Đó là lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ vào đầu tháng 9-2021, thời điểm mà bóng ma đại dịch vẫn còn lởn vởn trong đời sống chúng ta, nỗi đau nó gây ra vẫn còn nhức buốt.
Câu hỏi là: "Anh có định viết về thời kỳ COVID đặc biệt này không"? Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã trả lời như trên và: "Nếu có câu chuyện hợp với tạng thì tôi viết, có thể là 5 năm, 10 năm nữa, cũng có thể là năm sau tôi sẽ viết nhưng chưa phải bây giờ".
Rồi những tháng ngày đầu tiên của đại dịch Covid-19, tôi có đọc một bài viết đại ý rằng: văn chương thời điểm đó thiếu vắng những tác phẩm mang hơi thở thời sự, có thể bầu bạn, an ủi, thậm chí là động viên con người, vựa dậy tinh thần cộng đồng giữa thời điểm khi mà cái chết cận kể, và đại dịch là chủ đề chung của toàn nhân loại lúc bây giờ.
Tôi có thể hiểu những cách đặt vấn đề như vậy.
Đơn đặt hàng của thực tại
Tôi tin vào khả năng dự cảm của văn chương lẫn khả năng chiêm nghiệm, đúc kết của nó. Vượt qua tính cấp thời, một tác phẩm văn chương phải ở lại với đời kể cả khi những sự kiện nó mô tả qua đi, rất lâu, rất lâu, như cái cách mà độc giả hôm nay vẫn tìm những Chiến tranh và hòa bình, Đỉnh gió hú, Trăm năm cô đơn.
Và lần về quá khứ, tới thời mình chưa từng sống để kiến tạo nên một thế giới bằng ngôn từ cũng là con đường mà nhiều nhà văn đã chọn để khởi đầu một sự nghiệp văn chương như Kazuo Ishiguro với Cảnh đồi mờ xám, Một họa sĩ phù thế, Tàn ngày để lại…
Ta có thể xem những đòi hỏi văn chương phải bắt cùng nhịp với đời sống là những đơn đặt hàng của thực tại, những mong cầu của độc giả dành cho nhà văn, nhất là những tác giả trẻ, những người đang đồng hành với các độc giả thuộc thế hệ mình.
Rõ ràng, đã có những tác phẩm viết về đại dịch ra đời mà không cần phải chờ đến 5 năm hay 10 năm. Chậm nhưng không phải là quá chậm.
Những tác phẩm này nhắc nhở chúng ta về tháng ngày gian khổ đã qua, về cách con người sống, phải sống và vượt qua, về cách chúng ta đã yêu thương san sẻ với nhau trong nguy khốn.
Tôi cũng hiểu vì sao độc giả cần đòi hỏi ở văn chương, vì mỗi giai đoạn trong cuộc đời, tôi cũng đã muốn tìm một tác phẩm phù hợp, có khả năng đối thoại với mình.
Chẳng hạn trong thời "giãn cách xã hội", trên những chuyến xe hàng tư nhân cuối cùng hối hả vận chuyển lương thực nhu yếu phẩm vào thành phố, tôi đã nhờ người nhà ở quê chuyển kèm cho mình quyển tiểu thuyết Amrita của Banana Yoshimoto.
Tác phẩm của nữ văn sĩ người Nhật này xuất bản vào thập niên 1990. Nó chẳng nói gì về dịch bệnh hay chuyện con người phải thu mình trong nhà, khi mà "người giàu cũng khóc".
Nhưng nó nói về cuộc sống thường hằng, về những con người bình dị tan loãng giữa dòng đô thị hiện đại hối hả.
Những con người chịu tổn thương, hứng lấy cái bi kịch mất mát người thân một cách đột ngột. Họ đang vật lộn từng ngày từng giờ để tiếp tục sống, sống thật ý nghĩa.
Đó là cách mà văn chương có thể chữa lành từ rất lâu trước khi hai tiếng "chữa lành" bị lạm dụng, trở thành sáo ngữ, thành một cái nhãn để tiếp thị bán mua.
Amrita trong tiếng Nhật có nghĩa là nước thánh, một giọt nước thánh có thể gột rữa tâm hồn của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Như lý do người ta còn tìm đến văn chương, tìm đến một tác phẩm ra đời rất lâu và dường như chẳng có dấu tích gì của cái mà ta gọi là thời sự.
Người trẻ viết
Văn nghiệp của Banana Yoshimoto còn nhiều tác phẩm đáng chú ý. Cũng không ít ý kiến phê bình những tác phẩm của bà là bi quan, yếm thế, là thổi phòng nỗi cô đơn của tuổi trẻ. Một tuổi trẻ thiếu vắng ý chí, sức mạnh.
Gần đây, trong một buổi giao lưu với các tác giả trẻ ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), có độc giả ý kiến rằng, phải chăng văn chương của tác giả trẻ ngày nay đang viết quá nhiều về nỗi buồn và sự cô đơn? Điều này làm tôi nhớ lại, một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất thế giới, có tên… Trăm năm cô đơn.
Tác giả Noreena Hertz, đã đặt tên cho công trình biên khảo công phu về xã hội hiện đại là Thế kỷ cô đơn (The Lonely Century).
Trong tác phẩm này, nỗi cô đơn đã trở thành "đại dịch", ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động lên nền kinh tế.
Nếu hiểu theo cách đó, thì những người trẻ viết về nỗi cô đơn chẳng phải chính là đang bắt được cái tinh thần đương đại hay sao?
Sài Gòn xưa và TP.HCM hôm nay đang trên đà trở thành một đô thị hội nhập với thế giới.
Ngày nay, không một sự kiện, một tin tức nào diễn ra ở bất cứ đầu trên hành tinh này mà chúng ta không có khả năng tiếp cận.
Và văn chương của nhiều tác giả trẻ cho thấy mình đang trên đà hòa vào những vấn đề chung của thế giới.
Trí tuệ nhân tạo chẳng hạn. Từ một câu chuyện mang hơi hớm khoa học viễn tưởng, nó đã trở thành vấn đề sống còn đối với nhiều ngành nghề, buộc con người phải thay đổi định nghĩa về sáng tạo nghệ thuật.
Đầu năm 2024, nhà văn Rie Kudan đoạt giải thưởng văn học danh giá của Nhật, Akutagawa, đã thừa nhận rằng một số phần trong cuốn tiểu thuyết đoạt giải của mình có sự tham gia của AI.
Ta có thể tìm thấy trí tuệ nhân tạo trong cuốn tiểu thuyết mới xuất bản năm 2024, Biến thể của cô đơn của Yang Phan, một tác giả sinh năm 1994. Trong đó, trí tuệ nhân tạo hay rộng ra là công nghệ thay vì đóng vai trò kết nối, càng đẩy con người xa cách nhau thêm.
Tương tự, Dị bản - truyện dài xuất bản năm 2023 của Nguyễn Đinh Khoa cũng nói về một viễn tưởng nơi khoa học công nghệ làm chủ, nơi còn người có khả năng chỉ là một dị bản hay có thể nói là một phó bản của chính mình.
Từ Hiền Trang ở Hà Nội đến Võ Đăng Khoa ở An Giang không hẹn mà cùng nhau viết về những chủ đề mang tính phổ quát: những điều tưởng là thường hằng bị đe dọa. Thế giới
Quán bar trong bụng cá voi của Hiền Trang là nơi mà biển cùng những thứ liên quan đến biển dường như chưa bao giờ tồn tại.
Thế giới trong tập truyện Lạc đà bay của Võ Đăng Khoa là nơi đất không ngừng nở ra chia tách con người. Những điều tưởng chừng hoang đường nhưng biết đâu chừng nó có thể xảy ra?
Và một điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là những tác giả trẻ hôm nay sẽ già. Như mấy câu thơ di cảo của Lưu Quang Vũ: Rồi chúng ta sẽ trở thành những ông già và những bà già/ Trong một thế giới trẻ trung luôn đổi khác.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cố thi sĩ viết bài này năm 27 tuổi. Tuổi trẻ ngày hôm nay đọc lại những vần thơ tuổi trẻ đầy tâm trạng của ông vẫn thấy được sự đồng điệu.
Những nhà văn trẻ của năm mươi năm trước và những nhà văn trẻ của hôm nay vẫn gặp nhau trong cái quê hương ngôn từ, trong một cảm thức chung, bằng những khát khao thành thực, với sự nhạy cảm, vẫn muốn thấu hiểu và khắc họa "một thế giới trẻ trung luôn đổi khác."
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận