01/03/2013 04:30 GMT+7

Không được phép lãng quên lịch sử

LÂM HOÀI - Đ.BÌNH thực hiện
LÂM HOÀI - Đ.BÌNH thực hiện

TT - Ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Tháng 2 trên đỉnh Pò Hèn” và phát động chương trình “Tháng 3 biên giới”, Hội LHTN VN cho biết hội đã có những ý tưởng tương tự, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ triển khai những hoạt động cụ thể, ý nghĩa hướng về tri ân miền biên ải phía Bắc của Tổ quốc.

Yb8XOchR.jpgPhóng to
Ảnh: Việt Dũng

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Phi Long - phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN - xung quanh câu chuyện này.

Anh Long nói:

"Tôi nghĩ trong hành trang của mỗi bạn trẻ, lòng yêu nước rất quan trọng. Có lòng yêu nước làm nền tảng thì mới thấu hiểu được quá khứ, biết được hiện tại và định hướng tốt cho tương lai. Và có thế thì các bạn trẻ mới vững vàng hơn trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan tới công cuộc bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo"

Anh Nguyễn Phi Long

- Lịch sử là sự thật, quá khứ khép lại nhưng chúng ta không được phép lãng quên lịch sử, những mất mát hi sinh của cha ông trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm càng phải ghi tạc. Hội LHTN VN luôn xác định truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc, lòng yêu nước là điều sống mãi, không bao giờ phai mờ. Từ đó tuyên truyền, giáo dục cho giới trẻ được biết, được hiểu về quá khứ của dân tộc để họ biết trân trọng và nhận thức được trách nhiệm trong việc góp công, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Báo Tuổi Trẻ đã có loạt bài viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và sau đó là phát động chương trình “Tháng 3 biên giới”. Anh đánh giá thế nào về những hoạt động này?

- Loạt bài của báo Tuổi Trẻ liên quan tới sự kiện tháng 2-1979 đã thu hút rất đông bạn đọc, trong đó có số lượng không nhỏ các bạn thanh niên, giới trẻ. Đặc biệt sau khi báo phát động chương trình “Tháng 3 biên giới”, Trung ương Hội LHTN VN đánh giá rất cao ý nghĩa của hoạt động này. Với tình cảm và trách nhiệm của mình, Trung ương Hội LHTN VN chủ động vào cuộc ngay, đồng hành với báo Tuổi Trẻ để tổ chức hiệu quả các hoạt động của chương trình này.

Hội LHTN cũng vừa có văn bản chỉ đạo hội LHTN các cấp trong cả nước, Hội Thầy thuốc trẻ, Doanh nhân trẻ VN có những hoạt động để hướng về biên giới, hải đảo, đặc biệt trong Tháng thanh niên 2013. Trong năm 2013 Hội sẽ tập trung đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động này, trong đó tập trung vào các vấn đề an sinh xã hội như trao tặng học bổng, xây dựng nhà nhân ái, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào, cựu binh và con em chiến sĩ bộ đội biên phòng.

* Những hoạt động này chỉ tổ chức riêng trong tháng 3 năm nay hay được tổ chức liên tục, thường niên?

- Tôi nghĩ rằng không chỉ dừng lại ở tháng 3 năm nay mà nên đưa hoạt động này thành thường niên hằng năm. Và không chỉ một vài địa phương nhất định mà phải triển khai trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

* Trong thời gian tới Đoàn, Hội sẽ có những chương trình gì để tuyên truyền cho thanh thiếu niên hiểu rõ, hiểu đúng sự kiện chiến tranh biên giới 1979?

- Bất kể cuộc chiến tranh nào cũng đều gắn với mất mát hi sinh. Người Việt mình rất yêu chuộng hòa bình và không bao giờ mong muốn chiến tranh xảy ra, nhưng mặt khác truyền thống bao đời nay của dân tộc ta cũng không bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Tuổi trẻ VN ngày nay biết suy nghĩ cũng như hành động đúng đắn để giữ gìn, tiếp nối truyền thống đó.

Trong những năm qua, Trung ương Hội LHTN VN đã tổ chức rất nhiều chương trình ý nghĩa hướng về biên cương, hải đảo của Tổ quốc, như Tình nguyện mùa đông, Hành trình đến với biển đảo quê hương, Xuân biên giới, Nghĩa tình Côn Đảo, Hành trình sinh viên ra biển, doanh nhân ra đảo, các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, an sinh xã hội chăm lo cho đồng bào và thanh thiếu nhi miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Trách nhiệm và cũng là mục tiêu của tổ chức Đoàn, Hội là thông qua những hoạt động của mình để khơi dậy lòng yêu nước tự hào dân tộc trong thanh niên, giới trẻ. Và qua đó giúp thanh thiếu niên, giới trẻ hiểu rõ, hiểu đúng về những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cuộc chiến tranh biên giới 1979. Trong những năm qua tổ chức Đoàn, Hội luôn tiên phong hướng dẫn và tổ chức cho thanh niên tham gia các hoạt động bày tỏ lòng yêu nước và bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Mới đây Hội đã tổ chức hàng loạt hoạt động an sinh xã hội tại các huyện giáp biên ở phía Bắc như Yên Minh (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai)... Ngoài việc có những hỗ trợ thiết thực cho thanh thiếu niên khu vực này, các hoạt động trên là dịp để tuổi trẻ cả nước tri ân đối với những người dân, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất phên giậu của Tổ quốc.

Mỗi người đều nên góp sức

Tay run run lấy ra trong bọc nilông một xấp tiền, đếm được 2 triệu đồng, ông Phạm Văn Nhâm (83 tuổi, Q.1, TP.HCM) nói rằng đây là tiền lương hưu ông gửi hết cho chương trình “Tháng 3 biên giới”. Năm 1979, ông Nhâm là lính sư đoàn 327 chiến đấu trên mặt trận biên giới phía Bắc. Ông nói đọc những bài viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 trên báo thời gian gần đây, ông rất vui mừng vì báo chí đã góp phần nói lên sự thật lịch sử, ghi nhận công lao của cả một thế hệ đã hi sinh vì Tổ quốc. “Từ chương trình này, mong sao báo Tuổi Trẻ có thể kết nối, tổ chức cho những cựu chiến binh như tôi được gặp gỡ để giúp đỡ nhau cho trọn nghĩa tình đồng đội” - ông Nhâm chia sẻ.

Từ Tiền Giang, một bạn đọc lặn lội tìm đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ 7 triệu đồng cho “Tháng 3 biên giới”. Còn lại 3 triệu đồng trong túi, ông cũng đóng luôn để góp phần mua xuồng CQ gửi Trường Sa. Ông nhất quyết không để lại tên tuổi, chỉ nói khẽ: “Cuộc chiến năm đó tôi không tham gia được, giờ chỉ biết nhờ báo để gửi chút tấm lòng của tôi giúp đỡ đồng bào mình. Trên bộ hay trên biển cũng là lãnh thổ thiêng liêng, mỗi người đều nên góp sức để giữ vững”.

Đến đóng góp cho “Tháng 3 biên giới”, anh Cường, một bạn đọc 31 tuổi ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết anh có người chú ruột từng là lính đặc công thuộc tiểu đoàn 20, chiến đấu ở Cao Bằng năm 1979. Những câu chuyện về cuộc chiến ác liệt mà anh dũng của chú kể lại đã thôi thúc anh tìm hiểu kỹ về giai đoạn lịch sử đó của dân tộc: “Khi đọc thấy báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Tháng 3 biên giới”, tôi mừng lắm, gọi điện ngay cho chú. Nghe tôi nói sẽ đóng góp để xây dựng biên cương vững mạnh, chú kêu tôi đi liền” - anh Cường cho biết.

Anh Nguyễn Hoàng Minh (Công ty TNHH MTV cấp nước Trung An) mang đến gửi chương trình số tiền mà 19 người trong chi bộ công ty đã đóng góp. Anh Minh kể khi biết chương trình “Tháng 3 biên giới”, cả chi bộ đã họp nhau lại, chuyền tay từng bài báo. Những người già từng tham gia quân ngũ được dịp kể lại cho đám trẻ nghe những câu chuyện về cuộc chiến tranh giữ nước còn chưa xa. Sau đó, tất cả mọi người đã thống nhất góp tiền ủng hộ chương trình với suy nghĩ: “Đồng bào chiến sĩ mình đã hi sinh quá nhiều. Những người còn lại đang rất cần sự sẻ chia của tất cả người dân VN để biết rằng phía sau họ vẫn là một hậu phương vững chãi”.

des8c3hk.jpgPhóng to
“Mong báo Tuổi Trẻ kết nối cho chúng tôi gặp gỡ nhau” - cựu binh Phạm Văn Nhâm chia sẻ - Ảnh:T.ĐẠM

MAI HOA

__________

Tin bài liên quan:

Những người lính Pò Hèn năm ấy...Pò Hèn còn mãi khúc ca Một ngày xuân bi tráng...Tháng 2 trên đỉnh Pò HènKhông ai quên ngày 17-2Bài học từ cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979Phát động chương trình “Tháng 3 biên giới”Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979: nên đưa đầy đủ vào sử sáchChương trình "Tháng 3 biên giới": bạn đọc đã tặng 102,5 triệu đồngRưng rức và ấm lòng với "Tháng 3 biên giới"Sinh nhật dành gửi “Tháng 3 biên giới”Tháng 3 biên giới: Bệnh viện chung tay

Xem tất cả

LÂM HOÀI - Đ.BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên