Những thầy cô nâng bước tôi vào đời

  HUỲNH KIM TƯỚC (giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM)
  HUỲNH KIM TƯỚC (giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM)

TTO - Ngẫm nghĩ lại chuyện xưa thấy mình quá may mắn. Không có sự vất vả của má, sự thương yêu của các thầy cô thì chẳng biết cuộc sống của mình sẽ thế nào.

Mình nhớ nhất là những thầy cô dìu dắt mình ở tuổi "hoa bướm".

Audio Nhịp sống trẻ: Thầy tôiHai câu chuyện ngày nhà giáo

ajCmiCsd.jpgPhóng to
Ảnh: từ Internet

Thầy Lộc dạy mình mẫu giáo. Lớp mẫu giáo rất gần nhà mình. Có khi giờ ra chơi, mình chạy ù về nhà bú ti má mình một cái rồi chạy đi học tiếp. Mình sợ nhất là vụ kiểm tra vệ sinh của thầy. Hôm nào chơi bắn bi quên cả giờ, đến lúc nghe trống báo giờ học là cả đám mặt mày xanh như đít nhái.

Để che vết bẩn trên tay chân, bọn tiểu quỷ tụi mình liền nhai lá dâm bụt với… nước bọt, sau đó nhả ra lòng bàn tay rồi vò vò cho nát khắp bàn tay. Màu xanh của lá dâm bụt và nước bọt che khuất vết bẩn.

u6ZVoSk5.jpgPhóng to
Tác giả bài viết - ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM - Ảnh: nhân vật cung cấp
Cả đám rồng rắn đứng trước mặt thầy. Thầy nhịp nhịp cái thước gỗ dài, to như cây gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không. Thằng nào tội nhẹ thì bị thầy tụt quần đánh 1 roi, thằng nào tội nặng thì 3 roi. Tụi mình xúm nhau khóc la inh ỏi, mũi dãi quẹt tràn ra hai má, dơ khiếp!

Cô Tuyết dạy mình lớp 4. Có lẽ cô là người khai phá tài năng toán học của mình, mở đầu cho 8 năm mình làm học sinh chuyên toán của tỉnh Phú Khánh. Cái chuyện giỏi toán xuất phát từ chuyện hằng tuần cô kêu mình lên nhà giúp cô chấm điểm toán cả lớp.

Mình nhớ hoài những ngày ấy. Cứ mỗi chiều thứ bảy mình thưa má: "Thưa má, cho con lên nhà cô chấm bài".

Cuối học kỳ thì độ khó của công việc này cao hơn, kiểu như cô bảo: "Con xem thằng Sửu, con My nghỉ kiểm tra ba lần. Con xem cho nó bao nhiêu điểm để nó qua. Tụi nó mà rớt chắc bỏ học đi chăn bò quá!". Hồi đó con cái nhà nào cũng chỉ có hai con đường "quy hoạch" nếu không học hành đàng hoàng: đi chăn bò hoặc bán trà đá bến xe.

Mình nhớ hoài hình ảnh cô chạy như chong chóng: vừa đút thìa cơm cho thằng nhóc con, xong buông ra cô chạy xuống bếp rang mớ bắp khô, cho bắp vào bao để chuẩn bị đi bỏ mối. Xong việc cô vội đi xào đám thuốc lá.

***

Cô Lương dạy mình lớp 5. Cô hay cho trò làm "toán chạy": cô ra một bài, ai chạy lên nộp nhanh nhất thì được cộng điểm. Mình chân đứng trong bàn, chân đứng ngoài bàn, vừa xong bài là mình vứt bút chạy lên nộp. Điểm mình nhiều quá, cô không cho mình thi nữa. Gần 30 năm sau gặp lại cô, cô vẫn xoa đầu mình: "Thằng này thông minh, thông minh!". Sướng chi lạ!

Cô Tuyết dạy văn lớp 6 và chủ nhiệm lớp mình. Mình buồn cười nhất là cái chuyện nhành hoa tím trong tập làm văn của mình ngày ấy. Nhà mình ở thị xã Tuy Hòa, bây giờ lên thành phố rồi. Quê ngoại mình ở Phú Lâm, cách đó 4 cây số, quê nội thì cách đó 5 cây.

Từ nhà về quê chỉ qua một cây cầu bắc qua con sông Đà dịu dàng, thấp thoáng những cánh buồm nâu ẩn khuất sau những tàn lau.

Núi Nhạn nằm kề bên sông Đà. Trên núi có chùa Kim Cang ẩn khuất sau những tàng cây. Khung cảnh ấy thật đẹp! Không hiểu sao lần đó, mình từ quê quay về, nhìn thấy cành hoa tím trên núi đong đưa, sao đẹp thế!

Thế là lần đó, đề văn yêu cầu tả về quê của em, mình bê nguyên hình ảnh đó vào bài làm. Hay không bằng hên! Kể từ dạo đó mình trở thành mầm non văn chương. Sau này làm văn thể loại gì mình cũng mang nhành hoa tím vào.

***

Thầy chủ nhiệm suốt cấp III chuyên toán của mình là thầy Đảm. Thầy là cử nhân toán đầu tiên của tỉnh Phú Yên nên có thể nói gần như các thế hệ đang sống ở Phú Yên hiện nay đều là học trò của thầy. Thầy giỏi lắm, giải toán mà kiểu mẹo thì thầy chê là "tiểu lộ", phải giải bằng "đại lộ", rồi bắt tụi mình giải mấy bài toán Fecma lớn, Fecma nhỏ.

Thầy bị điếc một bên tai. Có lần tụi mình đang nói gì đó thì thầy đi xuống chỉ mình rồi nói: "Cậu này nói tui điếc nè!". Thầy cười hiền lành lắm nên học trò bớt sợ!

***

Thầy Thiện dạy mình môn hóa. Thầy yêu cô Viên - cũng dạy môn hóa. Khi thầy cô cưới nhau, bọn mình được phân công kê bàn ghế, chạy sai vặt. Vui ghê!

Thầy nghe tin mình đi bộ đội ở Campuchia khi đang giảng bài. Thầy rớt quyển sách, mắt rưng rưng. Sau đó, thầy xé cuốn sách đề thi hóa ra làm nhiều xấp nhỏ, bỏ bì thư, gửi qua Campuchia cho mình. Sau này mình mới biết cả tỉnh lúc đó chỉ mua được hai cuốn, thầy dùng chung với cô Viên một cuốn, một cuốn gửi cho mình. Năm nào mình cũng ghé thăm thầy cô. Dạo này thầy nhiều bệnh lắm...

Tôi đã bước lên những bậc thang do các thầy cô dựng lên bằng tấm lòng như thế!

Khép lại nội dung viết "Người thầy đáng kính của tôi"

Khởi động từ ngày 11-10, nội dung viết "Người thầy đáng kính của tôi" nhận được khoảng 100 bài viết từ bạn đọc trong và ngoài nước. Tuổi Trẻ Online đã đăng tải 13 bài viết xuất sắc.

Hầu hết các bài viết là nơi bạn đọc gửi gắm tình cảm thương mến dành cho những người thầy - người cô một đời giản dị, tận tụy với nghề, đồng hành cùng học trò trên hành trình học tập và cuộc sống còn lắm gian khó. Nhiều thầy cô được gọi bằng cụm từ thân thương "người cha thứ hai", "người mẹ thứ hai".

Những câu chuyện xúc động ấy còn gắn với kỷ niệm thời áo trắng với những nghịch ngợm đáng yêu và sự bao dung, "tâm lý" của thầy cô.

Sẻ chia của bạn đọc khắp nơi về "Người thầy đáng kính của tôi" đã góp phần tạo nên không khí tri ân nồng ấm dành cho quý thầy cô nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tuổi Trẻ Online trân trọng cảm ơn sự tham gia của bạn đọc và xin hẹn gặp lại với những chủ đề khác trong thời gian gần nhất.

Các bài viết đã đăng:

Người lái đò "cộc tính"Vị "khô mộc đại sư" kính yêu của tôiNụ cười của thầy tiếp thêm nghị lực cho tôi"Lạnh lùng kế" của cô chủ nhiệm"Má Hương" của A10Thầy tôiCảm ơn điểm 0 cô dành cho emThầy ơi, con đã hiểuNgười giúp tôi không đứt đường họcNgười mẹ thứ haiLớp học đặc biệt của cô HuyềnNgười thầy "tuyệt chiêu"

  HUỲNH KIM TƯỚC (giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên