24/11/2023 09:09 GMT+7

Bình ổn giá, cắt giảm lợi nhuận để giữ sức mua cuối năm

Nhu cầu sắm Tết cũng như sức mua tích trữ hàng hóa của người dân đang giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ dự đoán sức mua những tháng cuối năm tăng cao trong bối cảnh niềm tin người tiêu dùng đang hồi phục - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các nhà bán lẻ dự đoán sức mua những tháng cuối năm tăng cao trong bối cảnh niềm tin người tiêu dùng đang hồi phục - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) - cho biết các nhà bán lẻ kỳ vọng tình hình kinh doanh hai tháng cao điểm Tết sẽ khả quan hơn ngày thường.

Tuy vậy, họ cần phải nỗ lực giữ giá bình ổn, nguồn hàng sẵn sàng hơn thì mới hút được khách.

Hàng hóa đã sẵn sàng, chỉ chờ người mua

* Mùa khuyến mại cuối năm năm nay được các nhà bán lẻ tính toán như thế nào để tận dụng được sức mua trong bối cảnh niềm tin người tiêu dùng đang hồi phục?

- Chúng ta đang bước vào cao điểm mua sắm cuối năm với những lễ hội lớn. Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương trên cả nước cũng đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mãi cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam.

Hiện một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.

Tại TP.HCM, ngay từ tháng 4-2023, Sở Công Thương TP đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia, khối lượng hàng bình ổn giá chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.

Hệ thống bán lẻ Saigon Co.op sẵn sàng "cắt" bớt lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, từ đó sẽ cân đối mức giá hợp lý với nhiều chương trình ưu đãi cho người tiêu dùng nhằm kích thích sức mua cuối năm.

Saigon Co.op đang chuẩn bị tốt các chương trình khuyến mãi cùng với trữ lượng hàng hóa để tranh thủ ở mức cao nhất các cơ hội gia tăng sức mua như: Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

* Theo các đánh giá, những tuần đầu tiên của tháng 11 này sức mua ở một số nhóm hàng đã tăng trở lại, theo ông, tín hiệu tích cực này đến từ đâu?

- Ngoài nhóm khách hàng mục tiêu, Saigon Co.op cũng dành nhiều ưu tiên cho nhóm khách hàng Gen Y và Gen Z là thế hệ các bạn trẻ am hiểu công nghệ, cập nhật xu hướng thường xuyên và nhanh chóng.

Đây có thể nói là nhóm tiêu dùng mà chúng tôi đang nỗ lực phục vụ tốt hơn, cố gắng hiểu họ hơn để có những sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Cùng với đó, hệ thống Saigon Co.op cũng áp dụng số hóa và ứng dụng công nghệ số vào tất cả chương trình khuyến mãi nhằm mở rộng nhóm khách hàng.

Đồng thời, mang đến trải nghiệm thuận tiện cho người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Các biện pháp này đang bắt đầu được phát huy và người tiêu dùng trẻ đón nhận.

Để bảo vệ sức mua, các nhà bán lẻ phải chấp nhận cắt bớt lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng trong mùa Tết năm nay.
Bình ổn giá, cắt giảm lợi nhuận để giữ sức mua cuối năm- Ảnh 2.Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ việt Nam (AVR)

Bắt mạch xu hướng tiêu dùng của thị trường

* Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận sức mua có chững lại và có tâm lý dè sẻn, theo ông, giải pháp kích cầu hiệu quả hiện nay là gì?

- Theo tôi, giải pháp kích cầu quan trọng hiện nay là gắn liền với bình ổn thị trường. Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Đến nay, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất trong dịp cuối năm. Các doanh nghiệp bán lẻ dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm do giá điện, giá xăng dầu tăng cao.

Do đó, bên cạnh làm việc với nhà cung cấp từ giữa năm để có phương án chuẩn bị nguồn hàng và mức giá hợp lý cho người tiêu dùng thì các đơn vị cũng chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ, mang tính ứng dụng cao để phục vụ người tiêu dùng.

Doanh nghiệp bán lẻ linh động phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa và giảm lợi nhuận để mang lại giá cả hợp lý trong dịp Tết.

Đồng thời, siêu thị triển khai chương trình Tết Nguyên đán 2024 với nhiều ưu đãi để người tiêu dùng có được mùa Tết trọn vẹn.

Thị trường nội địa dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết.

Song các khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra nhu cầu mua tích trữ hàng hóa của người dân giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng.

Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các doanh nghiệp, công tác chỉ đạo, điều hành cùng với chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương, phần nào đảm bảo sự ổn định cho thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân.

* Là hệ thống siêu thị Việt Nam hàng đầu, Saigon Co.op đang triển khai những chương trình khuyến mại như thế nào để thu hút khách đến mua sắm nhiều hơn?

- Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ vừa công bố vào giữa tháng 11 vừa qua, phản ứng phổ biến của khách hàng khi thị trường có biến động giá là: chọn thương hiệu rẻ hơn, mua gói lớn hơn để tiết kiệm và mua các sản phẩm khuyến mãi.

Nắm bắt tâm lý này, Saigon Co.op liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi dưới nhiều hình thức: trợ giá hàng ngàn mặt hàng, tung thêm các mặt hàng nhãn riêng có giá rẻ hơn từ 5 - 25% so với mặt hàng dẫn đầu cùng loại...

Để có thể thực hiện xuyên suốt các chương trình này, Saigon Co.op đã phối hợp với hàng ngàn đối tác kinh doanh cùng ký kết các hợp đồng giữ giá, đặc biệt là nhóm hàng bình ổn giá, nhóm hàng thiết yếu, cùng nhau giảm lợi nhuận để giúp khách hàng tiết kiệm chi tiêu tối đa, qua đó chuẩn bị "hầu bao" để bước vào cao điểm mua sắm cuối năm với những ngày lễ lớn Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024.

* Chính phủ đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, riêng với các doanh nghiệp bán lẻ, theo ông, họ đang cần chính sách gì để cải thiện doanh thu cuối năm và kích cầu tiêu dùng?

- Để giúp các doanh nghiệp bán lẻ cải thiện doanh thu cuối năm và kích cầu tiêu dùng, theo tôi, việc tiếp tục duy trì giảm thuế VAT 8% trong năm 2024 là cần thiết. Bên cạnh xem xét tăng lương cơ bản, Chính phủ cũng cần ban hành thêm các thông tư hỗ trợ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Thêm vào đó, Chính phủ nên duy trì nới lỏng tiền tệ để làm hạ nhiệt lãi suất huy động và cho vay, tăng sức mua cho người dân. Các biện pháp này là cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

* Cảm ơn ông!

Niềm tin người tiêu dùng hồi phục nhẹ

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 5.100 nghìn tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu 10 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước, như: Đà Nẵng tăng 143,8%, Khánh Hòa tăng 137,9%, TP.Hồ Chí Minh tăng 68%, Hà Nội tăng 59,5%, Cần Thơ tăng 32,4%… Các con số này chứng tỏ niềm tin người tiêu dùng đang dần được hồi phục.

Siêu thị tăng tốc tung ưu đãi lớn ngày cuối tuầnSiêu thị tăng tốc tung ưu đãi lớn ngày cuối tuần

Chương trình "Tri ân từ trái tim" do Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức tại 800 điểm bán trên toàn quốc đang bước vào giai đoạn tăng tốc về đích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên