Ông Biden tới Israel: Một chuyến đi nhiều bất trắc

DANH ĐỨC - H.MINH 21/10/2023 10:34 GMT+7

TTCT - Ngày 17-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bay sang Israel để thể hiện sự ủng hộ của ông với đồng minh số 1 của Mỹ ở Trung Đông, chỉ vài giờ sau khi một vụ nổ tại Bệnh viện Al Ahli Arab làm hàng trăm người thiệt mạng.

Những tang thương ở Gaza không biết bao giờ mới kết thúc. Ảnh: Al Jazeera

Những tang thương ở Gaza không biết bao giờ mới kết thúc. Ảnh: Al Jazeera

Hamas nói vụ nổ là do Israel không kích, trong khi quân đội Israel đổ lỗi cho tên lửa của Tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) - nhóm vũ trang còn cực đoan hơn Hamas tại Gaza. (PIJ đã phủ nhận cáo buộc này). 

Vụ việc đã khiến Jordan hủy một hội nghị đã lên lịch tại Amman với ông Biden và các nhà lãnh đạo Ai Cập, Palestine, nhằm thảo luận tình hình Gaza. 

Tổng thống Mỹ và phái đoàn của ông sẽ thật sự ở tâm điểm bão lửa trong chuyến thăm, khi khắp khu vực, những cuộc biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn bày tỏ cơn thịnh nộ với chính sách đối ngoại được cho là thiên vị của Mỹ và sự ủng hộ gần như vô điều kiện của họ với Israel. 

Những hỗn loạn đe dọa các nỗ lực của ông Biden nhằm giải thoát các con tin đang bị Hamas bắt giữ và tạo ra hành lang an toàn cho người nước ngoài rời Gaza.

Tổng thống Mỹ đã được nhóm an ninh quốc gia báo cáo tình hình và trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, người vừa có chuyến đi con thoi ở vùng này từ cuối tuần trước. Ông Biden cũng đã trao đổi với Quốc vương Jordan Abdullah II và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, theo một thông báo phát đi từ Nhà Trắng.

"Mỹ có lập trường dứt khoát là bảo vệ sinh mạng dân thường trong xung đột và chúng tôi bày tỏ sự thương tiếc với những bệnh nhân, nhân viên y tế và người vô tội đã bị giết hại hay bị thương trong thảm kịch này", ông Biden nói trong một tuyên bố. 

Thậm chí từ trước vụ nổ, chuyến đi gấp gáp của ông tới Israel đã đầy những rủi ro ngoại giao, chính trị và an ninh. 

Được mất chính trị với ông Biden là không ít, khi năm bầu cử 2024 đã tới gần, và nhất là bởi vào đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông đã thề sẽ chấm dứt "những cuộc chiến tranh vô tận" mà nước Mỹ đã vướng vào hai thập niên qua, nhưng đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Israel.

"Nếu quả thật vụ tấn công bệnh viện là do Israel bắn nhầm, thì ảnh hưởng của tổng thống với Netanyahu sẽ nhanh chóng bị thử thách", theo lời Jonathan Panikoff, giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là một cựu quan chức tình báo Mỹ.

Một người phát ngôn Nhà Trắng nói ông Biden dự tính sẽ nêu ra "nhiều câu hỏi khó" với ông Netanyahu và giới lãnh đạo Israel. 

Một mục đích quan trọng không kém của chuyến đi là Mỹ hy vọng sự có mặt của ông Biden sẽ phát đi thông điệp cảnh báo rõ ràng cho bất kỳ bên thứ ba nào đang có ý định can dự vào tình hình khu vực, dù là các quốc gia hay tổ chức vũ trang, như Hezbollah được Iran hậu thuẫn.

Ngoài ra, ông Biden được trông đợi sẽ thúc đẩy việc Hamas giải cứu các con tin họ đang giữ. Giới chức Mỹ, qua trung gian Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước khác có quan hệ với Hamas, đang nỗ lực dàn xếp một thỏa thuận. Nhưng cũng có lo ngại là sự có mặt của ông Biden sẽ làm phức tạp thêm tình hình, nhất là nếu ông bày tỏ ủng hộ chiến dịch mà Israel đang dự tính mở trên bộ để "nhổ tận gốc" Hamas.

Các tổng thống Mỹ nói chung không ngại bay tới những vùng chiến sự, một phần quan trọng bởi đó là dịp tốt để ghi điểm chính trị. 

"Chuyến đi không hẳn chỉ là để kiếm điểm chính trị, nhưng nó định hình người chính trị gia Biden", Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, bình luận. "Ông ấy tin ở các mối quan hệ cá nhân, gặp gỡ trực tiếp, nghe cam kết trực tiếp và sự thay đổi thái độ. Với ông ấy, đây đúng là vận động tranh cử mở rộng".

Cuộc ngoại giao con thoi của ông Blinken ở Trung Đông tuần trước có thể báo trước thái độ dành cho ông Biden từ giới lãnh đạo khu vực. 

Tổng thống Ai Cập Sisi khi tiếp ông Blinken ở Cairo, đã nói với giọng điệu khá gay gắt: "Ông nói ông là người Do Thái, và tôi là người Ai Cập lớn lên cạnh những người Do Thái ở Ai Cập... Họ chưa bao giờ bị đàn áp hay là mục tiêu đàn áp, ở đất nước chúng tôi chưa bao giờ có chuyện đó, dù là hiện tại hay quá khứ xa xôi".

Ở Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman đã bắt ông Blinken đợi nhiều tiếng đồng hồ mới chịu gặp. Rồi trong cuộc gặp, ông bin Salman yêu cầu Israel "chấm dứt ngay chiến dịch quân sự đang tước đi sinh mạng của nhiều người vô tội". Riyadh cũng đã tạm đình chỉ các cuộc thương lượng bình thường hóa quan hệ với Israel vốn được Mỹ hậu thuẫn.

"Những vấn đề tại chỗ ở mức độ phức tạp nhất mà một người thương thuyết có thể hình dung ra được", cựu đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập Daniel Kurtzer nói. "Vài ngày tới sẽ hết sức thách thức, nhất là vấn đề nhân đạo".■

Chuyện bảo vệ an toàn, an ninh ông Biden khi ông tới thăm Israel giữa cuộc chiến bất quy tắc với Hamas đã được mọi phía lo từ lâu rồi. Cơ bản là hơn 10 ngày qua kể từ khi bắt đầu chiến sự với Hamas, Hamas vẫn không chạm tới được một số vị trí cơ yếu và chiến lược của Israel, đặc biệt là các căn cứ không quân.

Được biết không quân Israel trải lực lượng đông đến 34.000 quân nhân hiện dịch, 55.000 quân nhân dự bị, cùng 684 máy bay các loại khắp 9 căn cứ trên khắp đất nước chỉ rộng hơn 22.000km².

Dù ngày 7-10 đã được xem là một vụ "11 tháng 9" của Israel, song từ đó tới nay họ chưa chịu thiệt hại nào ở các căn cứ không quân.

Hệ thống phòng không "Vòm sắt" và các lực lượng tình báo có thể lỏng ở đâu, chớ không phải ở các lực lượng không quân, cũng là lực lượng chính của cuộc chiến với Hamas cho đến nay. Có những ngày các phi công Israel xuất kích tới 4 phi vụ thả bom xuống Dải Gaza, theo một phóng sự của truyền hình Pháp.

Hệ thống "Vòm sắt" không chỉ bảo vệ các căn cứ này trong tầm gần mà nhất là tầm xa, trước những đe dọa không phải từ Hamas, mà là xa hơn nữa.

Đó cũng chính là lý do thầm kín khiến hải quân Mỹ điều động tàu sân bay thứ nhì, chiếc USS Gerald Ford, đến khu vực đông Địa Trung Hải trực chiến cùng tàu sân bay USS Roosevelt để bảo vệ ông Biden khi ông đến Israel.

Sức nặng của cặp tàu sân bay này còn là hải đội tùy tùng, như hải đội tàu khu trục hộ tống USS Gerald Ford gồm 5 chiếc lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa Tomahawk Block II có tầm bắn xa tới 2.500km.

Đó là chưa kể theo tờ Wall Street Journal thì Mỹ đã sẵn sàng khoảng 2.000 binh sĩ được "tuyển chọn" để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra nhằm hỗ trợ Israel.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận