Ngày 26-4, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, đại diện các cơ quan chức năng và đông đảo bà con nhân dân đã tham dự lễ truy điệu, an táng phần mộ tập thể liệt sĩ tại Bình Dương.
Các liệt sĩ của Sư đoàn 7 và các đơn vị phối thuộc đã anh dũng hy sinh vào tháng 5-1968 tại Bàu Hang, nay là ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Sau hơn nửa thế kỷ, phần mộ tập thể liệt sĩ được tìm thấy và được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương trong một buổi lễ trang trọng và có nhiều điểm đặc biệt.
Điểm đặc biệt gây nhiều xúc động là các liệt sĩ được tìm thấy trong một phần mộ tập thể, hài cốt của hàng chục liệt sĩ hòa quyện vào nhau nên khi được an táng tại nghĩa trang, các liệt sĩ cũng được an táng cùng chung một phần mộ.
Điều đặc biệt khác là phần mộ tập thể liệt sĩ được tìm thấy từ sự phối hợp của cơ quan chức năng Việt Nam và thông tin từ các cựu binh người Úc (từng tham gia quân đồng minh của Mỹ), sự phối hợp của cơ quan ngoại giao Việt Nam và Úc.
Sau nhiều năm, các cựu binh từng bên kia chiến tuyến trăn trở, báo tin để cùng tìm kiếm liệt sĩ Việt Nam.
Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cùng nhiều cựu binh tham dự lễ truy điệu, lễ viếng, an táng và thắp nhang phần mộ tập thể liệt sĩ. Đây cũng là điểm đặc biệt khi là lần hiếm hoi một đại sứ nước ngoài tham dự lễ truy điệu các liệt sĩ của Việt Nam.
"Năm mươi sáu năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, hơn một nửa thế kỷ thân xác các anh hùng nằm trong lòng đất mẹ. Liệt sĩ được khai quật chỉ còn lại là những mảnh xương, hộp sọ và những kỷ vật nằm rải rác. Hành trang của các anh ngày trở về chỉ là những chiếc dép cao su, những chiếc bình tông, hộp quẹt... và những mảnh ni lông, mảnh dù không nguyên vẹn do thời gian.
Những kỷ vật ấy đã theo các anh đến tận cùng của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại này" - điếu văn do ông Nguyễn Lộc Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đọc tại lễ truy điệu.
Hàng chục người thân của các liệt sĩ, các đồng đội khi xưa khi nghe tin đã vượt cả ngàn km từ các tỉnh phía Bắc và từ nhiều tỉnh, thành tới Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Thang (em gái liệt sĩ Nguyễn Văn Hà, quê tỉnh Thái Bình, sinh năm 1946, là một trong những liệt sĩ mất trong năm 1968) cho biết bà rất cảm ơn và xúc động khi cuối cùng người thân của mình đã được tìm thấy và an nghỉ.
Những giọt nước mắt đã rơi. Ai cũng xúc động khi tham dự buổi lễ, nhất là khi các liệt sĩ được tìm thấy, an táng đúng dịp 49 năm thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024).
Hướng đến tương lai
Trao đổi với báo chí bên lề buổi lễ, Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết Úc và Việt Nam đã có mối quan hệ hơn 50 năm, vừa qua đã nâng tầm quan hệ giữa hai bên lên cột mốc cao nhất. Đại sứ cho rằng không thể quên những người đã hy sinh bản thân vì hòa bình của đất nước, nhưng chúng ta cũng cần tiếp tục tiến lên phía trước.
"Chúng tôi rất vinh hạnh được tham dự vào dịp kỷ niệm này. Nó nhấn mạnh tình bạn, tình hữu nghị giữa người dân hai nước" - ông Andrew Goledzinowski nói.
Các liệt sĩ anh dũng của Sư đoàn 7
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, Sư đoàn 7 mang mật danh "Công trường 7", thành lập năm 1966 tại Phước Long, nay là huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đây là một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ. Sư đoàn đã đạt được nhiều chiến công hiển hách.
Vào những ngày cuối tháng 5-1968, Sư đoàn 7 nhận mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền tấn công vào căn cứ Sở Gà, Sở Hội, Đồng Tràm, bắc thị xã Thủ Dầu Một (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Sau khi phía Việt Nam giành được thắng lợi bước đầu, địch đã sử dụng nhiều xe tăng thiết giáp, máy bay bất ngờ phản công với hỏa lực mạnh, làm một bộ phận cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận