Phóng to |
Nông dân Nguyễn Lam Sơn - Ảnh: HÀ MI |
Ô nhiễm môi trườngMột nông dân Đồng Nai kiện Vedan
Anh Sơn quyết định đứng ra khởi kiện Vedan là quá đúng. Nông dân, những người trực tiếp chịu thiệt hại nhiều nhất từ vụ xả trộm chất thải của Vedan, hơn ai hết họ hiểu và đau đớn lắm. Dù anh không có chứng cớ rõ ràng những thiệt hại, không được các cơ quan Đồng Nai hậu thuẫn, nhưng tôi tin việc làm của anh gióng lên hồi chuông làm thức tỉnh lương tri những người có trách nhiệm.
Người nông dân mình quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cuộc sống lại không mấy khấm khá khiến họ ngại va chạm và cam chịu. Vedan gây thiệt hại mà nói hỗ trợ như là sự ban ơn! Thật chua xót biết bao. Nếu anh Sơn không can đảm kiện Vedan thì sau Vedan biết bao công ty nữa xả thải làm hại người dân cứ bỏ ra một số tiền bồi thường là xong sao? Tôi tin việc làm đúng của anh và ủng hộ anh.
* Lo cho con kiến kiện củ khoai
Tôi tin với ý chí và lòng quyết tâm của anh sẽ được mọi người ủng hộ. Tuy nhiên tôi vẫn lo cho anh bởi vì chỉ có mình anh làm chuyện này, chẳng khác gì con kiến kiện củ khoai.
* Đừng vô cảm với nông dân
Tôi là một người dân TP.HCM, sáng 13-7 khi đọc bài báo về anh Sơn tôi té ngửa. Tôi không tin nổi cho đến giờ mà vụ Vedan vẫn còn lằng nhằng và vẫn chưa chịu bồi thường cho dân mặc dù Chính phủ đã có ý kiến phải xử lý dứt điểm từ lâu. Tôi cũng không hiểu chính quyền các cấp của Đồng Nai đang ở đâu mà không đứng ra bênh vực và ủng hộ nông dân kiện Vedan như cách Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM đã làm, mà lại thuyết phục nông dân chấp nhận phương án “dĩ hòa vi quý” là bồi thường thiệt hại.
Chính quyền địa phương thật vô cảm khi không bảo vệ người dân của mình, giúp họ giành lại công bằng mà còn tìm cách làm thoái chí những người nông dân ít hiểu biết khi luôn nói rằng “muốn kiện Vedan thì phải có chứng cứ”. Điều này làm tôi liên tưởng đến Liên đoàn Bóng đá VN mỗi khi bị chất vấn về một trận đấu tiêu cực ở V-League thì cũng thiếu trách nhiệm bằng một câu quen thuộc “chứng cứ đâu?”. Nên nhớ vụ Vedan xả nước thải giết sông Thị Vải là một hành vi “bị bắt quả tang”, mà đã bị bắt quả tang thì chẳng lẽ chưa đủ chứng cứ?
* Luật sư hãy góp tay cùng nông dân
Tôi cho rằng trong vụ việc này chính quyền chưa thật sự lấy lợi ích của nông dân nói riêng, đồng bào nói chung làm trọng! Cũng cần kêu gọi ý thức công dân của các luật sư tỉnh Đồng Nai góp tay cùng nông dân. Gia đình các luật sư sống trong môi trường ô nhiễm thì làm sao không bị ảnh hưởng.
* Đừng để xảy ra tiền lệ xấu
Đây là trường hợp để các công ty khác nhìn và làm theo. Nếu cơ quan pháp luật không làm vụ việc được sáng tỏ và thỏa đáng thì những trường hợp khác chúng ta cũng không thể làm được. Cần phải hướng dẫn người dân để kiện Vedan, thời hiệu chính là yếu tố để Vedan lẩn trốn trách nhiệm của mình. Hướng dẫn nông dân kiện là thể hiện trách nhiệm của địa phương, Nhà nước. Tôi ủng hộ anh Sơn, hãy cố lên, tôi tin công lý sẽ thắng.
Cung cấp thông tin cho dân khởi kiện * Vẫn chậm xác minh thiệt hại của dân Chiều 13-7, ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai, khẳng định: “Là cơ quan chuyên môn, chúng tôi thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai nên chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu Vedan bồi thường gần 120 tỉ đồng cho nông dân”. Ông Chánh nói việc UBND tỉnh yêu cầu Vedan bồi thường được dựa trên kết luận của Viện Môi trường - tài nguyên đưa ra. Theo ông Chánh, luật quy định nếu người dân thấy thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa và tránh trường hợp hết thời hạn khởi kiện. Vì vậy nếu người dân thấy thiệt thòi do Vedan gây ô nhiễm mà muốn đòi bồi thường thì trong thẩm quyền, Sở Tài nguyên - môi trường có trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho nông dân như xác định diện tích, thửa đất và vùng ô nhiễm... làm cơ sở khởi kiện. Mặt khác, sở còn cung cấp các dữ liệu khẳng định Vedan gây ô nhiễm mà cơ quan khoa học đã xác định cho tòa án nếu có yêu cầu. Trả lời chúng tôi về việc Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã ký biên bản thỏa thuận với Vedan về mức hỗ trợ 15 tỉ đồng và hướng nông dân theo hướng nhận tiền hỗ trợ, ông Chánh nói: “Trước đây không có số liệu cụ thể nhưng nay số liệu của Viện Môi trường - tài nguyên cung cấp cho UBND tỉnh đòi bồi thường gần 120 tỉ đồng thì đó cũng là thông tin rõ nhất để nông dân ở các vùng bị thiệt hại thu thập”. * Liên quan đến việc thống kê thiệt hại của dân, Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai cho biết đến nay UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch vẫn chưa thực hiện xong việc kiểm tra, xác minh và tổng hợp thiệt hại của dân ở bốn xã (Phước Thái, Long Phước, Phước An, Long Thọ) do Vedan gây ra theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai. Trước đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan trên thẩm tra, xác minh và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-6-2010. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận