Ông Nghĩa là một trong số các luật sư tình nguyện bảo vệ quyền lợi cho nông dân Cần Giờ.
Phóng to |
Nông dân Đoàn Đối (xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) trình bày với ông Nguyễn Duy Lượng (phó chủ tịch Hội Nông dân VN - bìa phải) về những nỗi khổ sau khi Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải - Ảnh: H.M. |
Phóng to |
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Thuận Thắng |
Ông Nghĩa nói:
- Đây là một vụ kiện chưa có tiền lệ và dự báo không dễ dàng. Ai cũng biết Vedan là công ty lớn, họ không thiếu tiền để thuê luật sư giỏi và không loại trừ tình huống họ sẽ tìm cách kéo dài vụ việc trước khi chấp nhận móc túi ra bồi thường. Quyết định tham gia vụ kiện để bảo vệ quyền lợi của người dân, ngoài trách nhiệm theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp, với tôi, còn là trách nhiệm của một đại biểu HĐND TP. Do đó, tôi đã huy động một số đồng nghiệp cùng là thành viên của Công ty luật YKVN để cùng nghiên cứu các cơ sở pháp lý và thủ tục tố tụng nhằm tránh sai sót, sơ hở khiến có thể bị lợi dụng.
* Hiện các thủ tục tiền tố tụng đã tiến hành đến đâu?
- Tôi có trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, là một trong những người đại diện theo ủy quyền của người dân Cần Giờ.Được biết, người dân đã hoàn tất việc viết đơn khởi kiện và 839 giấy ủy quyền cũng được công chứng xong. Theo quy trình, trước tiên tòa án sẽ nhận đơn và xem xét trong vài ngày, sau đó nếu thấy đủ căn cứ để xét xử thì tòa sẽ yêu cầu nguyên đơn tạm ứng án phí và ra quyết định thụ lý vụ kiện, rồi tống đạt đến các đương sự. Tòa sẽ chưa xét xử ngay mà còn dành một khoảng thời gian để nguyên đơn và bị đơn tiếp tục hòa giải với sự chủ trì của tòa án.
Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, tòa án sẽ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Quyết định này có giá trị thi hành như một bản án. Trong trường hợp hòa giải không thành thì phải tiến đến bước tiếp theo là xét xử.
* Nghĩa là Vedan vẫn còn cơ hội thương lượng với người dân Cần Giờ?
- Đúng là vẫn còn cơ hội để hai bên thương lượng. Nhưng cũng phải nói thẳng rằng tôi lấy làm tiếc cho thái độ của Vedan trong vấn đề giải quyết hậu quả. Hành vi sai phạm của Vedan không phải do sơ ý trong một ngày một bữa mà là lỗi cố ý suốt hơn chục năm trời.
Biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng nhưng nếu chịu khó nhìn sang Tập đoàn BP sẽ thấy sự cố tràn dầu trên vịnh Mexico khi còn đang tối mắt tối mũi khắc phục thì họ đã chấp nhận hành động nhận trách nhiệm là bỏ ra 20 tỉ USD để lập quỹ bồi thường thiệt hại.
Để có được khoản tiền bồi thường như thế, họ phải chấp nhận cả việc bán tài sản, bán các phần hùn ở châu Á. Khoản tiền mà nông dân TP.HCM và cả Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu bồi thường cộng lại, theo tôi, là chưa tương xứng với thiệt hại đã xảy ra và càng nhỏ bé với nguồn lợi nhờ hành vi thiếu lành mạnh mà Vedan thu được trong hơn chục năm qua.
"Đã đến lúc chúng ta không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá, không thể chạy theo tăng trưởng GDP nếu đồng vốn đầu tư ấy và những chỉ số tăng trưởng ấy kéo theo những hệ lụy về xã hội, môi trường mà chúng ta và con cháu sẽ phải trả giá đắt không chỉ bằng tiền" |
- Khi không thể thương lượng được nữa thì chuyện nhờ đến phán quyết của tòa án là điều tất yếu. Tuy nhiên, ý nghĩa của vụ kiện này, theo tôi, không chỉ dừng lại ở chuyện thắng - thua, cái được lớn nhất là những bài học pháp lý quý giá.
* Ông có thể nói rõ hơn?
- Đây là một vụ kiện chưa có tiền lệ ở VN, nhiều khía cạnh của nó chưa được luật hóa. Ở các nước, người ta gọi những vụ kiện như thế này là những vụ kiện mang tính cột mốc vì pháp luật “chậm bước” so với sự phát triển của cuộc sống. Muốn phán xét, tòa phải vận dụng pháp luật một cách linh hoạt và bản án ấy sẽ định hình những quy định pháp lý mới cho các vụ việc tương tự về sau mà người ta thường gọi là án lệ. VN không theo nguyên tắc án lệ, nhưng vụ kiện Vedan sẽ buộc chúng ta phải rà soát nhiều lĩnh vực pháp lý, cả dân sự và hình sự, cả luật nội dung và luật tố tụng, cả ở lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường...
Theo tôi, phải bổ sung những thủ tục tố tụng đối với những vụ kiện có số lượng lớn nguyên đơn hay bị đơn mà mức độ thiệt hại khó phân định cho từng cá nhân, như nạn nhân trong các vụ ngộ độc thực phẩm, truyền máu, tiêm chủng... Hay cần cho phép khởi tố pháp nhân đối với những hành vi xâm hại môi trường, trốn thuế.
* Không có án lệ thì tòa sẽ xét xử như thế nào?
- Đương nhiên phía nguyên đơn là người nông dân phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại. Trong trường hợp này, tòa sẽ căn cứ vào thiệt hại mà người dân kê khai có sự xác nhận của cơ quan chức năng, nếu thấy hợp lý và hợp pháp thì tòa sẽ phải công nhận thiệt hại đó. Trường hợp cần thiết phải cân đong lại, tòa có thể tham khảo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chẳng hạn trong vụ này, kết quả đánh giá của Viện Môi trường và tài nguyên theo chỉ định của Tổng cục Môi trường cũng là một căn cứ.
Trong quá trình xét xử, hai bên có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ lý lẽ của mình, hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết sau cùng. Tôi tin rằng với sự công tâm và trên cơ sở vận dụng pháp luật một cách có trách nhiệm, tòa sẽ đưa ra một phán quyết hợp pháp và hợp lý.
* Theo ông, liệu cơ quan nhà nước có thể đứng ra kiện các doanh nghiệp vi phạm môi trường?
- Trong một số trường hợp, luật pháp cho phép các cơ quan quản lý nhà nước được nhân danh Nhà nước khởi kiện, khởi tố những hành vi trái pháp luật vì lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội. Các luật sư của YKVN đang nghiên cứu khả năng này.
* Xin hỏi thêm ông: một số ý kiến của luật sư cho rằng có thể tịch thu lợi nhuận của Vedan theo Luật cạnh tranh, vậy ông có bình luận gì về những ý kiến này?
- Tôi có đọc ý kiến đó. Công ty luật của tôi cũng đang nghiên cứu thêm. Tôi cũng muốn lưu ý rằng đây là vụ kiện thực tế, cụ thể, với những công việc chi tiết khác nhau. Quan trọng là tìm những giải pháp mang tính khả thi cao trong điều kiện VN. Chúng ta không còn nhiều thời gian.
* Ông có nghĩ rằng những trường hợp gây ô nhiễm môi trường như Vedan ở Đồng Nai hay Hào Dương ở TP.HCM là hệ quả của chính sách thu hút và quản lý đầu tư chưa chặt chẽ?
- Đúng là không thể phủ nhận những vấn đề mà chúng ta phải giải quyết hậu quả hôm nay có một phần gốc rễ từ chính sách bất cập trước đây. Có một thời gian chúng ta dành nhiều ưu đãi, không áp dụng các rào cản kỹ thuật, rào cản pháp lý để thu hút đầu tư, nhất là tạm thời chưa đề cập những tác động về môi trường, xã hội có thể xảy ra. Đến nay, suy nghĩ đó không còn. Khi người ta nghèo đói thì có thể chấp nhận ăn uống xuê xoa, mất vệ sinh, nhưng khi mức sống khá lên thì cái ăn cũng phải sạch, đẹp, lành mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận