08/09/2012 07:35 GMT+7

Hoàng Khương sẽ kháng cáo

CHI MAI 




Xem loạt bài liên quan nhà báo Hoàng Khương:
CHI MAI Xem loạt bài liên quan nhà báo Hoàng Khương:

TT - Chiều 7-9, TAND TP.HCM đã tuyên bản án cho rằng nhà báo Hoàng Khương (tên thật là Nguyễn Văn Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ) đã phạm tội “đưa hối lộ” và phạt Hoàng Khương 4 năm tù giam.

Hct5Hfcx.jpgPhóng to
Người thân, đồng nghiệp và bạn bè chia sẻ với Hoàng Khương khi anh lên xe rời khỏi tòa - Ảnh: Thuận Thắng

Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho Hoàng Khương, cho biết khi nhận bản án trên, Hoàng Khương rất thất vọng và sẽ kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản chất vụ án cũng như những tình tiết chưa được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Luật sư Hoài nói ông sẽ tiếp tục bào chữa miễn phí cho Hoàng Khương tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

Hoàng Khương có công trong vụ “giải cứu” xe đầu kéo

Nói lời sau cùng tại tòa, nhà báo Hoàng Khương đã “xin lỗi ban biên tập và đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ” vì những sai sót trong tác nghiệp của anh đã gây ảnh hưởng đến uy tín tờ báo. Ban biên tập cũng nhận thấy mình có trách nhiệm trong sự việc này.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã nhiều lần khẳng định đây là hoạt động tác nghiệp báo chí của Hoàng Khương. Đội ngũ báo Tuổi Trẻ vẫn luôn bên cạnh Hoàng Khương, chung vui với những bài báo đầy nhiệt huyết của anh và chia sẻ với những rủi ro nghề nghiệp của anh.

Thay mặt anh, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, giúp đỡ gia đình anh, đặc biệt là mẹ già của anh đang bệnh nặng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ, động viên vợ con anh để bảo đảm có cuộc sống ổn định, con cái yên tâm đến trường.

BAN BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ

Theo bản án được công bố, hội đồng xét xử (HĐXX) xác định Hoàng Khương là người đã có công giúp cơ quan điều tra phát hiện, xử lý vụ tiêu cực (nhận hối lộ 3 triệu đồng) của CSGT Huỳnh Minh Đức để trả xe đầu kéo (nhờ bài điều tra “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” mà Hoàng Khương viết).

Tuy nhiên, quan điểm bào chữa của Hoàng Khương và luật sư cho rằng Hoàng Khương tiếp cận, cùng Tôn Thất Hòa đưa hồ sơ và 15 triệu đồng cho Đức (trong bài “CSGT giải cứu xe đua trái phép”) chỉ là tác nghiệp để lấy chứng cứ cho bài viết đã không được HĐXX chấp nhận.

Theo tòa, Hoàng Khương đã dùng tiền của chủ xe vi phạm, tham gia trực tiếp đưa tiền cho Đức mà không báo cáo việc này với ban biên tập là sai. Sau khi nhận tiền, bị cáo Đức đã trả xe vi phạm cho Hoàng Khương (sau đó Khương gọi người ra lấy xe, giao cho Nguyễn Đức Đông Anh để đưa cho chủ xe Trần Minh Hòa) là việc đưa, nhận hối lộ đã hoàn thành.

HĐXX cho rằng Hoàng Khương có công chống tiêu cực trong quá trình công tác, điều này xã hội không phủ nhận nhưng trong vụ án này, theo HĐXX, Hoàng Khương giữ vai trò chính, trực tiếp đưa hối lộ. Bản án cũng kết luận rằng Hoàng Khương đã lợi dụng cương vị nhà báo để thực hiện mục đích cá nhân, tìm mọi cách để lấy xe cho Hòa nên đã phạm vào tội “đưa hối lộ”.

Tòa chỉ cho rằng Hoàng Khương có các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, chưa phạm tội lần nào, có nhiều đóng góp trong quá trình công tác nên đã giảm một phần hình phạt cho Hoàng Khương.

Trước đó tại phần tranh luận, bà Phạm Thị Thu Hà, kiểm sát viên giữ quyền công tố, vẫn xác định rằng Hoàng Khương đã có mục đích cá nhân (vì mối quan hệ gia đình với Nguyễn Đức Đông Anh) nên đưa tiền cho Đức để lấy xe cho Trần Minh Hòa, bạn của Đông Anh.

Để chứng minh Hoàng Khương không tác nghiệp trong vụ việc này, kiểm sát viên Thu Hà cho rằng nếu tác nghiệp thì Hoàng Khương phải lấy tiền của cơ quan mình để đưa cho Đức, chứ không phải lấy tiền của chủ xe vi phạm. Luật sư Hoài tranh luận lại: Hoàng Khương chỉ muốn có chứng cứ về việc CSGT không cần biên bản kiểm điểm ở tổ dân phố vẫn trả xe đua cho chủ xe qua việc nhận tiền của chủ xe. Chỉ với việc nhờ người đem tiền, hồ sơ đến mà Hoàng Khương đã bị coi là sai phạm rồi thì việc sử dụng tiền của tổ chức để đưa cho Đức là quá nguy hiểm.

Theo bà Hà, ngày 25-6-2011, khi chứng kiến Đức nhận tiền của Trần Anh Tuấn để trả xe đầu kéo, Hoàng Khương đã giả làm “tài xế Hùng” để nhờ Đức “giải cứu” xe cho Trần Minh Hòa rồi đưa tiền cho Đức. Ngày 3-7-2011, Hoàng Khương cho đăng bài 1 về vụ này nhưng vì sao không cho đăng tiếp vụ xe đua? Theo bà Hà, sau khi Huỳnh Minh Đức nhận tiền, trả xe mà không trả giấy tờ lại đòi thêm 3 triệu đồng nữa nên Hoàng Khương mới quyết định cho đăng báo (thể hiện ngày 9-7 Hoàng Khương mới nộp bài và ngày 10-7-2011 bài mới đăng).

Tranh luận lại vấn đề này, luật sư Phan Trung Hoài dẫn nhiều chứng cứ về quy trình xử lý tin bài của tòa soạn báo Tuổi Trẻ: Hoàng Khương đã nộp bài 2 cùng với bài 1 nhưng bài 2 bị tòa soạn trả lại để bổ sung. Theo yêu cầu của tòa soạn, Hoàng Khương phải trao đổi với lãnh đạo của Đội CSGT Công an quận Bình Thạnh để cho bài viết đa chiều, khách quan hơn. Sau khi hẹn gặp, trao đổi được với người có trách nhiệm thì đến ngày 9-7 Hoàng Khương mới bổ sung, hoàn chỉnh bài viết và được đăng ngày 10-7.

Luật sư: có sự khác biệt

Khi bào chữa cho Hoàng Khương, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng ranh giới trong tác nghiệp và vi phạm của nhà báo rất mong manh. Để có được những bài điều tra công phu (được đăng nhiều trên báo Tuổi Trẻ), nhà báo Hoàng Khương đã phải dấn thân để thâm nhập điều tra, nhập vai, trang bị nhiều máy móc, thiết bị kỹ thuật để thu thập tư liệu, chứng cứ cho bài viết.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, báo chí là một trong những nghề nguy hiểm nên rất cần việc chuẩn hóa các tiêu chí, xác định đâu là ranh giới an toàn cho hoạt động tác nghiệp báo chí. Hiện nay Hội Nhà báo VN, các hội nhà báo địa phương chưa xây dựng được các tiêu chuẩn về quy trình tác nghiệp báo chí, nên nảy sinh vấn đề về ranh giới hợp pháp trong việc “dấn thân” của nhà báo thông qua việc đóng giả vai nhằm thâm nhập, tiếp xúc với các đối tượng tiêu cực cần phanh phui.

Theo luật sư Hoài, vụ tiêu cực đêm 31-7-2011 của nhóm cán bộ tổ tuần tra của Trạm CSGT quốc lộ 1A Công an tỉnh Thanh Hóa được phát hiện (Viện KSND tối cao đã có cáo trạng truy tố) cũng nhờ Hoàng Khương đã nhập vai tài xế để điều tra (loạt bài “Nhức nhối nạn mãi lộ”. Trong vụ án này, nhà báo Hoàng Khương được xác định là nhân chứng và chủ xe, tài xế đã giúp sức nhà báo để điều tra, dù cũng có hành vi đưa hối lộ nhưng không bị truy tố vì đã tích cực hợp tác, chủ động tố cáo tiêu cực.

Trong khi đó, vụ tiêu cực của CSGT Huỳnh Minh Đức được phát hiện cũng nhờ hai bài viết của Hoàng Khương nhưng nhà báo lại bị truy tố, và điều đáng nói hơn nữa là bản kết luận điều tra và cáo trạng của viện kiểm sát truy tố các bị cáo không hề nhắc đến công sức điều tra, phát hiện tội phạm trong các bài báo của Hoàng Khương. Luật sư Hoài dẫn chứng hàng loạt văn bản của Công an Bình Thạnh cho thấy việc xử lý sai phạm của Huỳnh Minh Đức chính là xuất phát từ hai bài báo của Hoàng Khương. Điều này cho thấy có sự khác biệt trong xử lý giữa cơ quan tố tụng trung ương và địa phương.

Về vấn đề này, kiểm sát viên Thu Hà tranh luận: cáo trạng không nhắc đến việc xử lý thông tin vi phạm của các bị cáo xuất phát từ hai bài báo là vì “cáo trạng chỉ truy tố hành vi phạm tội của bị cáo”. Tuy nhiên, theo luật sư Hoài, cáo trạng đã “cắt khúc” toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin trên báo Tuổi Trẻ của Công an quận Bình Thạnh mà sau đó cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, dẫn đến việc đánh giá sai lệch bản chất vụ án và làm cho việc hiểu về hành vi của nhà báo Hoàng Khương không đúng với diễn biến và các tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra.

Cũng theo bài bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài, cáo trạng và kết luận của đại diện Viện KSND TP.HCM tại phiên tòa không hề đề cập về chủ trương của báo Tuổi Trẻ, quá trình tác nghiệp báo chí và không làm rõ được mục đích, động cơ của nhà báo Hoàng Khương liên quan hai bài báo. Luật sư cũng khẳng định hành vi tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương diễn ra sau khi Huỳnh Minh Đức đã có nhận 3 triệu đồng để giải quyết vụ tai nạn xe đầu kéo không đúng quy trình, không phải do sự “gài bẫy” hay quyết thực hiện đến cùng hành vi đưa hối lộ do Đức không trả giấy tờ xe.

Luật sư Hoài cũng phân tích nhiều chứng cứ để chứng minh rằng việc truy tố nhà báo Hoàng Khương về hành vi “đưa hối lộ” do liên quan đến quá trình tác nghiệp là chưa đủ căn cứ pháp lý, không phù hợp với đường lối xử lý đối với tin báo tố giác tội phạm, đi ngược lại chính sách hình sự đối với người có công phát hiện, tố giác tội phạm tiêu cực, tham nhũng.

Với việc nhà báo Hoàng Khương đã thừa nhận có sai sót trong nghiệp vụ khi thực hiện bài điều tra, đối chiếu các điều khoản của Bộ luật hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX tuyên miễn trách nhiệm hình sự, trả tự do cho Hoàng Khương tại phiên tòa.

CHI MAI

Xem loạt bài liên quan nhà báo Hoàng Khương:

Tòa tuyên Hoàng Khương 4 năm tù I Xem tường thuật toàn bộ phiên tòa buổi sáng 7-9 I Nhà báo Hoàng Khương nói lời sau cùng tại tòa I Luật sư đề nghị trả tự do cho Hoàng Khương I Nhà báo Hoàng Khương: “Sai sót trong tác nghiệp” I Luật sư lưu ý tòa Hoàng Khương vẫn còn tư cách nhà báo I Có sai nghiệp vụ, nhưng không do động cơ cá nhân I Hôm nay, tòa xét xử nhà báo Hoàng Khương I Không xử lý hình sự người đưa hối lộ I Viện Kiểm sát truy tố nhà báo Hoàng Khương - Kết luận điều tra chưa thuyết phục I Gia hạn tạm giam nhà báo Hoàng Khương thêm 3 tháng I Băn khoăn vấn đề tạm giam I Kiến nghị đình chỉ điều tra nhà báo Hoàng Khương - Vụ nhà báo Hoàng Khương: “Tai nạn nghề nghiệp!” I Tiến độ vụ án liên quan nhà báo Hoàng Khương I Nhà báo Hoàng Khương bị bắt tạm giam I Bắt tạm giam Nguyễn Đức Đông Anh I Cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư của Hoàng Khương I Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép I Đồng tiền xóa sạch hồ sơ I Cố ý làm sai quy trình I Nhức nhối nạn mãi lộ, ghê hơn cướp cạn I Các bị can còn thu tiền nhiều xe khác I Nhiều cán bộ CSGT bị đình chỉ công tác I Xử lý vi phạm Luật giao thông: Trăm sự nhờ... “cò” I Xử lý vi phạm Luật giao thông: Có móc ngoặc

CHI MAI Xem loạt bài liên quan nhà báo Hoàng Khương:
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên