20/04/2017 10:43 GMT+7

Ngỡ ngàng chuyện tàu sân bay Mỹ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Có một khoảng lặng pha chút ngỡ ngàng sau thông tin hạm đội tàu sân bay Mỹ hơn một tuần qua không hề di chuyển đến bán đảo Triều Tiên như lời Tổng thống Donald Trump nói. Nỗi lo chiến tranh bị thổi phồng?

Tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua eo biển Sunda gần Indonesia ngày 15-4 - Ảnh: US Navy/Reuters
Tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua eo biển Sunda gần Indonesia ngày 15-4 - Ảnh: US Navy/Reuters

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), Hải quân Mỹ ngày 18-4 xác nhận họ không di chuyển tàu sân bay USS Carl Vinson đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên như nhiều nguồn tin, trong đó có Tổng thống Donald Trump và các cố vấn cấp cao của ông, loan báo trước đó.

Trong những ngày căng thẳng vừa qua, hạm đội Mỹ chỉ diễn tập ngoài khơi bờ biển Úc, cách điểm nóng Triều Tiên đến hàng ngàn dặm!

Tất cả chỉ là hiểu lầm?

“Sự hụt hẫng” ở đây là không ai nghĩ Tổng thống Donald Trump không biết quân đội của ông đang làm gì và ở đâu (trừ khi ông cố tình đánh lạc hướng).

Trong thông cáo ngày 18-4, Hải quân Mỹ nhấn mạnh họ chưa từng đưa ra thông điệp nào có nội dung là “hàng không mẫu hạm Vinson được lệnh di chuyển đến bán đảo Triều Tiên (!)”.

Theo lịch trình, USS Carl Vinson và nhóm tàu hộ tống đi từ Singapore đến Úc để tham dự một cuộc tập trận chung, sau đó sẽ tiếp tục di chuyển đến một vị trí chưa được công bố ở Tây Thái Bình Dương (chưa rõ có gần bán đảo Triều Tiên hay không).

Như vậy, Hải quân Mỹ dường như đã nhận ra sự mâu thuẫn trong các thông điệp của Nhà Trắng nhưng không đính chính, mãi cho đến ngày 18-4.

WSJ bình luận vụ hiểu lầm này có lẽ do kết hợp hai yếu tố, một phần là giữ bí mật hoạt động quân sự, phần còn lại do Nhà Trắng đã quá “sốt sắng” trong việc chứng tỏ một hình ảnh cứng rắn với thế giới.

Trả lời báo chí, một quan chức cao cấp Nhà Trắng đổ lỗi cho Lầu Năm Góc đã không nhận ra sự cố thông tin cho đến ngày 18-4.

“Vấn đề duy nhất là khi Bộ trưởng Mattis bắt đầu đề cập đến mốc thời gian, trong nội bộ Lầu Năm Góc cũng có chút bối rối về việc họ có tiếp tục tham gia tập trận với Hải quân Úc không” - một quan chức khác giải thích.

Trung Quốc có nghiêm túc?

Hiện chưa rõ sự cố thông tin của Nhà Trắng sẽ gây ảnh hưởng đến mức độ nào, đặc biệt khi giờ đây áp lực của Mỹ lên Triều Tiên đã “xịt” đáng kể.

Nhưng trước mắt có một câu hỏi quan trọng: Liệu Trung Quốc có thật sự nghiêm túc bắt tay với Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Trong một thông điệp đưa ra tuần trước, Tổng thống Donald Trump tỏ ra lạc quan một cách thận trọng rằng câu trả lời là “có”.

Nhưng để hiểu Trung Quốc có nghiêm túc hay không, cần trả lời một câu hỏi khác: Bắc Kinh có kiềm chế khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc?

Thực tế Trung Quốc chưa sẵn sàng và điều này cũng không gây ngạc nhiên. Hôm 17-4, chỉ vài giờ sau vụ thử tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lên tiếng phản đối hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc.

Cùng ngày, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn khẳng định quyết tâm của Seoul trong vấn đề THAAD, kêu gọi Mỹ nhanh chóng triển khai và giúp thuyết phục Trung Quốc chấm dứt hành động trả đũa kinh tế.

Theo giới quan sát, nhiều sự kiện cho thấy cách Mỹ và Trung Quốc nhìn “mối đe dọa Triều Tiên” vẫn còn một khoảng cách.

Từ góc nhìn của Bắc Kinh, THAAD không chỉ giúp phòng thủ Hàn Quốc, nó còn có thể được dùng để đối phó Trung Quốc một ngày nào đó nếu xung đột xảy ra.

Theo nhận xét của nhà báo Gerald F. Seib (tờ WSJ), viễn cảnh chiến tranh Mỹ - Trung rõ ràng mơ hồ hơn mấy quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên!

“Một chiến lược hoàn chỉnh sẽ bao gồm việc thuyết phục Triều Tiên rằng vũ khí của họ không hiệu quả như họ tưởng. Đây là lý do THAAD xuất hiện - và Trung Quốc vẫn đang đứng cản đường” - ông Seib nhận định.

Vì đâu nên nỗi?

Cách đây hơn một tuần, các quan chức quốc phòng Mỹ là những người đầu tiên loan tin một nhóm tàu sân bay sẽ di chuyển đến Tây Thái Bình Dương để biểu dương sức mạnh.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cùng bình luận động thái này là “thích hợp” để đáp lại cách hành xử khiêu khích của CHDCND Triều Tiên.

Rồi sau đó đến lượt Tổng thống Donald Trump “khoe” đã thông báo tin này cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer và các quan chức Chính phủ Mỹ không có động thái đính chính hoặc bình luận nào trước loạt sự kiện trên.

Hậu quả là các tờ báo của Mỹ và châu Á đồng loạt đưa tin tàu sân bay USS Carl Vinson đang hướng đến bán đảo Triều Tiên!

Thử nghiệm khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Lầu Năm Góc sẽ thực hiện hai cuộc thử nghiệm lớn vào tháng 5 về khả năng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên, CNN cho biết.

Trên thực tế, các cuộc thử nghiệm này đã được lên lịch từ lâu và nằm trong tổng thể chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 18-4, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đợt thử nghiệm tới sẽ nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cho biết một trong những hoạt động của Lầu Năm Góc sắp tới bao gồm việc bắn thử một tên lửa Standard Missile từ tàu hải quân.

Trước đây loại tên lửa này mới chỉ được thử nghiệm một lần. Phiên bản mới được biết có đầu đạn và bộ tăng tốc cải tiến, nghĩa là có thể bắn ở tầm xa hơn, ước tính vượt qua bờ biển Triều Tiên và đủ khả năng đánh chặn tên lửa đe dọa từ đối phương.

Chương trình này đã và đang được Mỹ phát triển cùng Nhật Bản, và nhắm vào việc bắn hạ các tên lửa tầm trung của Triều Tiên.

Một cuộc thử nghiệm khác ở khu vực Thái Bình Dương dự kiến tổ chức cuối tháng 5 năm nay sẽ là dịp kiểm tra khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Đây là loại vũ khí mà Triều Tiên có khả năng dùng để uy hiếp Mỹ, theo CNN.

NHẬT ĐĂNG

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên