21/06/2011 07:11 GMT+7

Xử lý vi phạm Luật giao thông: Có móc ngoặc

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Trên thực tế đã có những đường dây “chạy” biên bản, hủy biên bản vi phạm, học bao, thi bao để “giải cứu” bằng lái, phương tiện ra trước thời hạn.

Để làm được điều này, không thể không có sự trợ giúp của “người trong cuộc”.

Read this on Tuoitrenews.vnTrăm sự nhờ... “cò”

5D02sebI.jpgPhóng to
Thanh tra giao thông Đức (thuộc Sở Giao thông vận tải Bình Phước) đang “chạy” cho một tài xế học luật thay, thi hộ, bao đậu với giá 2,5 triệu đồng - Ảnh: H.K.

Xử lý biên bản tại... tiệm sửa xe

Trưa 8-6, anh Minh (chủ doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM) gặp ông Phan Văn Đức, tổ trưởng tổ thanh tra giao thông (thuộc Sở Giao thông vận tải Bình Phước), để nhờ bảo kê xe chở thiết bị quá khổ quá tải. Trong lúc thỏa thuận giá cả bao đường, anh Minh than thở về việc tài xế đang “ôm” biên bản tước giấy phép lái xe 60 ngày, buộc phải học, thi lại luật.

Sau khi xem qua biên bản, ông Đức ra giá “2 chai” (2 triệu đồng) bao học luật, lấy bằng ra ngay. Anh Minh nói tài xế không có chứng minh nhân dân (CMND - cơ sở để đăng ký học luật, xử lý vi phạm), vả lại sau khi vi phạm đã bỏ việc về Gia Lai.

Ông Đức nói chỉ cần tài xế có mặt là được. Sau khi gọi điện cho ai đó, ông Đức hẹn thứ tư tuần sau (15-6) cầm tiền lên để lo học luật, lấy giấy phép lái xe.

Đúng hẹn, sáng 15-6 anh Minh đưa một người giúp việc tên C. (thay thế tài xế) lên gặp ông Đức tại một quán ăn ở trung tâm thị xã Đồng Xoài. Ông Đức hỏi tên tài xế, C. đọc tên T.Đ.K.. Ông Đức bấm điện thoại nói “chút nữa nó lên em giúp nhé”. Theo thỏa thuận từ trước, anh Minh đưa ông Đức 2 triệu đồng.

Nhận tiền xong ông Đức nói “thi luật riêng, lấy bằng lái ra riêng, phải tốn hai lần tiền”. Hiểu ý, anh Minh đưa thêm cho ông Đức 500.000 đồng. Ông Đức phân bua: “Tưởng một chỗ, riêng học luật đã hết 2 chai rồi”.

7g30, C. đến trụ sở đội thanh tra giao thông Bình Phước gặp ông Đức lấy quyết định xử phạt. Ông Đức dặn: “Tí nữa đem quyết định xử phạt đến Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đưa cho anh Sơn ở đội xử lý nói em là em anh Đức. Anh Sơn sẽ tự hiểu”.

8g, C. vào gặp cán bộ Sơn đăng ký học luật. Theo quy định, người học luật phải trình CMND để nhận dạng (tránh tình trạng gian lận, thi hộ). Tuy nhiên, do đã được “lót” trước nên công đoạn này được bỏ qua. Đầu giờ chiều, C. vào phòng thi. 14g30 C. tươi cười bước ra. Hỏi làm bài được không, C. nhe răng cười: “Có một cán bộ đứng sau lưng chỉ câu nào đánh dấu câu đó. Được 17 câu (đủ điểm đậu) ông này không chỉ nữa”.

15g30, C. vào nhận giấy chứng nhận học luật cấp cho tài xế T.Đ.K. do thượng tá Dương Văn Đức, trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an Bình Phước, ký.

Có giấy chứng nhận học luật, C. đem xuống tổ xử lý vi phạm để làm thủ tục xử lý biên bản vi phạm, nhận lại giấy phép lái xe. Lúc này hai nữ cán bộ phụ trách khâu xử lý yêu cầu người vi phạm xuất trình CMND để đối chiếu, nhận diện và so sánh chữ ký trong giấy chứng nhận học luật và chữ ký ở biên bản vi phạm đang lưu trong hồ sơ.

Nếu đối chiếu CMND hoặc chữ ký không trùng khớp sẽ bị từ chối giải quyết (để chống việc học thay, thi hộ, mua giấy chứng nhận).

Biết không thể “qua mặt” cán bộ xử lý, C. ra ngoài nhờ “cò”. Liếc qua giấy chứng nhận học luật, “cò” Hải, một đối tượng chuyên “chạy” biên bản ở đây, lên giọng: “Giấy này ông “bùa” hết bao nhiêu?”. Thấy C. cười giả lả, Hải “bồi” thêm: “Chữ ký trong giấy chứng nhận học luật là của ông chứ không phải của tài xế. Học thay, thi hộ, lại không có CMND, ông đừng có mơ...”. C. bấm bụng móc 600.000 đồng đưa Hải. Hải bấm điện thoại: “Nhận tiền của người ta rồi nhá. Chiều đem bằng lái về, tui ghé lấy”. Hải hẹn C. 17g có mặt trước nghĩa trang liệt sĩ đưa bằng lái.

16g30, nữ cán bộ xử lý tên Thủy đi xe máy rời cơ quan. Đến tiệm sửa xe Phương Đông, quốc lộ 14, thị xã Đồng Xoài (gần nghĩa trang liệt sĩ và là điểm hẹn giao bằng lái), Thủy đi nhanh vào bên trong. Tại đây, Thủy gặp một phụ nữ và đưa một xấp giấy tờ. 16g58, Thủy rời tiệm sửa xe ra về.

17g, “cò” Hải phóng xe máy như bay đến tiệm Phương Đông. Tại đây Hải gặp người phụ nữ trao đổi gì đó rồi đi ra, trên tay cầm hai bằng lái và một số giấy tờ xe. Ngay lúc đó C. cũng vừa có mặt. Hải nhìn trước ngó sau cảnh giác rồi lấy ra bằng lái mang tên T.Đ.K. đưa cho C.

Hỏi không CMND, không có mặt ký tên làm sao lấy bằng ra được, Hải cười “làm ngoài giờ có khác”. Trước ánh mắt thán phục của C., Hải chìa ra một bằng lái khác: “Trường hợp này chưa đóng phạt nhưng em vẫn “binh” được quyết định trả xe, bằng lái trước thời hạn” (theo quy định sau khi đóng phạt mới giải quyết trả xe, giấy tờ).

Người có trách nhiệm nói gì?

Thượng tá Dương Văn Đức cho biết từ trước đến nay lãnh đạo Phòng CSGT nghiêm cấm việc cán bộ móc nối với “cò” để can thiệp vào quy trình, công việc xử lý vi phạm Luật giao thông. Các trường hợp đi xử lý thay, học luật thay đều không được giải quyết.

“Riêng tình trạng “cò” hoạt động trước cổng cơ quan, chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, đẩy đuổi nhưng họ vẫn lén lút tiếp xúc với người vi phạm. Chúng tôi sẽ tiếp tục chấn chỉnh bằng các biện pháp mạnh hơn nữa để dẹp bỏ nạn “cò” xử lý vi phạm. Về thông tin một số cán bộ xử lý làm sai quy trình, có biểu hiện móc nối với “cò” và người vi phạm để gian lận trong việc học, thi kiểm tra Luật giao thông, chúng tôi sẽ kiểm tra. Nếu cán bộ nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm” - thượng tá Đức nói.

Trong khi đó, theo trung tá Phùng Văn Sinh - phó trưởng Phòng CSGT Công an Bình Dương, ngay trong sáng 20-6 đơn vị đã chỉ đạo các cán bộ phụ trách lớp học Luật giao thông tường trình và yêu cầu làm rõ những trường hợp báo đã nêu. “Sau khi cán bộ giải trình, chúng tôi sẽ kiểm tra lại toàn bộ quy trình xử lý biên bản, tổ chức học và thi kiểm tra, cấp giấy chứng nhận học luật cho người vi phạm. Nếu có sai phạm thì phải xử lý” - trung tá Sinh nhấn mạnh.

Về các đối tượng “cò” tụ tập trước cổng Phòng CSGT, trung tá Sinh nói đơn vị vẫn thường xuyên phối hợp với công an phường kiểm tra, nhắc nhở họ không tụ tập trước cơ quan nhà nước, không thể xử lý họ về hành vi lừa đảo. “Tại phòng xử lý, chúng tôi có dán bảng nhắc nhở người vi phạm phải trực tiếp đến xử lý, không nên tiếp xúc với “cò” nhưng vì ngại đụng các thủ tục hành chính nên họ tìm đến “cò” - trung tá Sinh cho biết.

Tương tự, ngày 20-6, Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM đã yêu cầu đội CSGT Hàng Xanh, Rạch Chiếc, Bến Thành, Bàn Cờ, đội đăng ký xe 282 (trụ sở tổ chức học lại Luật giao thông) giải trình về nạn “cò” hoạt động công khai tại các đơn vị này.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên