ra thế giới, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký" - Mimi hào hứng chia sẻ.

Việt Nam đang rất chào đón những công ty khởi nghiệp mới nên các doanh nghiệp công nghệ nói chung sẽ có nhiều hy vọng"

Sarah ĐẶNG

Sức hấp dẫn của 100 triệu dân

"Sáng nay Sarah nghỉ nửa ngày để đi khám mắt, cũng là để quan sát môi trường khám bệnh thực tế phục vụ công việc. Sarah nghĩ đặt mình vào hoàn cảnh những người ở vùng sâu vùng xa phải lên TP.HCM để đi khám bệnh rất vất vả. 

Tôi tin công nghệ khám bệnh từ xa sẽ phổ biến vì dịch COVID-19 đã chứng minh sự khả thi của mô hình này" - chị Sarah Đặng, trưởng đại diện của ứng dụng khám bệnh từ xa Whitecoat tại Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ vào một ngày đầu tháng 8.

Sarah sinh ra và lớn lên ở Hà Lan nhưng không xa lạ với Việt Nam. Chị đã làm việc và quản lý nhà máy của công ty sản xuất két sắt VDH Safes tại Việt Nam hơn 20 năm qua. Một năm qua, chị nhận công việc mới là đưa dịch vụ khám bệnh từ xa về phát triển ở thị trường Việt Nam. 

"Dịch vụ này cũng phù hợp với việc theo dõi một số bệnh mãn tính cần trao đổi với bác sĩ như đái tháo đường, mỡ máu cao… Thuốc sẽ được gửi đến nhà" - Sarah giải thích về mô hình hoạt động của Whitecoat.

Sarah Đặng (thứ hai từ phải sang) cùng các cộng sự tại văn phòng Whitecoat ở Việt Nam - Ảnh: NVCC

Sarah Đặng (thứ hai từ phải sang) cùng các cộng sự tại văn phòng Whitecoat ở Việt Nam - Ảnh: NVCC

"Khách hàng mua theo gói của các công ty cho dịch vụ khám bệnh từ xa ở Việt Nam mà Whitecoat nhắm đến là 0,1 - 0,2% dân số 100 triệu của Việt Nam. Tôi có tham vọng hướng đến nhiều người hơn nữa nhưng trước hết cần phục vụ tốt 0,2% khách hàng này đã. 

Chúng tôi đã bắt đầu với các công ty lớn ở TP.HCM để mọi người quen với giá trị mới và cảm nhận được sự khác biệt" - người phụ nữ sinh năm 1982 nói về tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Thay đổi thói quen khám bệnh của người dân không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, theo Sarah, tại thị trường 100 triệu dân Việt Nam, nơi có rất nhiều người trẻ yêu thích cái mới, thu nhập tốt và sẵn sàng chi cho những dịch vụ có chất lượng, đó là cơ sở để lạc quan. 

"Ở Việt Nam, tôi tin dịch vụ tốt chắc chắn sẽ được ủng hộ. Dĩ nhiên, cũng cần quan tâm đến giá cả nhưng quan trọng nhất là dịch vụ tốt so với giá. Tôi tin một khi đã trải nghiệm và cảm nhận sự thuận tiện, dịch vụ khám bệnh từ xa sẽ được người dân ủng hộ" - chị tự tin.

Sarah cho biết chị rất mừng khi Chính phủ Việt Nam đã có những cơ sở pháp lý cho dịch vụ khám, chữa bệnh và kê đơn thuốc từ xa và đang tiếp tục hoàn thiện những quy định này.

Người Việt phải hành động để phát triển

Mimi Vũ cho biết rất nhiều người gốc Việt như chị đang trở về Việt Nam khởi nghiệp. "Với người gốc Việt, họ nhìn thấy có nhiều cơ hội khởi nghiệp, lập nghiệp và cả cơ hội được tìm hiểu về nguồn cội ở đây. Việt Nam là nơi bạn có thể sống với giấc mơ của mình, nơi bạn có thể tự hào về nguồn gốc dân tộc của mình, điều bây giờ không dễ dàng ở phương Tây" - Mimi bộc bạch.

Theo chị, bên cạnh làn sóng người gốc Việt và Việt kiều hồi hương còn có sự trở về của du học sinh. Mimi cho biết trước đây, du học sinh Việt Nam thường chọn ở lại nước ngoài đi làm hoặc khởi nghiệp nhưng giờ đây nhiều người chọn nhanh chóng về nước để nắm bắt cơ hội.

"Suy cho cùng, Việt Nam muốn phát triển thì không thể dựa vào người nước ngoài mà phải là người Việt Nam hành động vì những nhu cầu phát triển tự thân của Việt Nam" - chị nhấn mạnh.

Người Mỹ gốc Việt xuôi về nguồn cộiNgười Mỹ gốc Việt xuôi về nguồn cội

TTO - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt quay về Việt Nam lập nghiệp trong độ tuổi đôi mươi, ba mươi và ở lại đến nay đã hơn 10, 15 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên