22/02/2023 09:16 GMT+7

Rượu bia sao xẻ làm đôi?

Chúng ta vẫn thường thấy trên đường những tấm pa nô (theo nhiều kích cỡ khác nhau) của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia với lời nhắc nhở, cảnh báo: "Đã uống rượu, bia (xuống hàng) không lái xe".

Sao lại cắt đôi, bẻ nửa chữ bia rượu? - Ảnh: D.TRƯỜNG

Sao lại cắt đôi, bẻ nửa chữ bia rượu? - Ảnh: D.TRƯỜNG

1. Chuyện cần bàn ở đây là cái dấu phẩy nằm giữa rượu và bia! Bằng việc sử dụng hai từ một tiếng, phải chăng cơ quan chức năng thể hiện sự phân biệt rạch ròi giữa rượu với bia?

Có người cắc cớ hỏi: Vậy sau khi đã uống nước giải khát có cồn, vốn không phải là rượu, cũng chẳng phải là bia, thì được phép lái xe sao? Theo logic pháp lý, cái gì luật pháp không cấm thì ta có thể...

Từ hai tiếng "rượu bia", vốn hàm chứa nghĩa tổng thể về mọi loại thức uống có cồn, sao lại bị cắt đôi, bẻ nửa làm chi?!

Trong đại dịch vừa qua, hệ thống chỉ đạo phòng chống dịch từ trung ương đến cấp cơ sở đều thống nhất mang tên "Ban chỉ đạo phòng, chống [cấp] dịch COVID-19", có dấu phẩy ngăn cách phòng và chống.

Thực tế cho thấy thật khó lòng tách rời, khó lòng làm rõ đâu là những biện pháp/ hoạt động/ giải pháp phòng dịch với đâu là những biện pháp/ hoạt động/ giải pháp chống dịch.

Chẳng hạn các giải pháp phục hồi kinh tế là nhằm mục đích phòng dịch hay chống dịch, hay cả hai? Hơn nữa, sự phân chia này chẳng để làm gì, chẳng có ý nghĩa gì: Việc tiêm vắc xin với từng cá nhân là để phòng dịch, nhưng với cả cộng đồng, với cả quốc gia lại chính là để chống dịch!

Cho nên, nếu chúng ta lấy tên là "Hội Cha, (có dấu phẩy) mẹ học sinh" thì làm sao mà ông bà nội ngoại, cô chú cậu dì, thậm chí anh chị có thể đến trường dự họp thay cha mẹ được!

2. Tiếng Việt có một lớp từ ghép đẳng lập (còn gọi là từ ghép song song), được cấu tạo bằng hai từ đơn (từ một tiếng) đồng nghĩa/ gần nghĩa/ cùng phạm trù nghĩa: đất cát, núi sông, quần áo, nhà cửa, cơm nước, chèo chống, chờ mong, vuông tròn, khỏe mạnh, cay đắng...

Có cả danh từ, động từ và tính từ. Chúng tạo ra nghĩa tập họp, nghĩa tổng thể, nghĩa khái quát, hơn nữa còn là nghĩa hình tượng.

Đất cát (danh từ), ngoài việc là "đất có thành phần chủ yếu là những hạt như cát, dễ làm, dễ thấm nước" (khoai lang ưa đất cát), còn dùng để phân biệt với đất thịt, còn là "nói khái quát về đất trồng trọt" (đất cát màu mỡ).

Chèo chống (động từ), không chỉ là "nói khái quát, chèo và chống đưa thuyền đi" mà còn là "xoay xở, đối phó với khó khăn" (một mình chèo chống nuôi con). Vuông tròn (tính từ): tốt đẹp về mọi mặt (trăm năm tính cuộc vuông tròn)... (Xem Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2016; các trang 375, 186 và 1437).

Thú vị và đặc sắc hơn, kiểu kết hợp này (GS Phan Ngọc gọi là kết hợp ngang) dẫn đến một lớp từ vựng mà nhà nghiên cứu - dịch giả này khẳng định "rất khó dịch ra tiếng châu Âu": "Nó (tức tiếng Việt - người viết) dùng kết hợp ngang để chỉ các mức độ khái quát khác nhau.

Rộng nhất là sự kết hợp hai khái niệm phản nghĩa" (Xem Phan Ngọc, Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả, NXB Thanh Niên, 2000, trang 63).

Đó là những thành bại, sinh tử, tồn vong, vinh nhục, khinh trọng, ưu khuyết, ngắn dài, xưa nay, trước sau, trên dưới... trong tiếng ta.

Không hiểu rõ, không nắm chắc kiểu cấu tạo từ này, chúng ta đã gây hại khi tìm cách bổ đôi một từ hai tiếng vốn có sức diễn đạt rộng hơn, khái quát hơn, trừu tượng hơn, có tính biểu trưng hơn!

Thật đáng tiếc, khi vầng trăng đẹp lung linh phải chịu cảnh xẻ nửa, chia hai, cắt rời!


Báo Tuổi Trẻ (ngày 16 và 17-2) có một phóng sự hai kỳ ghi nhận về thực trạng hiện nay khi khắp nơi thiên hạ đang săn lùng, mua bán "báu vật" sâm Ngọc Linh.

Tít chung của phóng sự này là "Bi, (dấu phẩy) hài săn sâm quý". Bi hài, trong ngữ cảnh này, nào phải đâu là phép cộng của những điều gây thương cảm (bi) với những sự, những việc có thể gây cười (hài), mà chính là cái thật giả lẫn lộn, cái đảo điên rối ren đã gây nên những cảnh dở khóc dở cười, nói khóc cũng được mà nói cười cũng được, hoặc có khi khóc cũng khó mà cười càng khó hơn!

Tiếng nước tôi: Mẹo lên ngôi "vua tiếng Việt"Tiếng nước tôi: Mẹo lên ngôi 'vua tiếng Việt'

TTO - Theo dõi chương trình Vua tiếng Việt của VTV3 suốt 10 số và thấy chưa có thí sinh nào vượt qua được phần tìm từ theo các chữ cho trước, giáo sư - nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân gửi đến Tuổi Trẻ bài viết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên