Pò Hèn còn mãi khúc caMột ngày xuân bi tráng...
Phóng to |
Đêm ngủ lại ở đồn biên phòng Pò Hèn, chúng tôi khôn nguôi ám ảnh bởi tấm hình đen trắng ấy. Tấm hình được chụp vào thời điểm 34 năm trước, khi ấy anh em vừa nao nức đón xuân nhưng cũng vừa căng thẳng chuẩn bị bước vào một cuộc chiến đã được báo trước.
Và cuộc chiến đã được báo trước không tránh khỏi, nhưng không ai nghĩ có thể diễn ra sớm đến thế! Bởi vậy, khi từ đồn Pò Hèn về thành phố Móng Cái, tìm gặp những cựu binh của trận chiến năm xưa, chúng tôi đã gặp anh Hoàng Như Lý, vốn là chuẩn úy trinh sát của đồn vào thời điểm ấy, để hỏi xem ai mất ai còn trong tấm ảnh. Anh Lý đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự “không ngờ” của trận chiến, vì chiều hôm trước khi diễn ra cuộc chiến trên toàn tuyến, anh em vẫn còn dượt mấy hiệp bóng chuyền chuẩn bị cho ngày thứ bảy thi đấu giao lưu với đội bóng Lâm trường Hải Ninh, cũng là chỗ “láng giềng” với đồn.
Đành rằng từ sau tết năm ấy, tình hình ở Pò Hèn có căng thẳng hơn. Từ bên kia biên giới, thỉnh thoảng nhiều loạt AK được bắn thẳng vào đội hình sản xuất của anh em công nhân lâm trường. Tuyến hàng rào kẽm gai, hệ thống mìn bố phòng nhiều lần bị địch đêm đêm lẻn sang cắt gỡ.
Ngày 16-2-1979, anh em quan sát thấy phía công xã Thán Sản bên kia biên giới có 40-50 chuyến xe chở lính đến đóng đối diện đồn Pò Hèn. Dù tinh thần chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh đã được anh em quán triệt, đêm đêm anh em vẫn phải trực chiến ngay hầm hào công sự, nhưng cuộc sống biên ải vẫn cứ diễn ra, theo nhịp độ vừa căng thẳng cảnh giác vừa bình thường như nó vốn có.
Trận đánh sáng hôm đó, ngày 17-2 nhằm vào ngày thứ bảy. Chiều thứ sáu, anh em từ các trạm biên phòng còn về đồn Pò Hèn giao lưu bóng chuyền. Anh Bùi Hữu Liễn từ trạm kiểm soát Bắc Phong Sinh về đánh bóng xong, định quay trở lại trạm thì anh em báo: Ngày mai thứ bảy, có trận giao hữu với anh em công nhân Lâm trường Hải Ninh, thôi thì ở lại, đằng nào mai cũng xuống lại đồn.
Vậy là anh Liễn ở lại, và sáng hôm sau không phải trận bóng giao lưu với anh em Lâm trường Hải Ninh như dự tính, thay vào đó tiếng súng khởi đầu cuộc chiến tranh biên giới đã nổ ra, Liễn đã cùng anh em trong đồn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trên nhà bia tưởng niệm, tên của Bùi Hữu Liễn được đánh số thứ tự là 28. Năm đó anh Liễn mới 27 tuổi.
Hai cán bộ chỉ huy của Pò Hèn trong trận chiến ấy, ngoài anh hùng liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa còn có thượng úy Phạm Xuân Tảo. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, khi nhắc đến Phạm Xuân Tảo, anh Lý không sao nén được xúc động: “Cả cuộc đời của anh Tảo là sự hi sinh, cho đến khi ngã xuống!”.
Vốn là chỉ huy của một đồn biên phòng ở biên giới Tây Ninh, chưa kịp hưởng hạnh phúc của ngày hòa bình sau năm 1975, cuộc chiến mới ở Tây Nam đã khiến anh Tảo không kịp có với người vợ đã cưới hơn 10 năm ở quê nhà Đông Hưng (Thái Bình) một đứa con. Hiểu hoàn cảnh của anh, cấp trên đã điều động anh ra công tác ở khu vực phía Bắc, gần gia đình hơn so với chặng đường Thái Bình - Tây Ninh xa ngút ngàn.
Về nhận công tác ở Ban chỉ huy công an vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay gọi là bộ đội biên phòng), anh Tảo nhận được điều động lên làm chính trị viên đồn Pò Hèn. Vừa về tới đồn Pò Hèn chiều 15-2, anh lập tức cùng với đồn phó quân sự Đỗ Sĩ Họa đi kiểm tra hệ thống công sự bố phòng. Không ai ngờ chỉ hai đêm sau khi anh Tảo về đơn vị mới, rạng sáng 17-2 quân Trung Quốc đã mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến. Và cũng trong buổi sáng 17-2-1979 ấy, cả chính trị viên Phạm Xuân Tảo và đồn phó Đỗ Sĩ Họa đều hi sinh cùng các đồng đội của mình trong trận chiến khốc liệt tại Pò Hèn.
-----------------------------------------------
* Cựu binh ĐẶNG VIỆT CHÂU:
Phải nhắc đến những ngày tháng đó
Hồi đó chúng tôi còn rất trẻ, bước vào cuộc chiến đấu với tất cả nhiệt huyết của mình. Đồng đội sư đoàn 356 của tôi hơn 1.000 người hi sinh, chưa kể những người mất tích. Một thời như thế nhưng rất nhiều liệt sĩ phải chờ tới 28 năm sau mới được đồng đội và gia đình tìm lại hài cốt và chôn cất, dù chỉ còn lại mấy mảnh xương. Còn không biết bao nhiêu người nằm lại, không tìm thấy mộ, thời gian quá dài chắc cũng bị sương gió phôi pha. Những người đã hi sinh họ cũng có gia đình như mình, nhưng giờ lại lạnh lẽo không ai còn biết mặt, gọi tên. Nhiều gia đình lên tìm hài cốt người thân thì được dẫn đến mấy ngôi mộ vô danh. Cứ như vậy thì họ biết tìm ở đâu?
Những trang lịch sử đó cần phải được nói ra một cách thẳng thắn và công khai. Đồng đội anh em chúng tôi vẫn đang tiếp tục công việc đó, công bố trên mạng Internet những câu chuyện về cuộc chiến tranh biên giới. Chỗ nào trên đường biên có dấu chân họ thì sẽ có những câu chuyện được kể lại. Một người lên tiếng thì nhiều anh em khác cũng lên tiếng. Không ai được phép không nhắc đến những ngày tháng đó.
* Cựu binh NGUYỄN XUÂN ĐỆ:
Có lỗi với những người đã khuất
Hơn 30 năm nay, những người còn sống như chúng tôi vẫn mong Nhà nước cho phép rà phá bom mìn để chúng tôi tìm lại hài cốt anh em đã nằm lại trên biên giới phía Bắc và chôn cất cẩn thận. Dù có thể biết tên tuổi cụ thể của họ nhưng cũng phải đưa về để an ủi vong linh những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hiện nay trên các mỏm đồi cao, nhiều đồng đội vẫn nằm lại. Đó cũng là điều chúng tôi luôn trăn trở và cảm thấy có lỗi với những người đã khuất.
Hơn 30 năm nay, chúng tôi cũng mong muốn cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc không còn là ẩn ức của riêng những người lính. Câu chuyện đó cần được kể ra để nhiều người biết đến. Lớp trẻ phải biết cha ông đã chiến đấu thế nào, đã giữ những tấc đất biên cương bằng chính mạng sống và tuổi xuân của mình như thế nào. Nếu không nói, lớp trẻ sẽ không hiểu. Sao có thể để người ta nói đó là cuộc chiến tranh tự vệ của người Trung Quốc được? Những nơi diễn ra các trận chiến ác liệt đều là trên đất Việt Nam. Hiện nay, các mỏm đồi vẫn sừng sững còn đấy, là chứng nhân cho những người lính đã chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc.
HÀ HƯƠNGghi
Truyền lửa cho lớp trẻ Từ ngày 15 đến 17-2 báo Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài ba kỳ “Tháng 2 trên đỉnh Pò Hèn” về cuộc chiến của quân và dân ta chống quân Trung Quốc xâm lược vào tháng 2-1979. Tiếp đó, ngày 18-2, báo Tuổi Trẻ đăng bài chia sẻ của TS Nguyễn Mạnh Hà về “Bài học từ cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979” và ghi nhận “Không ai quên ngày 17-2”. Hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi bày tỏ sự trân trọng trước các tấm gương hi sinh anh dũng của những người đã ngã xuống nhằm bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Riêng bài chia sẻ của TS Nguyễn Mạnh Hà đã nhận được gần 1.000 lượt yêu thích của bạn đọc chỉ sau chín giờ bài viết được đưa lên Tuổi Trẻ Online. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc: Khơi lòng yêu nước Sáng 18-2, cầm tờ báo Tuổi Trẻ trên tay tôi cảm thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Những hàng chữ to nơi trang nhất đập vào mắt tôi: “Bài học từ cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979”, đây là điều mà tôi chắc chắn chẳng những tôi mà còn là sự mong đợi của hàng triệu con tim người dân Việt. Tôi mừng vì bài báo đã đề cập đến vấn đề thời sự nóng bỏng bằng lời văn ôn hòa nhưng mạnh mẽ: một quá khứ hào hùng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, sự hi sinh cao cả của những người con Việt Nam nơi tuyến đầu Tổ quốc trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979. Chúng ta cần chứng tỏ cho thế giới biết chúng ta yêu chuộng hòa bình nhưng phải là nền hòa bình do chính chúng ta đấu tranh có được. Cảm ơn bài viết đã khơi dậy lòng yêu nước của mọi người Việt Nam. CÔNG THÀNH Không được quên lịch sử Tôi rất tâm đắc với nội dung các bài viết về ngày 17-2-1979. Cần khẳng định rằng chúng ta khép lại quá khứ chứ không được phép quên đi lịch sử hay khép lại lịch sử. Tôi có hai đứa con đã học xong cấp III mà hiểu biết mù mờ về cuộc chiến năm 1979 hào hùng của dân tộc ta. Thời gian qua hình như cuộc chiến tranh này ít được nhắc đến. Tôi là người lính và từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên tôi ý thức được giá trị của việc giáo dục truyền thống dân tộc về các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Không vì lý do gì mà được phép lãng quên lịch sử. NGUYỄN VĂN NHÂM Cho giới trẻ hiểu lịch sử Anh tôi theo tiếng gọi của Tổ quốc đã xin nghỉ học khi mới 17 tuổi để đi bộ đội và đã bị thương cụt một chân tại chiến trường biên giới Móng Cái, Quảng Ninh năm 1979. Năm đó mẹ tôi và cả gia đình tôi đã hiểu thế nào là nỗi đau của chiến tranh. Tôi hiểu nỗi đau của những gia đình có con vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến này còn sâu sắc hơn nhiều! Chúng ta khép lại quá khứ không có nghĩa là lãng quên lịch sử. Vì vậy chúng ta cần giáo dục và cho thế hệ trẻ hiểu biết rõ về lịch sử bi thương nhưng hết sức tự hào của dân tộc ta, để thế hệ trẻ hôm nay mới có điều kiện hiểu hơn thế nào là bạn và thù. Và như thế chúng ta đã làm một việc để tri ân đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Máu các anh chị đã đổ xuống không vô ích. vinh978@... Mãi mãi ghi công Lịch sử không bao giờ lãng quên những người con đã hi sinh vì Tổ quốc. Hãy truyền lại cho thế hệ sau biết những sự hi sinh oanh liệt này để mãi mãi ghi công và sẵn sàng xả thân như những người anh hùng này, vì sự tồn vong của Tổ quốc. THỌ SƠN Đưa vào sách giáo khoa Hi vọng trong đợt thay sách giáo khoa sắp tới, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc sẽ được các tác giả chú ý viết sâu sắc hơn. Nhiều năm qua, những người dạy sử chúng tôi không có đủ tư liệu về thời điểm này. Giáo dục lòng yêu nước còn gì hơn những tấm gương hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ mà báo đã nhắc đến trong các số báo gần đây. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nhà trường không giúp các em hiểu được những cái tên như Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm... NGUYỄN HỮU NHÂN |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận