Trung Quốc và thách thức thay đổi mô hình tăng trưởng

THANH TUẤN 27/08/2023 05:25 GMT+7

TTCT - Bốn thập kỷ qua, Trung Quốc kích thích kinh tế bằng cách đầu tư các nhà máy, nhà cao tầng và đường sá. Mô hình này tạo giai đoạn tăng trưởng thần kỳ, giúp họ thoát nghèo và biến nước này thành siêu cường về xuất khẩu toàn cầu.

Nhưng mô hình từng giúp Trung Quốc bắt kịp thế giới giờ bộc lộ nhiều bất cập khi gánh nặng nợ đang phình to, còn hạ tầng thì đã... hết thứ để xây, theo Wall Street Journal. Nhiều vùng ở nước này hiện có nhiều cầu đường và sân bay không sử dụng hết, hàng triệu căn hộ không người ở, đồng nghĩa lợi nhuận từ các khoản đầu tư hạ tầng đã giảm đáng kể.

Ảnh: Financial Times

Ảnh: Financial Times

Những khó khăn của kinh tế Trung Quốc càng rõ hơn sau một loạt số liệu gần đây. Đầu tiên là tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý 2-2023, dập tắt hy vọng tăng vọt sau gỡ bỏ zero Covid. Đầu tháng 8, xuất khẩu Trung Quốc đã giảm 3 tháng liên tiếp, trong khi nhập khẩu giảm 5 tháng liên tiếp. Trong khi đó, giá cả một loạt lĩnh vực từ thực phẩm tới nhà cửa đều giảm, làm dấy lên nỗi lo về giảm phát.

"Kinh tế Trung Quốc chậm lại chắc chắn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu - Larry Hu, chuyên gia kinh tế của Công ty tài chính Macquarie ở Hong Kong, nói với New York Times - Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ nguyên liệu số 1 toàn cầu, ảnh hưởng sẽ là rất lớn". Theo nghiên cứu của BCA Research, 10 năm qua, Trung Quốc chiếm tới 40% tăng trưởng kinh tế thế giới, so với 22% của Mỹ và 9% của các nước sử dụng đồng euro.

Mô hình vay + xây dựng

Dấu hiệu khó khăn hiện rõ cả trên số liệu và hành động của các địa phương. Tỉnh Vân Nam mới đây công bố sẽ chi hàng triệu USD để xây cơ sở cách ly Covid-19 mới với quy mô ba sân bóng đá, dù chính sách zero Covid đã chấm dứt nhiều tháng trước. 

Các địa phương khác cũng y hệt. Khi đầu tư tư nhân và xuất khẩu giảm, các quan chức nói không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục vay và xây dựng để kích thích kinh tế.

Giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn nhiều, đặc biệt khi dân số già hóa nhanh và quan hệ với Mỹ cùng phương Tây ngày càng nhiều bất trắc, khiến lượng FDI đổ vào Trung Quốc và giao thương đều khó khăn. Theo WSJ, đây có thể không chỉ là suy yếu nhất thời, mà có nguy cơ là một thời kỳ trì trệ kéo dài.

"Chúng ta đang chứng kiến cú ngoặt sau đà tăng kinh tế có lẽ là ấn tượng nhất lịch sử" - Adam Tooze, giáo sư lịch sử chuyên nghiên cứu khủng hoảng kinh tế của Đại học Columbia, nói. 

IMF dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 4% trong những năm tới, chưa bằng 1/2 so với tốc độ tăng trưởng trung bình 4 thập kỷ qua. Capital Economics, hãng nghiên cứu ở London, dự đoán đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 3%, và chỉ còn tầm 2% vào năm 2030.

Nếu đúng là như vậy, Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu đưa ra năm 2020 về tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào 2035, khó lòng vượt ngưỡng thu nhập trung bình, và như thế nhiều khả năng không đạt tới quy mô vượt qua kinh tế Mỹ như nhiều dự báo trước đó.

Thành công ban đầu của Trung Quốc trong kiềm chế Covid-19 và việc người tiêu dùng Mỹ tăng chi tiêu phần nào che lấp những vấn đề của nền kinh tế tỉ dân, nhưng kể từ đó đến nay, bong bóng bất động sản vỡ, đơn đặt hàng từ phương Tây giảm, và vay nợ đạt tới ngưỡng không bền vững.

Tình hình đặc biệt xấu đi mấy tháng gần đây. Hoạt động sản xuất co lại, xuất khẩu giảm, trong khi thất nghiệp trong nhóm lao động trẻ đang ở mức cao kỷ lục (21,3% trong tháng 6). Một trong những công ty bất động sản lớn nhất còn hoạt động là Country Garden Holdings thì sắp vỡ nợ giữa lúc nền kinh tế đang nguy cơ rơi vào giảm phát.

Khủng hoảng kiểu Nhật?

Nếu không có chính sách kích cầu quyết liệt và các nỗ lực thật sự để hồi sinh kinh tế tư nhân, nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng vừa giảm phát vừa đình trệ như Nhật Bản những năm 1990, cũng là bong bóng bất động sản vỡ, nhiều năm giảm phát và tăng trưởng thấp.

Nhưng khác với Nhật, Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng này trước khi bước vào CLB của những nước giàu. Thu nhập bình quân đầu người 12.850 USD ở Trung Quốc hiện giờ vẫn dưới mức các nước giàu (13.845 USD, theo tiêu chí "thu nhập cao" của World Bank). GDP đầu người của Nhật năm 2022 là khoảng 42.440 USD, còn Mỹ là 76.400 USD.

Giới chức Trung Quốc đang tiến hành các bước thận trọng để phục hồi tăng trưởng, như giảm lãi suất và cam kết sẽ mạnh tay hơn nếu tình hình xấu đi. 

"Một số chính trị gia và truyền thông phương Tây đã thổi phồng và nói quá tình hình khó khăn khi Trung Quốc đang hồi phục kinh tế hậu Covid - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16-8 chỉ trích phương Tây - Thực tế sẽ chứng minh là họ sai". Nhưng mới đây nhất, Trung Quốc đã không còn công bố số liệu người trẻ thất nghiệp với lý do rà lại phương pháp tính.

Phát triển hạ tầng và bất động sản ồ ạt khiến nhiều thành phố "ma" mọc lên ở Trung Quốc. Ảnh: DW

Phát triển hạ tầng và bất động sản ồ ạt khiến nhiều thành phố "ma" mọc lên ở Trung Quốc. Ảnh: DW

Kỷ nguyên xây dựng thừa

Trung Quốc thường xuyên vượt qua các chu kỳ kinh tế lên xuống của thế giới trong suốt hơn 4 thập kỷ kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu "cải cách mở cửa" năm 1978. Trong giai đoạn này, thu nhập đầu người của Trung Quốc tăng 25 lần, giúp hơn 800 triệu người thoát nghèo. Từ đất nước thường xuyên đối mặt nạn đói, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu.

Giới học giả quá ấn tượng với sự vươn lên này nên có người đã gọi thế kỷ 21 là "thế kỷ Trung Quốc", giống như thế kỷ 20 là "thế kỷ Mỹ". Sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc là nhờ nguồn đầu tư rất lớn vào hạ tầng và các nền tảng cứng, với số vốn lên tới 44% GDP hằng năm trong giai đoạn 2008-2021. Con số này trung bình toàn cầu là 25% và khoảng 20% ở Mỹ, theo WB.

Trung Quốc chi tiêu được nhiều vậy là nhờ quyền lực nhà nước rất tập trung, ngân hàng nhà nước đặt tỉ giá huy động thấp, cho phép chính quyền có nguồn vốn rẻ để triển khai các dự án, gồm hàng chục nghìn km cao tốc, hàng trăm sân bay và hệ thống tàu điện cao tốc lớn nhất thế giới.

Nhưng mô hình này theo thời gian dẫn tới tình trạng xây dựng thừa. Khoảng 1/5 số căn hộ ở các thành phố Trung Quốc (xấp xỉ 130 triệu căn) không có người ở vào năm 2018, theo nghiên cứu của Đại học Tài chính kinh tế Tây Nam. 

Theo báo đài Trung Quốc, một ga tàu điện cao tốc ở thành phố Đam Châu (phía nam Hải Nam) được đầu tư 5,5 triệu USD, nhưng chưa bao giờ được sử dụng vì nhu cầu hành khách quá thấp. 

Chính quyền Hải Nam nói sẽ vẫn mở ga này dù liên tục chịu "lỗ lớn". Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất nước với thu nhập đầu người dưới 7.200 USD, vẫn có hơn 1.700 cây cầu và 11 sân bay. Tỉnh này có khoản nợ ước tính lên tới khoảng 388 tỉ USD vào cuối năm 2022. Hồi tháng 4, Quý Châu đã phải xin trung ương hỗ trợ trả nợ.

Các chuyên gia kinh tế tính toán khác với thời kỳ khát vốn và hạ tầng lúc đầu, hiện giờ Trung Quốc phải đầu tư 9 USD để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP, so với 5 USD một thập kỷ trước và chỉ khoảng 3 USD thời 1990. 

Giá trị lợi nhuận trên tài sản của các công ty tư nhân cũng giảm từ 9,3% của 5 năm trước xuống còn 3,9%, theo Bert Holfman, người đứng đầu Viện Đông Nam Á của Đại học Quốc gia Singapore. Lợi nhuận từ doanh nghiệp nhà nước cũng giảm từ 4,3% xuống còn 2,8%. Ngoài ra, lực lượng lao động và tốc độ tăng năng suất lao động đều co lại. 

Theo tính toán của Holfman, từ 1980 tới đầu những năm 2000, tăng năng suất lao động đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Tỉ lệ này đã giảm xuống còn dưới 1/6 trong 10 năm rồi.

Gánh nặng nợ

Tổng nợ, bao gồm nợ của chính quyền các cấp và doanh nghiệp quốc doanh ở Trung Quốc đã đạt gần 300% GDP năm 2022, vượt qua mức của Mỹ là xấp xỉ 200%, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS). Phần lớn nợ là ở địa phương. 

Bị hạn chế không được vay mượn trực tiếp để tài trợ các dự án, các địa phương dùng nguồn vốn ngoài bảng cân đối (thủ thuật kế toán), dẫn tới các khoản nợ lên tới hơn 9.000 tỉ USD, theo IMF.

Trung Quốc và thách thức thay đổi mô hình tăng trưởng - Ảnh 3.

Vân Nam là một ví dụ. Đầu tư hạ tầng ồ ạt giúp kinh tế tỉnh này tăng trưởng mạnh mẽ suốt nhiều năm. Chính quyền tỉnh đã chi hàng trăm triệu USD cho các dự án như cầu treo cao nhất châu Á, gần 10.000km đường cao tốc và nhiều sân bay lớn, chưa kể các dự án thúc đẩy du lịch và mở rộng sản phẩm thương mại địa phương. 

Giai đoạn 2015-2020, Vân Nam là một trong những vùng phát triển nhanh nhất Trung Quốc. Nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại mấy năm gần đây, khi thị trường bất động sản chậm lại, tác động mạnh tới thu ngân sách của tỉnh.

Tỉ lệ nợ trên doanh thu ở Vân Nam đạt mức 151% năm 2021, vượt ngưỡng báo động của IMF và tăng hơn nhiều so với mức 108% của năm 2019, theo Lienhe Ratings, công ty xếp hạng tín dụng của Trung Quốc. 

Fitch đầu năm nay nói các hãng tài chính mà tỉnh này dùng để thu xếp tiền cho các dự án xây dựng có nguy cơ cao vì quy mô vay nợ cùng tình trạng tài chính của chính quyền.

Nhưng Vân Nam vẫn tiếp tục triển khai các dự án lớn. Đầu năm 2020, chính quyền tỉnh cho biết sẽ chi gần 500 tỉ USD cho hàng trăm dự án hạ tầng, gồm dự án 15 tỉ USD nắn dòng nước sông Dương Tử về một số địa phương khô hạn trong tỉnh. 

Thành phố Văn Sơn hồi tháng 2 lên kế hoạch đầu tư một khu cách ly "thường xuyên", dù Covid đã chấm dứt. Khi chính quyền mời thầu dự án này hồi tháng 6-2022, người dân địa phương đã chất vấn về tính hiệu quả. 

"Thật là phí phạm", một người dùng Weibo viết. Dẫu vậy, các quan chức Vân Nam vẫn khẳng định dự án xây khu cách ly sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Đi tìm giải pháp

Theo các chuyên gia, giải pháp khả dĩ với Trung Quốc lúc này là chuyển sang kích thích tiêu dùng nội địa và các ngành dịch vụ, điều sẽ giúp kinh tế cân bằng hơn và giống mô hình của Tây Âu và Mỹ. 

Theo WB, chi tiêu của hộ gia đình hiện chỉ chiếm 38% GDP ở Trung Quốc, so với 68% của Mỹ. Thay đổi điều này đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân chi tiêu nhiều và tiết kiệm ít đi; cũng như mở rộng phúc lợi xã hội liên quan tới y tế hay trợ cấp thất nghiệp.

Bắc Kinh hiện vẫn nghi ngờ mô hình tiêu dùng kiểu Mỹ, điều mà họ cho là lãng phí, trong khi Trung Quốc cần tập trung hơn vào tăng cường năng lực công nghiệp và chuẩn bị cho cuộc đối đầu có thể xảy ra với phương Tây.

Kế hoạch hồi tháng 7 của chính quyền về tăng cường tiêu dùng bị các chuyên gia chê là thiếu chi tiết. Kế hoạch này nói về việc thúc đẩy các sự kiện thể thao và văn hóa, xây dựng thêm cửa hàng bách hóa ở nông thôn, đẩy mạnh trợ cấp nhà nước cho các ngành công nghệ cao như bán dẫn, xe điện và AI.■

"Không thể đi đường cũ bằng đôi giày mới"

Ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo cấp cao nhận ra mô hình tăng trưởng quá khứ đã tới ngưỡng. Trong thông điệp với các lãnh đạo mới hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng đã qua thời dựa vào vay mượn để xây dựng nhằm mở rộng kinh tế. "Một số người nghĩ tăng trưởng nghĩa là đầu tư vào dự án và mở rộng đầu tư - ông Tập cảnh báo - Nhưng không thể đi con đường cũ bằng đôi giày mới được".

Tuy nhiên tuần trước, khi Bắc Kinh công bố một loạt số liệu kinh tế khá xấu, tạp chí Cầu Thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trích lại một phát biểu khác của ông Tập sáu tháng trước về tập trung vào mục tiêu dài hạn: "Chúng ta cần duy trì nhẫn nại lịch sử và tập trung vào các tiến bộ vững chắc, từng bước một".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận