15/02/2013 10:30 GMT+7

Tượng đài nơi biên viễn

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Như một thông lệ, nhiều năm nay đồng hành với những chương trình trao quà xuân cho các em học sinh vùng cao của Tuổi Trẻ luôn là các chiến sĩ biên phòng. Và cứ mỗi lần ghé những đồn biên phòng trên biên giới vào dịp tết, trong mỗi chúng tôi đều dâng lên những cảm xúc khó tả.

Những ngày tết Quý Tỵ, đoàn công tác báo Tuổi Trẻ chúng tôi ngược quốc lộ 18 đến mảnh đất biên viễn thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ biên phòng đồn biên phòng Pò Hèn (TP Móng Cái) và Quảng Đức (huyện Hải Hà) thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Một ngày xuân bi tráng...Pò Hèn còn mãi khúc ca

Y0fPDdob.jpgPhóng to
Đài tưởng niệm và đền thờ liệt sĩ hi sinh tháng 2-1979 trên đỉnh Pò Hèn - Ảnh: Ngọc Quang

Về với Pò Hèn

Khoảng 10 năm trước, chúng tôi đã một lần qua Pò Hèn, tới Hải Sơn - xã nghèo nhất của TP Móng Cái (nơi đồn biên phòng Pò Hèn đồn trú) để viết về những công nhân trẻ mặc áo lính (thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 327 - Quân khu 3) tình nguyện lên vùng biên giới tham gia xây dựng, phát triển kinh tế. Khi đó đoạn đường duy nhất dài trên 30km từ trung tâm Móng Cái về Pò Hèn còn quá gian nan.

Gặp ngày mưa, phải đi mất nửa ngày cho 30km đường núi mới đến được. Mà vùng biên này thì gần như quanh năm ẩm ướt, sương mù nặng hạt chẳng khác gì mưa. Chuyến đi này thay vì về Móng Cái chạy lên Pò Hèn theo đường cũ, nay chúng tôi theo quốc lộ 18 đến cửa ngõ thành phố Móng Cái rồi rẽ trái theo tỉnh lộ 340 chạy lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, từ đó chạy dọc sông Ka Long thêm 6km sang Pò Hèn. Mấy chục năm trước, Bắc Phong Sinh cũng là một trạm biên phòng trực thuộc đồn Pò Hèn, sau đó để đáp ứng yêu cầu mới, đồn biên phòng Quảng Đức được thành lập và trạm kiểm soát biên phòng Bắc Phong Sinh thuộc về đồn Quảng Đức, bởi thế Pò Hèn không chỉ giới hạn trong địa bàn một thôn của xã Hải Sơn như hôm nay.

Nhắc đến Pò Hèn là nhắc đến cả một vùng đất biên viễn đã đi vào sử sách trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc mấy chục năm trước!

Tỉnh lộ 340 là con đường mới trải nhựa phẳng lì cắt từ km 272+200 của quốc lộ 18 chạy thẳng đến khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, xuyên qua các xã vùng biên vừa được thông xe, chỉ mất hơn 20 phút cho đoạn đường núi gần 17km. Hai bên đường những rừng quế, rừng kim giao ướt đẫm mưa sương lá xanh lấp loáng.

Và thật bất ngờ khi ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, chúng tôi nhìn thấy khá nhiều ôtô vào loại đắt tiền nhất hiện nay như BMW, Mercedes, Porsche... đang nằm trên bãi, đó là những chiếc xe tạm nhập về VN rồi tái xuất qua Trung Quốc qua đường cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Ba mươi mấy năm qua, hình ảnh con đường thênh thang, một cửa khẩu giao thương được xây dựng quy mô, những chuyến hàng trị giá lớn... có thể gieo niềm vui hòa bình trên mảnh đất biên viễn, nhưng mùa xuân hoa đào nở thắm vẫn gợi những nỗi niềm...

CNuRFYK2.jpgPhóng to
PV Tuổi Trẻ lắp ráp và hướng dẫn sử dụng máy tính ở đồn biên phòng Quảng Đức - Ảnh: N.Quang

Đài tưởng niệm giữa biên cương

Đoàn công tác báo Tuổi Trẻ đã trao hai phần quà cho hai đồn biên phòng Pò Hèn và Quảng Đức, quà gồm hai dàn máy vi tính trị giá 20 triệu đồng của bạn đọc Tuổi Trẻ và hai tủ sách trị giá 10 triệu đồng (do Nhà xuất bản Trẻ nhờ chuyển tặng). Trung tá Chu Văn Lạc, đồn trưởng đồn biên phòng Pò Hèn và thượng tá Vũ Hồng Sơn, đồn trưởng đồn biên phòng Quảng Đức, đã cảm ơn sự chia sẻ khó khăn, quan tâm động viên của báo Tuổi Trẻ tới cán bộ, chiến sĩ nơi biên ải. Các anh cũng coi đây là “món quà có giá trị rất lớn về tinh thần đối với anh em bộ đội biên phòng chúng tôi”.

Thượng tá Bùi Văn Điểm, chính trị viên và trung tá Chu Văn Lạc, đồn trưởng đồn biên phòng Pò Hèn, đón chúng tôi với những cái siết tay thật chặt. Thượng tá Điểm phấn khởi: “Tết này hầu như 100% quân số phải trực tại đồn, nhưng mấy ngày qua anh em chúng tôi rất vui vì có nhiều đoàn khách tỉnh, thành phố đến thăm chúc tết. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao từ trung ương cũng về thăm Pò Hèn, viếng các liệt sĩ Pò Hèn. Vui lắm khi Pò Hèn vẫn luôn được mọi người nhớ đến”.

Khi chúng tôi vừa ngồi ở phòng khách đồn chưa ấm chỗ, đồn lại đón thêm một đoàn khách của Sở NN&PTNT Quảng Ninh đến thăm. Chính trị viên Bùi Văn Điểm cho biết mấy năm vừa qua trung ương đầu tư xây kè tại một số điểm dọc sông Ka Long trên địa bàn đồn quản lý, Sở NN&PTNT đã phối hợp rất chặt chẽ với đồn để thi công phần việc vô cùng ý nghĩa này. Giờ đi dọc sông trên con đường nhựa phẳng lì, phía dưới bờ sông đã được xây kè chắc chắn thì không chỉ 1.300 đồng bào Dao, Sán Chỉ, Kinh nơi đây phấn khởi, mà ngay cả anh em cán bộ chiến sĩ cũng vui trước sự quan tâm của chính quyền.

Thượng tá Bùi Văn Điểm tự hào: đồn Pò Hèn đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tháng 12-1979 đồn được phong danh hiệu Anh hùng vì đã anh dũng chiến đấu và hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biên giới, và đến năm 2000 đồn biên phòng Pò Hèn một lần nữa vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong bảo vệ biên giới, xây dựng bản làng, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc nơi đồn đóng quân.

Hôm sau ra UBND xã Hải Sơn, gặp chủ tịch xã Lê Văn Phong mới hay Phong cũng là một trong số những người dân góp phần vào thành tích để đồn được phong Anh hùng lần thứ hai. Bởi trong số 1.269 nhân khẩu của xã Hải Sơn, có rất nhiều người theo tiếng gọi ra xây dựng quê hương mới trên tuyến biên cương mà quê gốc ở tận Hưng Yên, Hải Dương và khá nhiều người quê từ Tiên Yên (một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh)...

Quê của Phong cũng ở tận Hưng Yên, ra đây khi còn rất trẻ và giờ đã là chủ tịch của xã biên giới này.Trợ lực cho Phong còn có đại úy Đinh Trường Sơn, một sĩ quan của đồn Pò Hèn được tăng cường về làm phó bí thư xã Hải Sơn theo mô hình đưa sĩ quan biên phòng về tham gia cấp ủy các xã biên giới.

xY15RGzd.jpgPhóng to
Bên trong đền thờ các liệt sĩ Pò Hèn đã hi sinh vào tháng 2-1979 - Ảnh: N.Quang

Từ tầng hai của đồn, chúng tôi nhìn lên phía đồi Pò Hèn, nơi vị trí đóng quân của đồn xưa, đang sừng sững một đài tưởng niệm vút cao. Hai năm trước, tháng 1-2011, bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã khánh thành công trình đài tưởng niệm một ngôi đền thờ những liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên cương tổ quốc tháng 2-1979, cũng được xây dựng cạnh đài tưởng niệm từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân trên địa bàn Quảng Ninh.

“Không ai, không điều gì bị lãng quên” - có thể có lúc nào đó nhiều câu chuyện đã nén lòng lắng lại, nhưng giữa lòng dân, tuổi tên những người yêu nước luôn được tôn thờ. Và chúng tôi đã thảng thốt gặp trên bức tường phòng khách đồn biên phòng Pò Hèn những tấm ảnh ố màu năm tháng mà thức gợi bao nhiêu năm tháng không thể nào quên.

___________

Kỳ tới: Một ngày xuân bi tráng

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên