Phóng to |
Nông dân Nguyễn Lam Sơn - Ảnh: NGUYỄN TRIỀU |
Ngày 7-7 khi các cơ quan của huyện Nhơn Trạch và một số ngành của tỉnh Đồng Nai về tiếp xúc nông dân bị thiệt hại đã trở thành một ngày đáng nhớ trong đời ông Nguyễn Lam Sơn. 100 hộ dân bị thiệt hại đã đến dự và góp ý kiến. Ai cũng chờ ngày này để bày tỏ thái độ với Vedan, đòi Vedan bồi thường nhưng rồi tất cả phải nghe theo nhiều cán bộ tiếp dân khi họ bảo “muốn kiện Vedan thì phải có chứng cứ”.
Nước mắt lăn dài
"Tôi quyết tâm kiện để cho thấy người dân thấp cổ bé họng bị thiệt hại vẫn khát khao công lý. Chứng cứ có thể yếu nhưng tôi đã nói là làm để mọi người thấy rằng chuyện thương lượng, hỗ trợ cho dân với một số tiền quá ít ỏi là vô lý" |
Ông Sơn kể: “Những người tiếp dân nói muốn thưa kiện Vedan phải có đầy đủ thủ tục như hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật. Bà con nói lấy đâu ra bằng chứng suốt mười mấy năm qua? Nông dân nghèo, mua thức ăn chăn nuôi bao nào trả bao đó thì lấy gì ra hóa đơn!”.
Nghe thủ tục kiện rắc rối nên tất thảy hộ dân đều nản, thay vì đòi bồi thường thì họ đồng ý muốn được tăng mức hỗ trợ của Vedan lên 25 tỉ đồng. Duy nhất ông Nguyễn Lam Sơn giơ tay bày tỏ: “Dứt khoát tôi kiện Vedan!”.
Ông Sơn về nhà lục lọi tất cả những gì ông hi vọng đó là chứng cứ, kể cả cuốn sổ tay ghi bán tôm trong xó nhà đã bị mối ăn mục nát. Ông cũng đi làm chứng cứ kiểu chân chất của mình: nhờ bà Thái Thị Nguyệt ở gần đó, người từng mua bán tôm với ông hơn mười năm trời, xác nhận “tôi có mua tôm của ông Nguyễn Lam Sơn từ năm 1996 đến nay!”.
14 năm qua là khoảng thời gian mà những người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ven sông Thị Vải đã gánh chịu hậu quả từ nước thải gây ô nhiễm của Vedan. “Dân ở đây đều lên tiếng chuyện Vedan gây ô nhiễm nhưng không có phản hồi. Bây giờ dân ức lắm nhưng bảo họ phải đưa ra chứng cứ thì lấy gì đưa?” - ông Sơn nói.
Không thể muốn làm gì thì làm
Phóng to |
Biên bản làm việc giữa đại diện Hội Nông dân đồng Nai và Công ty Vedan bàn việc hỗ trợ thiệt hại cho nông dân |
Ông Nguyễn Lam Sơn nói: nông dân là người ít am tường luật pháp. Tuy nhiên, ông Sơn bảo sẽ kiện Vedan bởi nếu lần lữa qua ngày 12-9-2010 thì sẽ hết thời hiệu khởi kiện. Khi đó, 15 tỉ đồng mà Vedan đưa ra để “hỗ trợ” cho hàng ngàn nông dân ở vùng thiệt hại như “muối bỏ biển”. “Tôi yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại tỉ lệ 24 triệu đồng/năm trong vòng 10 năm với tổng số tiền 240 triệu đồng. Hơn thế, tôi yêu cầu Vedan phải có trách nhiệm với nông dân VN bị thiệt hại, xem xét bồi thường cho dân thỏa đáng chứ không thể muốn làm gì thì làm” - ông bày tỏ.
Ông Sơn nói rằng ý định khởi kiện có lúc chùng xuống nhưng rồi khao khát công lý đã nhắc nhở ông đứng lên. “Tôi sẽ xin số liệu kèm xác nhận của địa phương và những người đã mua tôm của tôi rồi tôi nhờ luật sư tư vấn để gấp rút làm đơn kiện Vedan” - ông Sơn bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Quang, cha của ông Sơn, nói: “Nước thải Vedan từng gây ô nhiễm, nông dân đã kêu và đau đớn lắm nhưng chẳng ai quan tâm. Giờ đây tôi ủng hộ việc kiện Vedan của con trai mình”.
Làm cho nông dân hiểu và chấp nhận... hỗ trợ(!)
Kết quả “trưng cầu ý dân” về việc nên kiện hay thương lượng với Công ty Vedan được Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai thực hiện và công bố trong mấy ngày qua khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Chẳng lẽ hàng ngàn hộ dân bị thiệt hại ở tỉnh này, chỉ duy nhất một người muốn kiện? Phóng viên Tuổi Trẻ đã vào cuộc để tìm hiểu thực hư. Ít người được mời Các hộ dân ở ấp 1A, 1B, 1C của xã Phước Thái mà phóng viên tiếp xúc đều khẳng định muốn kiện Vedan để đòi bồi thường, không chấp nhận chuyện “hỗ trợ” như đề nghị của Vedan. Điều khiến nhiều nông dân bức xúc là Hội Nông dân và cơ quan chức năng về xã lấy ý kiến người dân quanh chuyện yêu cầu Công ty Vedan bồi thường nhưng một bộ phận người dân trong vùng bị thiệt hại không được biết. Ông Võ Văn Giác - nhà ở tổ 5, ấp 1A, ngay sát Công ty Vedan - cho biết hôm ông đi TP.HCM thì được người quen gọi điện báo tin có đại diện Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai và cơ quan chức năng về xã tiếp xúc lấy ý kiến người dân xem muốn kiện hay muốn thương lượng với Vedan. “Trước đó có ai mời, ai hỏi gì chúng tôi đâu mà biết để đến dự” - ông Giác nói. Nhiều người dân ở các ấp 1B, 1C cũng chỉ biết có cuộc họp lấy ý kiến người dân sau khi báo chí thông tin, còn trước đó hoàn toàn không hay biết. Ông Lương Văn Trường, chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái, cho biết theo thống kê trước đây toàn xã có 1.478 hộ có đơn đòi Vedan bồi thường nhưng do hội trường UBND xã không đủ chỗ nên chỉ mời đại diện những hộ bị thiệt hại. “Hôm đó có 104 người tới dự nhưng không có người nào đề nghị hoặc có ý kiến muốn kiện Công ty Vedan mà chỉ muốn thương lượng” - ông Trường nói. Ông Trường còn cho rằng có thể người dân có tâm lý không muốn kiện vì chứng cứ không vững, thời hiệu khởi kiện sắp hết nên “có (chút đỉnh) còn hơn không”. Nông dân tủi thân Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, trước khi lấy ý kiến hội nông dân các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, ngày 19-3-2010, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Trần Như Độ đã ký một biên bản làm việc với luật sư Hoàng Như Vĩnh - đại diện pháp lý cho Vedan. Biên bản này cho rằng “do có khó khăn trong việc thẩm định thiệt hại và xuất trình các chứng cứ chứng minh thiệt hại của các hộ nông dân, đồng thời để giữ mối quan hệ thân thiện giữa Công ty Vedan và nhân dân địa phương và giải quyết vụ việc được nhanh chóng, hai bên đã xem xét thống nhất sẽ theo hướng hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. Theo yêu cầu của hội nông dân đồng Nai, mức hỗ trợ phải tăng lên, đại diện Công ty Vedan đã cho biết khả năng tối đa chỉ có thể hỗ trợ là 15 tỉ đồng cho nông dân Đồng Nai bị thiệt hại, nếu nông dân rút yêu cầu khiếu nại, hoặc không khởi kiện. Đại diện hội nông dân đã ghi nhận thiện chí của Công ty Vedan và sẽ làm việc với đại diện hội nông dân hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch cùng các xã bị trực tiếp thiệt hại để thương lượng việc hỗ trợ cho nông dân...” Sau đó, ngày 31-5, cũng ông Trần Như Độ đã làm việc với luật sư của Vedan. Biên bản cuộc làm việc này có nội dung “... Dựa trên cơ sở thông tin do đại diện Công ty Vedan cung cấp, Hội Nông dân Đồng Nai sẽ cung cấp và hướng dẫn hội nông dân các xã nhằm giải thích cho các hộ nông dân hiểu và chấp nhận phương thức hỗ trợ thiệt hại”. Tiếp đó, ngày 4-6 Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai có tờ trình báo cáo và đề nghị thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: giải quyết bằng thương lượng, hỗ trợ (không khởi kiện)! Nhiều người dân cho biết họ cảm thấy tủi thân khi thấy Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM ủng hộ và tuyên bố hỗ trợ tiền tạm ứng án phí để người dân khởi kiện, trong khi nông dân Đồng Nai không được hướng dẫn mà chỉ được nghe “cảnh báo” những khó khăn trên con đường kiện tụng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận