16/02/2013 06:48 GMT+7

Một ngày xuân bi tráng...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Ở phòng khách của đồn biên phòng Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) có một tấm ảnh đen trắng với dòng chú thích: “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978”.

Tháng 2 trên đỉnh Pò HènPò Hèn còn mãi khúc ca

NgH8SCs7.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Minh, nhân chứng tháng 2-1979 ở Pò Hèn, thắp hương ở đền thờ liệt sĩ - Ảnh: Ngọc Quang

Một tấm hình bình thường, được chụp vào dịp anh em đồn liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979, nước ảnh đã ố màu thời gian. Nhưng nếu ai đã biết về huyền thoại Pò Hèn những năm tháng đó sẽ giật mình hiểu ra. Bởi chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tấm ảnh được chụp, hầu hết anh em cán bộ chiến sĩ có mặt trong tấm hình ấy đều đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc vào tháng 2-1979.

Bất khuất Pò Hèn

Ngày chúng tôi đang trên đường lên đồn biên phòng Pò Hèn cũng đang vào những ngày đầu tháng 2 lịch sử. Giai điệu của ca khúc Bài ca trên đỉnh Pò Hèn cứ vang vọng trong chúng tôi với âm hưởng núi rừng vừa rạo rực vừa bi tráng: Ai về núi Pò Hèn, theo đường nam Thán Pún thân quen/Nhớ mãi cái tên đã trở thành bất tử... Bài hát ấy viết về một nữ liệt sĩ hi sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nhưng đó cũng chính là hình ảnh có sức khái quát về cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của quân dân trên mặt trận Đông Bắc ba mươi tư năm trước. (Cũng thật bất ngờ khi chúng tôi biết ca khúc nổi tiếng về Pò Hèn này được sáng tác bởi nhạc sĩ Thế Song - bởi ông cũng chính là tác giả của bài hát Nơi đảo xa đầy xúc động về niềm tin yêu dâng hiến vô bờ bến với Tổ quốc của các chiến sĩ đang bảo vệ những hòn đảo phên giậu giữa trùng dương).

Tuyến đường từ Bắc Phong Sinh sang Pò Hèn chạy dọc dòng Ka Long, con sông đang làm nhiệm vụ phân giới lịch sử, xuyên qua màn mưa xuân rây bụi nhuốm màu quan ải, hoa đào ngày giáp tết bắt đầu bung cánh, có chút gì gợi nhớ tháng 2 xưa.

Những người lính trong tấm ảnh đen trắng treo ở đồn Pò Hèn không còn ai sinh sống ở địa bàn Pò Hèn nữa. Ngoài hầu hết anh em có mặt trong tấm ảnh đã hi sinh, vài người may mắn còn sống sau cuộc chiến, có người về quê cũ cặm cụi với ruộng nương, có người đang vui vẻ với nghề xe ôm, cũng có người may mắn hơn trong chuyện kinh doanh, đời sống tạm ổn. Nhưng ký ức đời lính và tuổi trẻ vẫn thao thức trong họ.

Ký ức hào hùng

Trước khi bắt đầu hành trình gặp lại những người cựu binh xưa để hình dung tháng 2 ngày ấy, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Minh nằm ngay trước cổng đồn biên phòng Pò Hèn. Căn nhà xây đã cũ với tường trắng và cửa sổ sơn xanh, góc sân là vài két vỏ bia nhãn hiệu Hà Nội và đàn vịt kiếm ăn thơ thẩn, trước hiên nhà treo chiếc lồng có con chim khướu hót vang. Khung cảnh ấy rất đỗi yên bình nhưng ký ức của người phụ nữ sắp vào tuổi 60 này lại không hề bình yên.

Năm 1978, khi mới 22 tuổi, từ Thủy Nguyên, Hải Phòng, cô thanh niên xung phong Minh theo bạn bè ra biên giới làm công nhân lâm nghiệp của Lâm trường Hải Ninh, nằm trên địa bàn xã Pò Hèn. Những ngày tháng ấy tình hình biên giới đã bắt đầu phức tạp, những công nhân lâm trường như Minh hay những công nhân thương nghiệp của khu vực này cũng là một lực lượng tự vệ dự bị khi nguy cấp. Biết là nguy cấp song không ai ngờ tất cả đã xảy ra quá nhanh. “Tờ mờ sáng 17-2-1979, vừa thức giấc thì tôi nhìn thấy mấy phát pháo hiệu vút lên, chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã nghe tiếng súng đạn nổ ầm ầm váng trời...”.

Câu chuyện về cuộc chiến đấu ác liệt của buổi sáng 17-2 ba mươi tư năm trước chắc chắn không thể tóm tắt trong một bài báo nhỏ, nhưng có lên đến đây, ngồi rưng rưng đọc những dòng quân sử (dù chỉ của một đồn biên phòng trong hàng chục đồn dọc dài theo biên giới vào thời khắc lịch sử ấy) chúng tôi đủ hình dung tất cả, bởi cuộc chiến năm xưa không chỉ khốc liệt và bi tráng trong những hồi ức người lính.

Trên nền doanh trại cũ của đồn Pò Hèn thuở ấy, chính trên mảnh đất thấm máu hàng chục liệt sĩ của đồn, một đài tưởng niệm đã được dựng lên. Hai bên đài tưởng niệm là hai nhà bia với tấm bia lớn khắc tên tuổi 86 liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Pò Hèn này. 13 liệt sĩ khác cũng là cán bộ chiến sĩ của đồn Pò Hèn hi sinh sau đó, từ sau ngày 17-2-1979 cho đến năm 1991.

Liệt sĩ cuối cùng của đồn được khắc tên trên nhà bia là Nguyễn Văn Khánh, quê ở Lạng Sơn, sinh năm 1970 và hi sinh năm 1991. Còn dòng tên liệt sĩ được khắc đầu tiên mang số thứ tự 01 là Đỗ Sĩ Họa, trung úy, đồn phó. Một ngày trước khi diễn ra trận đánh vào rạng sáng 17-2-1979 ấy, đồn trưởng Vũ Ngọc Mai được lệnh về họp khẩn ở tiểu khu Móng Cái, khi địch tiến công đồn, Đỗ Sĩ Họa là đồn phó quân sự, nhận nhiệm vụ thay đồn trưởng trực tiếp chỉ huy đồng đội chiến đấu và anh đã anh dũng hi sinh.

Trên bức tường truyền thống của đồn Pò Hèn, Đỗ Sĩ Họa có một tấm hình đen trắng và cũng được chụp cùng thời điểm với bức ảnh chung anh em trong đồn, chưa đầy hai tháng trước khi anh hi sinh. Trong ảnh là một chàng sĩ quan trẻ đẹp trai với ánh nhìn cương nghị. Anh sinh năm 1947 ở thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ngày hi sinh anh mới vừa 32 tuổi. Tháng 12-1979, Đồn biên phòng Pò Hèn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất. Cũng vào thời điểm cuối năm 1979 ấy, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được phong tặng danh hiệu anh hùng.

__________________

Kỳ cuối: Pò Hèn còn mãi khúc ca...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên