23/07/2010 07:43 GMT+7

TP.HCM hẹn gặp Vedan ở tòa án

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Vòng đàm phán cuối cùng giữa đại diện nông dân TP.HCM và Công ty Vedan đã khép lại trưa 22-7 với kết quả bất thành. “Kết thúc như thế này không phải ý muốn của đôi bên. Do vậy chúng ta buộc phải gặp nhau ở cơ quan thứ ba là tòa án” - chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Văn Phụng tuyên bố.

IasnI8UK.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Phụng, chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, nói sẽ hỗ trợ nông dân làm thủ tục gửi đến tòa án kiện Vedan - Ảnh: N.TRIỀU

Lo ngại nông dân sẽ kéo đến đòi tham dự gây mất trật tự không đáng có, nên cuộc thương lượng cuối cùng được tổ chức tại trụ sở Hội Nông dân TP.HCM thay vì ở trụ sở UBND huyện Cần Giờ như dự tính ban đầu. Ông Trần Văn Làm, ủy viên thường vụ Trung ương Hội Nông dân VN, cũng có mặt.

Nâng mức “hỗ trợ” lên 16 tỉ đồng

Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phụng nhắc lại quan điểm của TP.HCM là Vedan phải bồi thường thiệt hại cho người dân Cần Giờ hơn 45,7 tỉ đồng như công văn của UBND TP.HCM đã yêu cầu, chứ không phải mức 32 tỉ đồng như đại diện UBND huyện Cần Giờ đã đưa ra tham khảo và càng không phải con số 12 tỉ đồng mà Vedan đề nghị tại cuộc họp hôm 20-7.

Ông Yang Kun Hsiang, tổng giám đốc Vedan, cho rằng mức hỗ trợ 12 tỉ đồng công ty đưa ra ở cuộc họp trước là đã có tính toán. Tuy nhiên, cuộc họp này chuyên gia của Vedan không nghiên cứu số liệu UBND huyện Cần Giờ cung cấp thêm mà lại đưa ra những số liệu tính toán mới, theo đó mức thiệt hại trong khoảng 12-20 tỉ đồng. Ở cách tính toán lần này, phía Vedan đồng ý mức giá thủy sản bình quân để tính thiệt hại là 45.000 đồng/kg trong khi trước đây Vedan chỉ tính giá 21.000 đồng/kg. Song Vedan tiếp tục tranh cãi về mật độ các loài thủy sản trong vùng nước bị ảnh hưởng.

Cách tính của Vedan là căn cứ vào mật độ loài cá trên lưu vực sông Hồng, sông Mekong theo số liệu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 và đưa ra ước tính mật độ cá trong vùng bị thiệt hại của nông dân Cần Giờ bình quân 16,85 tấn/km2. Ông Yang Kun Hsiang đề nghị: “Chúng tôi đã đưa ra những con số tính toán thiệt hại có thể có trong khoảng 12-20 tỉ đồng và số tiền hỗ trợ mà chúng ta có thể thảo luận là 15-16 tỉ đồng. Ý kiến các vị như thế nào?”.

Ông Đoàn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, không đồng ý và cho rằng dù Vedan có lấy số liệu của lưu vực sông Hồng, sông Mekong rồi nhân lên hệ số bao nhiêu đi nữa cũng không thể sát thực tế. Cách tính thực tế nhất là lấy sản lượng đánh bắt hằng năm của người dân chia cho diện tích mặt nước bị ảnh hưởng để tính mức thiệt hại mỗi năm.

“Trong bốn năm gần đây, gồm hai năm trước và hai năm sau khi hành vi vi phạm của Vedan bị phát hiện, mỗi năm người dân trong khu vực đánh bắt được 3.300-5.700 tấn thủy sản, chúng tôi chỉ tính mức bình quân là 4.000 tấn/năm. Đây là những con số chúng tôi thống kê hằng năm, được ngành nông nghiệp, ngành thống kê VN công nhận và là những con số pháp lý” - ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, đó là số liệu mới, chưa kể sản lượng đánh bắt của người dân trước khi Vedan chưa đi vào hoạt động. “Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian vô bổ. Số liệu chúng tôi đã cung cấp, đề nghị các vị nghiên cứu tại đây rồi đưa ra con số phù hợp. Tôi nghĩ các vị sẽ thấy 45,7 tỉ đồng mà chúng tôi yêu cầu bồi thường là rất nhẹ nhàng” - ông Sơn đề nghị.

T5x126h3.jpgPhóng to
Tổng giám đốc Yang Kun Hsiang (bìa phải) hội ý với các chuyên gia Vedan sau khi nghe ông Nguyễn Văn Phụng (chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM) tuyên bố “hẹn gặp lại ở tòa án“ - Ảnh: N.Triều

Vedan hứa trả lời sau

Ông Nguyễn Văn Phụng hỏi thẳng: “Văn bản của UBND TP.HCM yêu cầu các ngài bồi thường hơn 45,7 tỉ đồng, Vedan chấp nhận không hay muốn là bao nhiêu?”. Tổng giám đốc và các chuyên gia của Vedan chụm lại trao đổi chừng một phút, sau đó ông Yang Kun Hsiang đề nghị giải lao 15 phút để hội ý.

Cuộc họp tiếp tục, ông Yang Kun Hsiang lại cho rằng tài liệu mới được UBND huyện Cần Giờ cung cấp thêm vào đầu cuộc họp phía Vedan chưa kịp đọc hết. Tổng giám đốc Vedan không nói số liệu của Cần Giờ là không chính xác, nhưng cho rằng con số mật độ loài cá ở Cần Giờ đưa ra hơn 77 tấn/km2 là quá cao.

“Công ty chúng tôi có tài sản ở Hong Kong nên nhiều nhà đầu tư cũng rất quan tâm vấn đề này. Không chỉ nông dân TP.HCM đòi khởi kiện mà các nhà đầu tư ở Hong Kong cũng lên tiếng chỉ trích Vedan. Do đó những vấn đề gì hợp lý thì công ty chúng tôi phải chấp nhận. Xin cho chúng tôi thêm thời gian, chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi UBND TP.HCM trước thứ tư tuần sau” - ông Yang Kun Hsiang đề nghị.

“Như vậy là đã rõ. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của Vedan để báo cáo lại lãnh đạo UBND TP. Một mặt cũng xin báo với quý ngài là chúng tôi tiếp tục hỗ trợ nông dân làm các thủ tục gửi đến tòa án” - ông Nguyễn Văn Phụng nói.

Ông Phụng nhắc lại đây không phải là cuộc mặc cả nên hai bên không ngồi bàn với nhau nữa: “Vấn đề gì cũng phải có hồi kết, kết thúc như thế này không phải ý muốn của đôi bên. Do vậy chúng ta buộc phải gặp nhau ở cơ quan thứ ba là tòa án”.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên:

“Chúng tôi ủng hộ việc khởi kiện Vedan”

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Tài nguyên - môi trường có ý kiến về văn bản của Công ty Vedan gửi trực tiếp đến Thủ tướng ngày 14-6 báo cáo việc giải quyết bồi thường của công ty này.

Chiều 22-7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: “Quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường trước sau đều khẳng định Vedan phải đền bù cho người dân. Sau khi bộ và các cơ quan chuyên môn hoàn thành việc tính toán, các tỉnh làm xong việc thống kê thiệt hại, các bên phải ngồi lại đàm phán với nhau. Chẳng hạn từ con số thiệt hại được các tỉnh công bố, Vedan cũng phải có ý kiến bao nhiêu là hợp lý chứ không thể bầy hầy mãi được.

Nếu thỏa thuận không được, quan điểm của tôi là phải đưa ra tòa. Trước giờ Bộ Tài nguyên - môi trường vẫn khẳng định đứng về phía dân, chừng nào Vedan chưa đền bù xong cho người dân thì chúng tôi chưa hết trách nhiệm. Thực tế, cả tình cả lý chúng ta đều đã thực hiện, còn bây giờ Vedan kiến nghị riêng Chính phủ thì chúng tôi sẽ phát biểu theo quan điểm của bộ, tức tất cả những gì đã công bố đều tính toán trên cơ sở khoa học.

Khi Vedan không đàm phán nổi mà các tỉnh khởi kiện thì chúng tôi ủng hộ việc khởi kiện này”.

XUÂN LONG

______________________

Phát biểu sau cuộc họp

● Ông Nguyễn Văn Phụng (chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM):

Không như mong đợi

Trước đây qua nhiều lần thương lượng, Vedan nói rằng thiệt hại của nông dân Cần Giờ chỉ hơn 1,7 tỉ đồng nhưng vì muốn giữ mối quan hệ thân thiện với địa phương nên Vedan hỗ trợ 7 tỉ đồng. Cuộc họp hôm 20-7, Vedan lại đưa ra con số 12 tỉ đồng và đến hôm nay nâng lên 16 tỉ đồng.

Tôi thấy những con số này có tính chất mặc cả và lần lữa hoài. Thiệt hại của nông dân kéo dài suốt 14 năm, lẽ ra Vedan phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn nhằm khắc phục sớm hơn để nông dân trong vùng thiệt hại có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

Tiếc là tiến triển vụ việc không như mong đợi, Vedan đưa ra con số 16 tỉ đồng như một thiện chí nhưng tôi nghĩ thiện chí này chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Do đó chúng tôi quyết định tập hợp đơn kiện của người dân để gửi tòa án và sẽ tranh luận với Vedan ở tòa án.

● Ông Trần Văn Làm (ủy viên thường vụ Trung ương Hội Nông dân VN):

Đòi bồi thường 45,7 tỉ đồng đã là mức khiêm tốn

Tôi thấy TP.HCM yêu cầu mức bồi thường 45,7 tỉ đồng đã là mức khiêm tốn, vì thiệt hại thực tế mà cơ quan chức năng thống kê lên đến 107 tỉ đồng. Nếu Vedan đáp ứng mức bồi thường này và hai bên chấm dứt tranh luận, giải quyết xong hậu quả, nếu không thiệt hại sẽ còn nhiều hơn nữa.

Theo quan điểm của Hội Nông dân VN, không còn thời gian để mặc cả nữa. Trước đây nông dân đánh bắt một ngày được vài ký tôm, bán được vài trăm nghìn đồng thì nay trở thành người nghèo. Nếu nhận số tiền này về thì mỗi hộ được bao nhiêu, có thay đổi được cuộc sống của họ hay không?

Tôi cho là Vedan hiểu việc xả nước thải chưa xử lý là hủy diệt môi trường, mà nếu có bán hết nhà máy của họ cũng không thể khắc phục được.

● Luật sư Nguyễn Văn Hậu (đại diện theo ủy quyền của người dân Cần Giờ):

Tuần sau nông dân sẽ nộp đơn khởi kiện

Hiện thủ tục ủy quyền của người dân đã được công chứng xong và ngay đầu tuần sau đơn kiện sẽ được gửi tới tòa án mà không đợi văn bản của Vedan gửi UBND TP.HCM. Mức 45,7 tỉ đồng là chúng tôi căn cứ theo tính toán của Viện Môi trường và tài nguyên mang tính chất khoa học để đưa ra thương lượng đòi bồi thường.

Khi khởi kiện, đơn kiện của người dân sẽ đòi bồi thường theo số liệu khảo sát, thống kê thực tế thiệt hại của từng hộ nên tổng giá trị kiện đòi bồi thường là 107 tỉ đồng. Tòa án sẽ xem xét trên con số này và căn cứ trên các số liệu khoa học của cơ quan chức năng để đưa ra phán quyết. Tôi tin khả năng thắng kiện của người dân là rất cao.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

"Chạy nước rút" kiện VedanÔ nhiễm môi trườngMột nông dân Đồng Nai kiện VedanTôi ủng hộ anh Sơn kiện VedanVedan lại “không hiểu”Thêm một nông dân Đồng Nai kiện VedanThêm nhiều nông dân muốn kiện VedanThương lượng với Vedan: Chưa ngã ngũ mức bồi thườngVụ Vedan: Thương lượng bất thành

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên