05/03/2023 09:16 GMT+7

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp

Theo dự thảo Luật căn cước công dân (CCCD) sửa đổi, nhiều thông tin trên mẫu thẻ CCCD gắn chip được đề xuất sửa trong nỗ lực mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Căn cước công dân có gắn chip được tích hợp với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thanh toán… Trong ảnh: người dân làm căn cước công dân có gắn chip tại Công an phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Căn cước công dân có gắn chip được tích hợp với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thanh toán… Trong ảnh: người dân làm căn cước công dân có gắn chip tại Công an phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Dự thảo Luật CCCD sửa đổi sẽ kết thúc lấy ý kiến đóng góp vào cuối tuần sau.

Dự thảo tập trung vào các nhóm chính sách, như quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ. Thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD...

Tuổi Trẻ đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh nội dung thẻ CCCD sẽ dùng thay thế nhiều giấy tờ để làm thủ tục hành chính:

* TS BÙI SỸ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):

Nhiều lợi ích khi tích hợp thẻ BHYT vào CCCD

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp - Ảnh 2.

Hiện tại, việc sử dụng thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chip đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành và thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tốt. Theo thống kê, cả nước hiện có 12.268 cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, với gần 11,8 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Qua kết nối và chia sẻ dữ liệu, hệ thống của BHXH Việt Nam cũng đã xác thực trên 74,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Đồng thời, hệ thống đã cung cấp và chia sẻ gần 96,3 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... 

Có thể thấy việc sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và cả người dân. Cơ sở y tế cũng như người bệnh giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, bên cạnh đó tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát và quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Người dân sử dụng CCCD tích hợp giao dịch thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh: HỮU HẠNH

Người dân sử dụng CCCD tích hợp giao dịch thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh: HỮU HẠNH

* Ông NGÔ TRUNG THÀNH (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

CCCD tích hợp đầy đủ dữ liệu, thông tin

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp - Ảnh 4.

So với CCCD dùng mã vạch hay CMND 9 số và 12 số, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm hơn. Trong đó, CCCD gắn chip có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được tích hợp các dữ liệu cần thiết như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác. Từ đó tạo thuận lợi và tiện tích cho người dân sử dụng.

Người dân có thể thực hiện hầu hết giao dịch, thủ tục hành chính mà không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí. Ngoài ra có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống.

Tuy nhiên, trước mắt khi chưa có sự đồng bộ giữa các hệ thống dữ liệu thì chắc chắn sẽ có những bất cập như vấn đề người dân dù có CCCD gắn chip nhưng phải xin giấy xác nhận cư trú vừa qua. 

Do đó, cần những giải pháp lâu dài là phải bổ sung, kết nối đầy đủ các thông tin để người dân có thể thuận tiện thực hiện các giao dịch hành chính. Còn trước mắt phải có các biện pháp, tính toán để giải quyết những vấn đề bất cập nhằm giúp người dân thuận tiện, dễ dàng sử dụng CCCD gắn chip.

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp - Ảnh 5.

* Thạc sĩ LÊ ANH TIẾN (CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam):

Cần các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp - Ảnh 6.

Việc tích hợp các giấy tờ vào CCCD đặt ra một số vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dân là vô cùng quan trọng. Do đó, các tổ chức và cơ quan chính phủ cần thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin hiệu quả để ngăn chặn các vấn đề về lạm dụng thông tin cá nhân.

* Chị LÊ THỊ YẾN (quận Hoàng Mai, Hà Nội):

Mong dữ liệu tích hợp nhanh hơn

Tôi đã ra cơ quan công an tiến hành tích hợp dữ liệu bằng lái xe, đăng ký xe vào CCCD gắn chip từ cuối năm 2022 nhưng đến giờ khi kiểm tra hệ thống vẫn thấy chưa được. Thời gian tới, tôi mong việc tích hợp các dữ liệu sẽ nhanh và chính xác hơn, mang lại sự tiện lợi cho người dân.

* Công chứng viên Nguyễn Huy Việt:

Hoàn thiện, phát huy tối đa tiện ích của CCCD

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp - Ảnh 7.

Từ khi bỏ sổ hộ khẩu (ngày 1-1-2023), vai trò của CCCD gắn chip càng trở nên quan trọng khi thay thế cho sổ hộ khẩu trong rất nhiều hoạt động, giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn đó những phiền hà, bức xúc cho người dân khi giá trị của CCCD gắn chip vẫn chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, phát huy như mong muốn.

Và những vướng mắc do dữ liệu chưa được tích hợp đầy đủ, chia sẻ đồng bộ khiến CCCD gắn chip chưa hoàn toàn thay thế được các giấy tờ cần thiết khi thực hiện các thủ tục liên quan.

Như vậy, với vai trò ngày càng quan trọng của CCCD trong kỷ nguyên số, phù hợp với xu thế tiến bộ của quốc tế, dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) lần này là rất cần thiết để bảo đảm CCCD thực sự phục vụ hiệu quả, tiện lợi cho đời sống xã hội.

Người dân làm căn cước công dân có gắn chip tại Công an quận 4 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân làm căn cước công dân có gắn chip tại Công an quận 4 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

* Thạc sĩ Lưu Đức Quang (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Luật cần được đồng bộ với các quy định pháp luật khác

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp - Ảnh 9.

Theo quan sát, thẻ CCCD của một số nước châu Âu ghi rất ít thông tin cá nhân lên trên đó, chủ yếu là các thông tin rất phổ biến. Những thông tin in trên thẻ vừa bảo đảm được thông tin bí mật đời tư, chống phân biệt đối xử nhưng lại vô cùng tiện ích khi cần kiểm tra thông tin, thực hiện tất cả thủ tục, giao dịch của người dân.

Nay Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) đã thể hiện sự tiếp thu tích cực đối với các góp ý của người dân. Đồng thời, Bộ Công an sẽ bỏ việc in dấu vân tay của người dân lên thẻ CCCD cũng là phù hợp vì vừa tiết kiệm vừa bảo đảm bí mật. 

Như vậy, CCCD theo dự thảo (sửa đổi) được thiết kế lại theo hướng lược đi thông tin không cần thiết, bảo đảm thông tin đời tư, còn những thông tin cần thiết để phục vụ quản lý, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch... thì tích hợp vào dữ liệu thẻ CCCD.

Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) cần được đồng bộ với các quy định pháp luật khác liên quan, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật hiện hành, nhất là các quy định về thủ tục hành chính cần sử dụng dữ liệu thông tin từ thẻ CCCD.

Cần chấm dứt tình trạng có CCCD vẫn cần giấy xác nhận

Người dân làm thủ tịch tư pháp- hộ tịch tại UBND phường 14, quận 10 (TP.HCM) vào cuối tháng 2 - Ảnh: HỮU HẠNH

Người dân làm thủ tịch tư pháp- hộ tịch tại UBND phường 14, quận 10 (TP.HCM) vào cuối tháng 2 - Ảnh: HỮU HẠNH

Theo nghị định 104, từ 1-1-2023, khi đi làm thủ tục, người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip là đủ chứng minh các thông tin cư trú. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có thực trạng khi người dân thực hiện các thủ tục như đăng ký định mức điện, nước, tuyển sinh, xác nhận độc thân, vay ngân hàng, mua bán... thì việc chỉ xuất trình thẻ CCCD gắn chip là chưa đủ để cơ quan, tổ chức tiếp nhận giải quyết.

Ví dụ hiện nay hầu hết các UBND phường, xã, thị trấn tại TP.HCM đều được trang bị máy quét mã QR trên CCCD gắn chip chứ chưa được trang bị thiết bị quét chip. Nhưng khi quét mã thì thông tin cán bộ tư pháp phường nhận được chỉ gồm tên tuổi, giới tính, số CMND cũ, số CCCD, nơi thường trú. Trong khi theo quy định, để cấp giấy xác nhận độc thân dùng để kết hôn và các mục đích khác thì cán bộ tư pháp cần có thông tin chính xác về quá trình cư trú.

Tương tự, hầu hết tổ chức hành nghề công chứng (không chỉ tại TP.HCM) hay ngân hàng vẫn đang kiểm tra thông tin cư trú của người dân bằng cách dùng điện thoại thông minh truy cập ứng dụng Zalo để quét mã QR trên CCCD gắn chip.

Nhưng nội dung thông tin họ nhận được cũng tương tự như của UBND phường sử dụng máy quét mã QR. Hay các công ty cung cấp điện, nước cho người dân vẫn chưa có thiết bị đọc CCCD gắn chip để thấy được thông tin có bao nhiêu nhân khẩu cư trú liên quan đến hộ gia đình để cấp định mức điện, nước cho người dân sử dụng hợp lý.

Trong khi hiện nay thông tin liên quan đến nhân khẩu, quá trình cư trú... chỉ có cơ quan công an cấp xã (phường, thị trấn) mới có dữ liệu này. Kể từ khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị bãi bỏ thì khi đi làm các thủ tục giao dịch liên quan cán bộ tư pháp phường, công ty điện nước, công chứng, ngân hàng vẫn đề nghị người dân liên hệ cơ quan công an phường để xin giấy xác nhận về thông tin cư trú hoặc cơ quan giải quyết thủ tục sẽ tự liên hệ cơ quan công an để xác minh.

Chính vì thực trạng sử dụng CCCD gắn chip vẫn chưa đủ thông tin cần thiết mà thời gian qua người dân phải vất vả hơn khi thực hiện các thủ tục, giao dịch.

Trong khi đó, theo Bộ Công an, qua 2 năm triển khai cấp CCCD gắn chip (từ 1-1-2021), đến nay đã có hơn 78 triệu thẻ CCCD gắn chip được cấp. Kết quả đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành công an cả nước khi tổ chức cấp CCCD gắn chip cả ngày, cả đêm, ngày nghỉ, lễ, đến tận nhà làm cho dân...

Kết quả đó cũng cho thấy người dân cũng chấp hành, ủng hộ cuộc "tổng vận động" của ngành công an lớn như thế nào khi sắp xếp thời gian, công việc để đi đổi từ CMND, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip.

Bởi lẽ người dân đều tin tưởng vào các tiện ích, thuận lợi của thẻ CCCD gắn chip mang lại mà cơ quan công an tuyên truyền, vận động. Vì vậy, những bất tiện, vất vả mà người dân gặp phải thời gian qua sẽ phần nào làm giảm đi giá trị, hiệu quả của CCCD gắn chip.

Thực trạng này cần sớm được các cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng tháo gỡ. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện Luật CCCD (sửa đổi) để tạo ra cơ chế biến CCCD thành công cụ hữu ích nhất, tiện ích nhất, phục vụ hiệu quả nhất cho đời sống trong kỷ nguyên số.

ÁI NHÂN

Rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp, có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ.

Hiện nay, CCCD gắn chip đã được sử dụng trong đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế. Bộ Công an cũng đang triển khai các thiết bị đầu đọc mã QR trên thẻ CCCD phục vụ các điểm tiếp công dân giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu ở một số địa phương.

Qua triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức.

Theo vị này, việc sử dụng thẻ CCCD (hay mã số định danh cá nhân) là công cụ định danh để truy xuất thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành là phương thức đã thực hiện lâu nay trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài phương thức truy xuất thông tin nêu trên, Bộ Công an đã chỉnh lý chính sách quy định theo hướng ưu tiên lựa chọn, tích hợp những thông tin mang tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân vào thẻ CCCD gắn chip như thông tin về thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn...

"Những thông tin được tích hợp vào thẻ CCCD có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. Từ đó sẽ tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch thương mại khác", lãnh đạo C06 cho hay.

DANH TRỌNG

Căn cước công dân gắn chip được đề xuất chỉnh sửaCăn cước công dân gắn chip được đề xuất chỉnh sửa

Theo dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi, nhiều thông tin trên mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip được đề xuất sửa như "quê quán" thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" sửa thành "nơi cư trú"…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên