Những lo ngại tiêu cực có thể đến khi đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá trong cuộc chiến Mỹ - Trung đang leo thang, khi hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn và nhập khẩu từ nước này vào Việt Nam sẽ tăng lên, làm tăng nhập siêu và nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ đang đặt ra.
Đồng NDT đã liên tiếp giảm giá do những căng thẳng từ thương chiến Mỹ - Trung. Nguyên nhân là do Mỹ tố cáo Trung Quốc chủ động thao túng tiền tệ, tức là làm mất giá NDT tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Song thực tế đồng NDT cũng mất giá thực sự chứ không chỉ do họ chủ động.
Với diễn biến này, Trung Quốc được lợi là tăng lợi thế cạnh tranh của hàng Trung Quốc ra nhiều nước, nhưng thiệt hại lớn là nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế nước này, có thể dẫn tới làn sóng FDI và các nhà đầu tư chứng khoán rút tiền ra khỏi Trung Quốc càng nhiều hơn.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của hàng Việt Nam, nên cửa xuất của hàng Việt vào thị trường này sẽ khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá.
Ở chiều ngược lại, đây là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam nên doanh nghiệp nhập khẩu các linh phụ kiện cho sản xuất sẽ có lợi thế khi nhập hàng từ Trung Quốc nhờ giá rẻ. Nhưng với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh về giá khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào nhiều hơn.
Đặc biệt hơn, đó là nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên và hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, nhãn mác vào Việt Nam để tiêu thụ tại nội địa và hưởng ưu đãi xuất xứ ra nước ngoài. Những vụ việc gần đây về giả mạo xuất xứ được phát hiện càng cho thấy rõ điều đó.
Do đó, trước hết doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng, thương hiệu và uy tín của hàng Việt Nam để cạnh tranh với hàng Trung Quốc tốt hơn thông qua tăng năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Gần đây hàng Việt đã được đánh giá là cải thiện nhiều về chất lượng, mẫu mã, nâng cao được thương hiệu và uy tín trên chính sân nhà.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bởi nếu không quyết liệt và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nhiều nguy cơ đặt ra với hàng Việt Nam khi cạnh tranh không lành mạnh và tổn hại tới người tiêu dùng.
Cần lưu ý hiện nay giao dịch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chủ yếu bằng đồng USD khi chỉ có khoảng 1/3 là giao dịch bằng đồng NDT, tập trung ở các cửa khẩu. Do đó, những tác động của việc giảm giá đồng NDT đến nền kinh tế có thể chưa thấy ngay.
Song nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ nhập siêu từ Trung Quốc và việc gian lận xuất xứ, thì những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế là không đo đếm được nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận