Đứng sau các tác phẩm này là Tô Quốc Nghi (sinh năm 1989), người sáng lập dự án Đại Việt Kỳ Nhân - minh họa lại hình ảnh và câu chuyện về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như các vị vua, quan, binh sĩ… thông qua boardgame, sách, lịch, tượng resin…
Anh Nghi chia sẻ khi trò chuyện với những người đến từ Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ, anh nhận thấy hầu hết các nước này đều xây dựng và thể hiện các nhân vật lịch sử dưới nhiều hình thức như phim ảnh, truyện, mô hình… Đôi khi các sản phẩm này trở thành làn sóng xâm thực văn hóa.
Chia sẻ trăn trở này với một người bạn làm họa sĩ, cả hai nhận thấy Việt Nam đang thiếu những sản phẩm minh họa hình ảnh các nhân vật lịch sử và quyết định thực hiện dự án Đại Việt Kỳ Nhân, bỏ tiền túi nuôi đam mê.
Tuy chỉ là tranh minh họa, nhưng để đảm bảo mức độ chính xác về lịch sử, dự án sử dụng thông tin từ các nguồn tư liệu có sẵn và uy tín như sách Đại Việt sử ký toàn thư hay Đại Nam thực lục.
Bên cạnh đó, anh Nghi cũng liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa như nghệ sĩ Thành Lộc, họa sĩ - nhà nghiên cứu lịch sử Phan Thanh Nam để nhờ cố vấn.
Trong nhóm của anh Nghi cũng có một thành viên giữ vai trò cố vấn nội dung, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khảo cổ học tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Đến nay, dự án đã vẽ trên 300 nhân vật bao gồm các vị vua, tướng, binh sĩ, các làng nghề, nghệ sĩ nhân dân…
Trong quá trình thiết kế, bên cạnh việc xây dựng hình ảnh các nhân vật lịch sử gần gũi và dễ tiếp cận giới trẻ, nhóm thực hiện dự án vẫn phải đảm bảo các tiêu chí thẩm mỹ, màu sắc phảng phất văn hóa Việt Nam, không quá bay bổng hay "anime hóa" khiến người xem liên tưởng đến nét vẽ của các nước khác.
Nhóm dựa vào mô tả của từng nhân vật, sau đó kết hợp với các yếu tố về nhân trắc học để phác họa hình ảnh gương mặt sao cho chính xác nhất.
Nguyễn Ngân Huệ, thành viên dự án Đại Việt Kỳ Nhân, cho biết nhóm nhận thấy một trong những điểm yếu lớn nhất hiện nay khiến người trẻ Việt không "mặn mà" với lịch sử là do hình thức thể hiện thông tin khô khan, thiếu sự sáng tạo.
Trong khi đó, ngày nay các bạn trẻ có quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn để giải trí. Huệ trăn trở không nhiều người trẻ từng dừng lại và đặt câu hỏi về nhân vật lịch sử đứng sau các bảng tên đường - một trong những điều thân thuộc nhất trong cuộc sống thường nhật.
Để giải quyết vấn đề này, Đại Việt Kỳ Nhân đã đầu tư kỹ lưỡng vào hình ảnh. Với các bài đăng về thông tin của các nhân vật lịch sử trên mạng xã hội, nhóm cũng lưu ý thiết kế sao cho tít tựa, nội dung thu hút bạn đọc trẻ.
Phần hình ảnh được anh Nghi làm chỉn chu đến mức có lúc nhóm họa sĩ vẽ từ 20 - 30 phiên bản chỉ để chọn ra 2-3 phiên bản đẹp và chính xác nhất.
Dự kiến dự án sẽ xuất bản quyển sách mang tên Đại Việt Kỳ Nhân: Nhân vật lịch sử Việt Nam minh họa bằng tranh vào tháng 6-2024, đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm boardgame - lấy cảm hứng từ trò chơi karuta truyền thống của Nhật Bản, trong đó người quản trò sẽ đọc thông tin của nhân vật lịch sử và người chơi nhanh chóng chụp lấy lá bài có thông tin của nhân vật đó.
"Tôi đã dành nửa năm để suy nghĩ về hình thức của bộ boardgame, vì ngay từ đầu chúng tôi xác định sứ mệnh của dự án là giúp người trẻ biết thêm về lịch sử dân tộc.
Vì vậy, trò chơi không chỉ đơn thuần có tính giải trí mà còn phải có giá trị giáo dục", anh Nghi cho biết.
Dù gặp không ít khó khăn khi thu thập tư liệu lịch sử, những người trẻ đứng sau dự án Đại Việt Kỳ Nhân cho biết mỗi khi đọc được những bình luận, trao đổi của cộng đồng bên dưới ảnh của các nhân vật lịch sử hoặc những lời cảm ơn vì đã hình tượng hóa các nhân vật, cả nhóm cảm thấy vô cùng hạnh phúc và lấy đó làm động lực để bước tiếp.
"Lịch sử Việt Nam rất đáng tự hào, với nhiều giai đoạn và mỗi thời kỳ đều rất hào hùng.
Chúng tôi mong sẽ là những người trẻ góp phần gầy dựng lại những giá trị văn hóa - lịch sử, hạn chế tình trạng xâm thực văn hóa từ các quốc gia khác. Ngày nào còn các nhân vật lịch sử, ngày đó chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực lan tỏa các giá trị của dự án Đại Việt Kỳ Nhân đến cộng đồng", anh trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận