13/08/2010 09:26 GMT+7

Nếu bội ước, Vedan mất trắng

N.TRIỀU - HÀ MI - M.LUẬN
N.TRIỀU - HÀ MI - M.LUẬN

TT - Chiều 12-8, luật sư Nguyễn Văn Hậu, một trong các cá nhân đại diện theo ủy quyền của nông dân Cần Giờ, TP.HCM, cho biết nếu không có gì thay đổi, hôm nay 13-8, văn bản thỏa thuận việc Vedan bồi thường thiệt hại cho người dân Cần Giờ sẽ được ký kết.

* Hôm nay, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu ký thỏa thuận với Vedan

4R0zzbp9.jpgPhóng to
Ngày 14-7, bà Nguyễn Thị Diệu (70 tuổi, trái) và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (ấp Phú Hà, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm hồ sơ chờ khởi kiện Vedan - Ảnh: Minh Luận

TP.HCM: thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại sau ngày hòa giải

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, điều 162 Bộ luật dân sự quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày các bên đã tự hòa giải với nhau. “Như vậy, nếu Vedan và đại diện nông dân Cần Giờ ký kết văn bản thỏa thuận bồi thường thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để khôi phục thời hiệu khởi kiện cho người nông dân trong trường hợp Vedan không nghiêm chỉnh tuân thủ các nội dung thỏa thuận” - ông Hậu giải thích.

Ông Hậu cho biết thêm nội dung văn bản thỏa thuận sẽ đảm bảo có sự thừa nhận về hành vi xâm phạm môi trường và trách nhiệm bồi thường của Vedan, đồng thời bảo lưu quyền tiếp tục khởi kiện của người dân nếu Vedan không thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ đã cam kết.

“Tóm lại, việc ký kết văn bản thỏa thuận bồi thường này là biến cam kết của Vedan thành cơ sở pháp lý và bảo đảm việc bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn” - ông Hậu nói.

Về đề nghị của Vedan rằng “người dân bị thiệt hại sẽ không khởi kiện Vedan ra tòa án, các khiếu nại (nếu có) sẽ không thuộc trách nhiệm của Vedan”, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Vedan bồi thường 45,7 tỉ đồng là bồi thường cho 839 hộ dân Cần Giờ trong vùng bị ô nhiễm do Viện Môi trường và tài nguyên xác định và nếu nhận đủ tiền bồi thường thì có thể những hộ này không khởi kiện.

Riêng người dân ngoài vùng bị ô nhiễm do Viện Môi trường và tài nguyên xác định nói trên nếu có căn cứ để nói rằng Vedan gây thiệt hại cho họ thì họ hoàn toàn có quyền khởi kiện Vedan.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho hay ông sẽ cùng ba cá nhân khác được nông dân Cần Giờ ủy quyền đứng ra ký kết thỏa thuận bồi thường với Vedan và tiền bồi thường sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của Hội Nông dân huyện Cần Giờ. Việc chuyển tiền bồi thường đến tay người dân sau đó sẽ được thực hiện công khai với sự hỗ trợ, giám sát của Hội Nông dân TP và các cơ quan chức năng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: chính quyền chỉ chứng kiến ký kết

Tiền sẽ được chia đúng, chia đủ

Ông Trần Văn Cường, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hôm nay tỉnh họp với UBND các xã, thị trấn và các hộ dân để bàn về việc Vedan chấp nhận bồi thường cho nông dân 53,6 tỉ đồng. Theo đó, sẽ thống nhất các phương án chi trả tiền bồi thường cụ thể cho dân và bảo đảm các khoản tiền chi trả đến tận tay người dân theo đúng đối tượng, đúng mức độ thiệt hại đã kê khai.

Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định ở tỉnh này sẽ không có chuyện số thiệt hại của dân nhiều hơn số tiền 53,6 tỉ đồng mà Vedan bồi thường. Bởi vì ngay từ đầu khi Viện Môi trường và tài nguyên thống kê mức độ thiệt hại, tỉnh đã thành lập ban chỉ huy thống kê thiệt hại của từng hộ dân. Theo đó, tổng số thiệt hại của 1.255 hộ dân cũng vừa khớp với số 53,6 tỉ đồng. Ở mỗi xã đều có danh sách thống kê thiệt hại của từng hộ được niêm yết công khai.

Còn với Bà Rịa - Vũng Tàu, chiều 12-8, ông Nguyễn Văn Hiến, giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định: “Chúng tôi đã vạch ra những bước đi cụ thể trong việc thỏa thuận bồi thường với Vedan. Nếu Vedan bội ước, họ mới chính là người chịu thiệt thòi lớn, thậm chí mất trắng tất cả chứ không phải nông dân”.

Trao đổi với chúng tôi về việc Vedan yêu cầu cam kết không khởi kiện ra tòa án nữa và các khiếu nại bồi thường (nếu có) sẽ không thuộc trách nhiệm của Vedan, ông Nguyễn Văn Hiến cho biết hiện người dân đã ủy quyền cho luật sư, căn cứ vào ủy quyền đó chính luật sư sẽ đại diện đứng ra ký các thỏa thuận, cam kết với Vedan.

Ông Hiến nói: “Ở địa phương khác họ làm như thế nào tôi không biết, nhưng ở Bà Rịa - Vũng Tàu không có chuyện chính quyền sẽ ký cam kết, thỏa thuận với Vedan mà chính quyền địa phương chỉ là người chứng kiến việc ký kết này mà thôi”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiến, lúc 10g hôm nay 13-8, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có buổi làm việc với Vedan. Theo đó, tỉnh sẽ ký một bản thỏa thuận ghi nhận việc đồng ý bồi thường của Vedan giữa ba bên gồm: đại diện đoàn luật sư, đại diện UBND tỉnh và đại diện Vedan. Một nội dung đặc biệt quan trọng trong thỏa thuận này là Vedan phải chuyển 50% tiền cho dân và 500 triệu đồng cho tỉnh trong vòng bảy ngày sau khi ký kết văn bản thỏa thuận. Chậm nhất đến ngày 14-1-2011 sẽ chuyển 50% còn lại.

Tuy nhiên, sau khi nhận 50% tiền đợt 1, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ buộc Vedan chậm nhất đến hết tháng 8 phải nộp cho tỉnh chứng thư bảo lãnh thanh toán số tiền 50% còn lại (tương đương 26,8 tỉ đồng) của ngân hàng. Nếu Vedan thực hiện đúng cam kết thì các luật sư được ủy quyền sẽ rút đơn khởi kiện tại tòa. Nếu đến hết tháng 8 mà Vedan không nộp được chứng thư bảo lãnh thì coi như số tiền 50% thanh toán đợt 1 sẽ mất trắng và lúc đó các luật sư sẽ tiếp tục khởi kiện Vedan tại tòa.

Ông Hiến nói: “Sở dĩ chúng tôi xác định mốc thời gian là hết tháng 8-2010 buộc Vedan phải nộp được chứng thư bảo lãnh vì lúc đó vụ án còn hiệu lực khởi kiện. Đến thời điểm đã định mà Vedan giở quẻ thì chúng ta vẫn còn đủ thời gian để đối phó với họ”.

Đồng Nai: 120 tỉ đồng chỉ bằng 1/10 số nông dân đòi bồi thường

Chiều 12-8, văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai cho biết trong tuần này tỉnh sẽ có cuộc họp bàn và có ý kiến chính thức trả lời cho Vedan về số tiền bồi thường gần 120 tỉ đồng mà công ty này đưa ra. Hiện thông tin cho hay Đồng Nai đang đối diện với khó khăn khi phải quyết định việc này do chính tỉnh đã ra văn bản đòi bồi thường số tiền trên và Vedan đã đáp ứng, trong khi người dân bị thiệt hại đã và đang đi kiện đòi bồi thường số tiền lớn hơn nhiều lần số tiền Vedan vừa đưa ra.

Ông Nguyễn Đức, chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai, cho biết: “Tôi nghĩ nếu tỉnh trả lời chịu nhận tiền thì không còn cách nào khác là đi vận động người dân rút đơn kiện”.

Luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư Đồng Nai) cho biết quá trình đi tư vấn giúp dân, làm đơn kiện Vedan, nhiều thông tin từ các luật sư thu thập được cho thấy 120 tỉ đồng Vedan đưa ra chỉ bằng một phần mười giá trị thiệt hại, nên thực tế sắp tới có đi vận động dân rút đơn kiện cũng rất khó giải thích với dân.

Hiện sau khi có thông tin Vedan đồng ý số tiền gần 120 tỉ đồng, nhiều người đã không đồng ý vì có hộ đã nộp đơn kiện đòi bồi thường tiền tỉ nên họ sợ rút đơn thì có nhận được tiền cũng rất ít. “Tình thế hết sức khó khăn. Không có quy định yêu cầu luật sư phải đi rút đơn mà chính nguyên đơn tự rút hoặc chính các cơ quan đoàn thể vận động dân rút đơn kiện. Nguyên đơn rút đơn kiện tòa mới ra quyết định đình chỉ vụ kiện chứ tỉnh không thể chỉ đạo tòa đình chỉ được” - ông Dũng nói.

Thu án phí theo giá ngạch, nông dân đắn đo

Trong ngày, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cũng làm báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về việc các luật sư nhận ủy quyền của người dân đem tiền tạm đóng án phí 200.000 đồng/đơn như thông báo trước đây của Tòa án huyện Long Thành đã không thể thực hiện nên luật sư sẽ gửi lại tiền cho người dân. Lý do là khi luật sư mang hồ sơ kiện của dân đến Tòa án huyện Long Thành thì bất ngờ được thông báo TAND tỉnh đã chỉ đạo thu án phí theo giá ngạch, khác với thông báo ban đầu.

Trong khi đó tại Tòa án huyện Long Thành, hiện đã có hồ sơ thụ lý và thu tạm ứng án phí chỉ 200.000 đồng như thông báo trước đây. Ông Võ Văn Giác (xã Phước Thái, huyện Long Thành) cho biết: “Tòa đã thụ lý đơn kiện và tôi đã tạm đóng án phí 200.000 đồng”.

Một luật sư tham gia nộp đơn kiện cho dân cho biết nếu thu theo giá ngạch thì một hộ dân chỉ đòi bồi thường thiệt hại 77 triệu đồng, nếu đóng 5% tiền án phí đã rất khó khăn cho dân. Nếu trường hợp khác tranh chấp từ 800 triệu đồng đến 2 tỉ đồng theo giá ngạch quy định phải đóng 36 triệu đồng kèm với 3% giá trị tài sản, mà phần tranh chấp vượt quá 800 triệu đồng sẽ làm người dân đắn đo hơn.

“Do vậy các đoàn luật sư tư vấn cho dân sẽ họp và có ý kiến từ lời hứa của UBND tỉnh ứng án phí cho dân từ Quỹ bảo vệ môi trường hoặc có ý kiến với Bộ Tài nguyên - môi trường để ứng án phí kiện Vedan” - vị luật sư này cho hay. Cùng ngày, nhóm luật sư giúp người dân xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) cũng đã mang thêm 320 đơn kiện Vedan đến nộp tại Tòa án huyện Nhơn Trạch.

-----------------------------

* Tin bài liên quan:

Vedan đồng ý bồi thường nông dân Đồng Nai gần 120 tỉ đồngCảnh giác với VedanVedan trả giá 30 tỉ đồng với dân Đồng NaiKiện Vedan: Không chỉ chuyện thắng - thuaMặc cả với đạo lýĐồng Nai cũng sẽ kiện VedanTP.HCM hẹn gặp Vedan ở tòa án"Chạy nước rút" kiện VedanÔ nhiễm môi trườngMột nông dân Đồng Nai kiện VedanTôi ủng hộ anh Sơn kiện VedanVedan lại “không hiểu”Thêm một nông dân Đồng Nai kiện VedanThêm nhiều nông dân muốn kiện VedanThương lượng với Vedan: Chưa ngã ngũ mức bồi thườngVụ Vedan: Thương lượng bất thành

N.TRIỀU - HÀ MI - M.LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên