07/12/2023 11:23 GMT+7

Gaza khủng hoảng, ông Putin chinh phục trái tim Trung Đông?

Saudi Arabia tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp tháo gỡ căng thẳng ở Trung Đông, vào lúc thế giới Ả Rập bất mãn với hành động của Mỹ và Israel tại Dải Gaza.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong một cuộc gặp ở Riyadh ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong một cuộc gặp ở Riyadh ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS

Hôm 6-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong một cuộc họp được Hãng tin Reuters mô tả "được thu xếp một cách vội vàng", vài giờ sau khi ông Putin tới Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Saudi Arabia tin hợp tác với ông Putin giúp tháo gỡ căng thẳng Trung Đông

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Putin và Thái tử bin Salman đã thảo luận về hợp tác sâu hơn đối với giá dầu dưới tư cách các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+).

Theo ông Peskov, việc hợp tác này tập trung vào việc giữ giá dầu ở mức phù hợp và ổn định, giữa bối cảnh giá giảm bất chấp OPEC+ tuyên bố sẽ cắt giảm thêm sản lượng.

"Các bên nhất trí rằng chúng tôi có trách nhiệm lớn trong việc phối hợp, nhằm duy trì thị trường năng lượng quốc tế ở mức độ phù hợp, trong một tình trạng ổn định và có thể dự đoán", Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin.

Saudi Arabia là nước có tiếng nói lớn nhất trong OPEC, còn Nga là quốc gia đầu tàu trong nhóm đối tác OPEC. Thái tử bin Salman được cho là lãnh đạo trên thực tế tại Saudi Arabia.

Trong chuyến đi Trung Đông lần này, ông Putin cũng thảo luận về tình hình quốc tế, bao gồm chiến sự Nga - Ukraine.

Đây cũng là lần xuất ngoại hiếm hoi của nhà lãnh đạo Nga kể từ lúc Matxcơva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine tháng 2-2022.

Chuyện Ukraine khiến quan hệ của Nga với phương Tây và các đồng minh khác của Mỹ xấu đi. Nền kinh tế Nga cũng chịu áp lực từ các đợt trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc gặp chớp nhoáng giữa ông Putin và ông bin Salman có thể gợi mở nhiều điều về bức tranh quan hệ quốc tế, đặc biệt giữa Nga và Trung Đông.

Một trong những nội dung đáng chú ý là việc thái tử Saudi Arabia ca ngợi hợp tác hai nước "giúp tháo gỡ căng thẳng ở Trung Đông", theo Reuters.

Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Saudi trích lời Thái tử bin Salman nói: "Chúng tôi chia sẻ rất nhiều lợi ích và thỏa thuận đang cùng phối hợp, vì lợi ích của Nga, Saudi Arabia, Trung Đông, cũng như thế giới".

Ông Putin xây chắc quan hệ với Trung Đông

Tháp tùng ông Putin trong chuyến đi này là phái đoàn quan chức ngành dầu mỏ, kinh tế, đối ngoại, không gian, năng lượng nguyên tử… và các lãnh đạo doanh nghiệp. Theo ông bin Salman, cuộc gặp sắp tới sẽ diễn ra ở Matxcơva. Ông nói: "Không gì có thể ngăn cản sự phát triển trong quan hệ hữu nghị của chúng tôi".

Chuyến đi Trung Đông của ông Putin lần này được phản ánh bằng những hình ảnh tích cực trên truyền thông.

Tại Abu Dhabi trước đó, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan cũng chào đón ông Putin như "người bạn đáng mến", với máy bay UAE giăng màu cờ Nga.

Ông Putin nói với tổng thống UAE: "Mối quan hệ của chúng ta, phần lớn nhờ vị thế của các ngài, đã đạt tới mức độ cao chưa từng thấy. UAE là đối tác thương mại chính của Nga trong thế giới Ả Rập".

Giữa những áp lực kinh tế và chính trị sau sự kiện Ukraine, Nga có vẻ đang tập trung hơn vào việc xây dựng mối quan hệ với các nước Trung Đông. Matxcơva tạo dựng hình ảnh tốt đẹp với cả hai dòng đạo Hồi, và đồng thời cũng giữ quan hệ gần gũi ở mức độ nhất định với Israel, đặc biệt cá nhân Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Lần sau cùng ông Putin tới Trung Đông là tháng 7-2022, thời điểm ông gặp gỡ Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Iran.

Hôm nay (7-12), ông Putin cũng có cuộc gặp được lên lịch với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Matxcơva. Nga và Iran cũng vừa tuyên bố phối hợp để chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ.

Giá dầu được xem là huyết mạch trong nền kinh tế của Nga và các nước Trung Đông. Đây có thể là mấu chốt để Nga duy trì sức ảnh hưởng tại khu vực này, kể cả thiết lập mối quan hệ tốt với những nước là đối tác quan trọng của Mỹ.

Cuộc chiến tại Dải Gaza đang khiến bức tranh quan hệ quốc tế ở Trung Đông phức tạp hơn. Mỹ ủng hộ Israel tự vệ, còn thế giới Ả Rập buộc phải đứng về phía người Palestine. Hơn nữa, bản thân tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine cũng có quan hệ tốt với một số quốc gia Ả Rập.

Israel tiến sâu vào trại tị nạn lớn nhất GazaIsrael tiến sâu vào trại tị nạn lớn nhất Gaza

Người phát ngôn Chính phủ Israel cho biết cuộc chiến tại Gaza bước vào giai đoạn mới, khẳng định Tel Aviv sẵn sàng nhận mọi lời khuyên mang tính xây dựng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên