Nhiều điểm tham quan không tăng khách, có nơi giảm
Lượng khách đến du lịch Đà Nẵng tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023 (nghỉ 5 ngày). Nhưng ghi nhận tại các điểm du lịch lớn, lượng khách đến tham quan không tăng.
Tại điểm du lịch lớn nhất Đà Nẵng Sun World Ba Na Hills, lượng khách trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đạt mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Vào những ngày đầu của đợt nghỉ lễ, do thời tiết nắng nóng, lượng khách đến đây còn chưa đạt như kỳ vọng.
Thậm chí có điểm du lịch đón khách thấp hơn cả ngày thường. Tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trong 3 ngày đầu của đợt lễ, do thời tiết quá nóng, nơi này trung bình mỗi ngày đón khoảng 3.000 lượt khách.
Ông Nguyễn Văn Hiền - trưởng Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn - cho biết 3 ngày đầu đợt lễ, khách đến đây thậm chí thấp hơn ngày bình thường, và giảm sâu hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Từ sau Tết đến nay, chúng tôi đón trung bình 4.000 - 4.500 lượt khách mỗi ngày. Nhưng những ngày lễ nắng quá nóng, khách có xu hướng hạn chế ra ngoài trời hoặc tìm đến những điểm du lịch để giải nhiệt nhiều hơn.
Cũng may 2 ngày cuối đợt lễ du khách phục hồi tốt" - ông Hiền nói.
Đơn vị này cho biết trong 5 ngày lễ, khu danh thắng đón 27.600 lượt khách, giảm tới 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khách nước ngoài chiếm tới hơn 70% lượng khách đến đây trong dịp lễ.
Tương tự, tại các điểm du lịch có yếu tố "giải nhiệt" như công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, một số công viên nước, điểm du lịch sinh thái khác, lượng khách chỉ ngang bằng dịp lễ năm ngoái.
Đà Nẵng bị ảnh hưởng kép
Nằm ở trung tâm của cả nước và cách xa 2 trung tâm đô thị lớn, Đà Nẵng rõ ràng bị sự tác động rất lớn từ việc giá vé máy bay trong nước "neo" cao. Việc khách nội địa có thể giảm sâu so với cùng kỳ là điều đã được dự báo trước.
Số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023 (hơn 16.000 lượt) và lượng khách di chuyển đường bộ bằng phương tiện cá nhân cũng tăng cao, nhưng cũng không thể bù đắp được.
Ông Nguyễn Văn Hiền cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến việc khách nội địa đến Đà Nẵng sụt giảm.
Trong đó đầu tiên phải nói đến việc chi phí cho chuyến bay quá cao, nhiều khi đã chiếm tới 2/3 chi phí chuyến đi ngắn ngày.
"Lễ năm nay rơi đúng vào dịp giá vé máy bay trong nước cao, ngay sau lễ cũng là dịp các cháu học sinh bước vào kỳ thi. Điều này đã tác động đến túi tiền và tâm lý đi chơi lễ của người dân. Rồi khi đến đây bất ngờ gặp thêm yếu tố thời tiết khiến hoạt động vui chơi giải trí, thăm thú ban ngày bị hạn chế"- ông Hiền phân tích.
Tương tự, đại diện một đơn vị lữ hành cũng cho rằng thị trường khách nội địa Đà Nẵng bị tác động "kép" trong đợt này.
Nguyên nhân là vì giá vé máy bay cao, trong khi khách nội địa từ 2 đầu đất nước chiếm tỉ trọng lớn. Đồng thời việc 5 ngày nghỉ lễ rơi vào dịp nắng nóng lịch sử ảnh hưởng đến hoạt động thăm thú ngoài trời.
"Tổng lượng khách đến Đà Nẵng đông hơn năm ngoái, nhưng chưa chắc các điểm du lịch đón khách đông hơn.
Dễ hiểu là bởi nắng quá nóng, khách lẻ, khách gia đình thường chọn nghỉ dưỡng, sử dụng tiện ích tại khách sạn hơn là đi thăm thú đây đó" - vị này nói.
Đà Nẵng có điểm vui chơi giải nhiệt khách tăng 2,5 lần
Do thời tiết nắng nóng, có điểm du lịch tại Đà Nẵng tăng hơn 2,5 lần so với năm ngoái.
Cụ thể tại tổ hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa dịp lễ vừa qua đón gần 30.000 lượt khách đến vui chơi, tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2023 (12.000 lượt khách).
Công suất phòng ở đây đạt hơn 90%, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý khách ngoại lưu trú tại đây tăng mạnh, trong khi khách nội địa giảm gần 1/2, chỉ chiếm chưa tới 35% (năm 2023 lượng khách nội địa đạt hơn 60%).
Việc tăng trưởng du khách ở đây là nhờ điểm vui chơi giải nhiệt này có mái che rất được ưa chuộng khi thời tiết nắng nóng bất thường hoặc mưa lạnh.
Theo thống kê, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng dịp lễ đạt khoảng 72.000 lượt, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng gần bằng với chuyến bay nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận