22/04/2023 09:28 GMT+7

Dầu Nga lách cấm vận ra sao? - Kỳ cuối: Tiếp nhận 'vết loang dầu' của Nga

Mất đi "khách ruột" là Liên minh châu Âu (EU), nhưng dầu từ Nga liền tìm được nhiều khách hàng mới. "Vết loang" dầu Nga vẫn hiện diện khắp Trung Đông, Mỹ Latin và châu Á.

Một kho chứa dầu tại cảng thành phố Chu Hải, miền nam Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Một kho chứa dầu tại cảng thành phố Chu Hải, miền nam Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Tuần này, Pakistan trở thành quốc gia mới nhất mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu. Quốc gia Nam Á này đã đặt lô dầu Nga giá rẻ đầu tiên theo thỏa thuận ký kết giữa Islamabad và Matxcơva, với một lô hàng dự kiến cập cảng Karachi vào tháng 5-2023.

Diễn biến này cho thấy dầu mỏ của Matxcơva vẫn tìm được khách hàng bất chấp loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây vì xung đột Nga - Ukraine.

Vắng mợ chợ vẫn đông?

Nhiều số liệu công bố trong các tháng qua cho thấy Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang các khu vực khác sau khi EU, Mỹ, Anh và các đồng minh cấm cửa mặt hàng này nhằm hạn chế nguồn thu tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Những cái tên nổi bật tiếp nhận vết loang của dầu Nga là Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới) và Ấn Độ (nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai ở châu Á). Đặc biệt, Trung Quốc sở hữu các nhà máy lọc dầu có khả năng xử lý dầu nhiên liệu thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như dầu diesel và xăng.

Theo số liệu của Hãng tin Reuters và các nhà giao dịch công bố trong tuần này, tính đến tháng 4-2023, Ấn Độ và Trung Quốc đã mua phần lớn dầu thô của Nga với mức giá cao hơn cả giá trần (60 USD/thùng) mà phương Tây đã áp đặt. 

Dữ liệu mới nhất từ Hãng Refinitiv Eikon cho thấy các lô dầu Urals của Nga được chuyển đi trong nửa đầu tháng 4-2023 hầu hết hướng đến các cảng của Ấn Độ và Trung Quốc. 

Theo tính toán của Hãng tin Reuters, tính đến nửa cuối tháng 4, Ấn Độ nhập hơn 70% số dầu cung cấp bằng đường biển này và Trung Quốc chiếm khoảng 20%.

Trước đó, dựa trên dữ liệu từ Công ty phân tích năng lượng Vortexa, Hãng tin Anadolu Agency cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu tới 91% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong tháng 3-2023. 

Dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga đạt tổng cộng 6,75 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Trong đó, lượng dầu thô xuất khẩu của nước này đạt 3,38 triệu thùng/ngày - mức cao nhất được ghi nhận trong 10 tháng qua.

Lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập từ Nga đạt 1,65 triệu thùng/ngày trong tháng 3, vượt Ấn Độ, trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga. Hồi tháng 2, Trung Quốc nhập 1,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga.

Trong khi đó, Ấn Độ đã mua lượng lớn dầu thô với giá chiết khấu của Nga kể từ xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Các lô dầu thô từ Nga đưa đến Ấn Độ đã tăng từ 68.000 thùng/ngày vào tháng 3-2022 lên 1,43 triệu thùng/ngày vào tháng 3-2023, tức tăng hơn 20 lần. 

Gần đây, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Nga Rosneft và Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ đã ký thỏa thuận nhằm tăng đáng kể nguồn cung dầu và đa dạng hóa các loại dầu giao cho Ấn Độ.

"Cả hai quốc gia này hiện đang nhập 90% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Đây là con số không bàn cãi, bởi vì tỉ lệ thậm chí còn tăng nhiều hơn khi tính thêm vào các đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc" - nhà phân tích Matt Smith tại công ty theo dõi hàng hóa Kpler nói với báo The Independent.

So với các điểm đến xuất khẩu dầu thô nói trên, điểm đến xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga đã có sự thay đổi khác biệt. Trong khi châu Âu là khu vực duy nhất chứng kiến sự sụt giảm trong nhập khẩu các lô sản phẩm dầu của Nga thì khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latin và châu Á đã tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga kể từ tháng 2-2022.

Các sản phẩm dầu mỏ mà Trung Đông nhập từ Nga đã tăng từ 54.000 thùng/ngày vào tháng 3-2022 lên 387.257 thùng/ngày vào tháng 3-2023. Khu vực Bắc Phi chứng kiến mức tăng từ 35.215 thùng/ngày vào tháng 3-2022 lên 318.564 thùng/ngày vào tháng 3-2023. 

Khu vực Mỹ Latin đã nhập 133.561 thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ từ Nga trong tháng 3-2023, tăng so với mức 93.780 thùng/ngày vào tháng 3-2022, theo Hãng tin Anadolu Agency.

Các tàu chở hàng ở vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) trong ảnh chụp vào tháng 12-2022 - Ảnh: REUTERS

Các tàu chở hàng ở vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) trong ảnh chụp vào tháng 12-2022 - Ảnh: REUTERS

Hút khách hàng vì giá rẻ

Nga đã tránh tác động từ các biện pháp của phương Tây bằng cách chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang các nước khác, khai thác khả năng tiếp cận các cảng dầu trên các vùng biển khác nhau, các đường ống rộng lớn, đội tàu chở dầu lớn và thị trường nội địa lớn.

"Nga vẫn là thế lực đáng gờm trên thị trường năng lượng toàn cầu. Đối đầu với một người chơi lớn như vậy không hề dễ dàng chút nào" - ông Sergey Vakulenko, học giả năng lượng tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế ở Washington (Mỹ), nhận định.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết nước này đã xoay xở để chuyển hướng hoàn toàn lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ vốn bị ảnh hưởng do lệnh cấm vận của EU và các nước G7 sang các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông.

Do giá trần và các biện pháp trừng phạt khác của phương Tây, dầu thô Urals - loại dầu hàng đầu của Nga - thường được giao dịch ở mức chiết khấu hơn 30% so với dầu thô Brent trong những tháng gần đây. 

Bộ Tài chính Nga cho biết giá dầu thô Urals của Nga đạt mức trung bình 47,85 USD/thùng trong tháng 3-2023, thấp hơn gần hai lần so với tháng 3-2022, thời điểm giá trung bình đạt 89,05 USD/thùng.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã công khai bác bỏ việc tham gia chính sách giá trần của phương Tây. Hai quốc gia tỉ dân này giữ thái độ trung lập về chính trị đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Giáo sư Sanjay Kumar Kar tại Viện Công nghệ dầu khí Rajiv Gandhi (RGIPT) ở Ấn Độ chỉ ra dầu mỏ Nga "tốt cho nền kinh tế Ấn Độ". Trong khi đó, Nga đang được hưởng lợi từ nhu cầu sử dụng nhiều dầu mỏ của Ấn Độ và Trung Quốc. Nói cách khác, đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi.

"Có thể nói rằng một số khách hàng lớn ở châu Á, đáng chú ý nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, là những bên được hưởng lợi chính từ lệnh trừng phạt của phương Tây (với dầu mỏ Nga)" - ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch), nhận định.

Hiện nay một số nước thành viên EU như Ba Lan tiếp tục đòi phương Tây áp mức giá trần thấp hơn nữa với dầu mỏ Nga để gây sức ép lên Matxcơva, nhưng nguồn tin trong nhóm nước G7 tiết lộ mức giá trần hiện tại vẫn không đổi.

Nhiều khách hàng ở Vịnh Ba Tư

Trong bối cảnh Nga lùng sục toàn cầu để tìm khách hàng mua các sản phẩm năng lượng của mình, nước này đã tìm tới một nơi mà nhiều hẳn không nghĩ tới: các quốc gia giàu dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư.

Theo báo Wall Street Journal hôm 17-4, các nguồn tin cho biết nhiều công ty nhà nước của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã vào cuộc để tận dụng mức giá rẻ của dầu Nga.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ, các quốc gia ở Vịnh Ba Tư đang sử dụng các sản phẩm dầu mỏ giảm giá của Nga, bao gồm cả mục đích tiêu dùng trong nước và đồng thời xuất khẩu dầu mỏ của các nước này theo giá thị trường, giúp tăng lợi nhuận.

Các nước trong khu vực này, đặc biệt là UAE, cũng đã trở thành trung tâm lưu trữ và giao dịch quan trọng đối với các sản phẩm năng lượng của Nga vốn không thể vận chuyển dễ dàng trên toàn cầu.

Dầu Nga lách cấm vận ra sao? - Kỳ 2: Ngăn dầu Nga "loang" ra thế giớiDầu Nga lách cấm vận ra sao? - Kỳ 2: Ngăn dầu Nga 'loang' ra thế giới

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu mỏ Nga nằm một phần trong nỗ lực hạn chế các nguồn thu của Matxcơva để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên