14/07/2020 09:38 GMT+7

Cải thiện giao thông: Không còn đường lùi!

ĐỨC PHÚ - THU DUNG thực hiện
ĐỨC PHÚ - THU DUNG thực hiện

TTO - Đây là chia sẻ của Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM về đề án 'Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP'.

Cải thiện giao thông: Không còn đường lùi! - Ảnh 1.

Xe buýt chở khách trên đường đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là chia sẻ của - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM - về đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP"

Nói về đề án vừa được kỳ họp thứ 20 khóa IX, HĐND TP.HCM thông qua, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết dù thời gian qua, TP đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng không thể theo kịp tốc độ phát triển dân số, xe cá nhân.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tổng kinh phí dự kiến 393.792 tỉ đồng để thực hiện các dự án phát triển giao thông công cộng.

* Thưa ông, vì sao cần phải thực hiện nghị quyết này?

- Giao thông TP.HCM đang đứng trước thách thức rất lớn đó là kẹt xe, ô nhiễm môi trường do khí thải. Đến nay, TP vẫn còn 22 điểm ùn tắc, tập trung ở khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm và cửa ngõ.

Hiện TP có tới 8,1 triệu xe cá nhân (8 triệu xe máy, 756.000 ôtô). Với một TP năng động, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân gia tăng, cơ hội người dân sở hữu ôtô ngày càng cao. Thời gian qua, lượng xe máy tăng tới 6%/năm nhưng ôtô tăng tới 11%/năm, gấp nhiều lần tăng trưởng đường bộ.

Trên phần mềm mô phỏng giao thông đã đưa ra cảnh báo nếu không có biện pháp kiểm soát, đến năm 2025 TP.HCM sẽ kẹt xe trầm trọng. Trong khi đó, bài học về phát triển hệ thống giao thông ở các nước khu vực và thế giới đã có rồi.

Như Indonesia đang tính toán dời thủ đô vì Jakarta quá kẹt xe, thiệt hại hơn 7 tỉ USD/năm. Do đó, chúng ta phải gấp rút thực hiện song song kiểm soát xe cá nhân cùng với phát triển vận tải công cộng.

14720ong do ngoc hai 1(read-only)

Ông Đỗ Ngọc Hải


* Có hai nội dung được người dân quan tâm trong đề án là thu phí ôtô và lập vành đai hạn chế xe cá nhân. Cụ thể việc này ra sao?

- Thực ra, đề án đưa ra tới 27 giải pháp, trong đó giải pháp chủ đạo là tăng cường đầu tư các dự án giao thông công cộng có khối lượng lớn như metro, xe buýt nhanh, đường sắt trên cao...

Còn giải pháp kiểm soát xe cá nhân tập trung hai vấn đề: về kinh tế gồm thu phí ôtô, phí ô nhiễm môi trường; về giải pháp hành chính là hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm.

Về lộ trình, hiện HĐND TP đã thông qua nghị quyết, từ đó làm cơ sở để UBND TP hoàn thiện đề án và triển khai theo các bước cụ thể.

Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thu phí ôtô vào trung tâm TP. Từ 2021 tới 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe hai bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ hệ thống vận tải hành khách công cộng.

* Trước đây, Sở GTVT TP từng nghiên cứu thiết lập vành đai vào trung tâm TP, trong đó có nghiên cứu 34 cổng thu phí ôtô nhằm hạn chế kẹt xe. Việc này có nằm trong lộ trình của đề án nêu trên không?

- 34 cổng thu phí này thực ra là chỉ đang nghiên cứu và chưa có cơ sở thực hiện. Đến thời điểm này, HĐND TP đã thông qua nghị quyết, sở mới tiến hành xây dựng một đề án riêng về thu phí ôtô vào trung tâm. Lúc đó mới xác định được phạm vi vành đai thu phí; đối tượng, mức phí, thời gian thu...

Chúng tôi sẽ tham vấn chuyên gia, mời người dân góp ý về việc này khi xây dựng đề án.

Cải thiện giao thông: Không còn đường lùi! - Ảnh 4.

* Tương lai giao thông TP chủ đạo là vận tải hành khách công cộng. Sở đã và đang làm gì để phù hợp với lộ trình hạn chế xe cá nhân?

- Với các giải pháp đồng bộ mà TP đang triển khai, trong thời gian tới bộ mặt giao thông công cộng sẽ thay đổi và tạo sự thuận tiện cho người dân khi đi lại.

Cụ thể, hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến đưa vào khai thác năm 2026. Các tuyến khác cũng đang triển khai đầu tư.

Song song đó, trong lộ trình đề án nêu ra sẽ có sự xuất hiện của các tuyến BRT (xe buýt nhanh), trong đó tuyến số 1 lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, rồi làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu...

Đảm nhận vai trò đưa người dân từ trong hẻm, đường nhỏ, khu dân cư ra trục metro, BRT là xe buýt mini.

Cùng với đó, sở đã đưa ứng dụng công nghệ vào mạng lưới xe buýt là ứng dụng Go!bus. Ứng dụng này giúp người dân có thể biết được chính xác giờ xe buýt tới trạm, sau này sẽ tích hợp với metro, BRT.

Thẻ xe buýt thông minh đang được thí điểm và sẽ áp dụng rộng rãi trong thời gian tới giúp người dân thanh toán khỏi đưa tiền mặt khi đi xe.

Khu vực trung tâm TP sẽ có xe đạp công cộng, thiết lập lại mạng lưới taxi cho phù hợp phân vùng hạn chế xe cá nhân.

Cải thiện giao thông: Không còn đường lùi! - Ảnh 5.

Theo dự kiến, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ đưa vào hoạt động năm 2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không làm, 5 năm nữa kẹt xe toàn thành phố

* Như nhiều lần trước, có ý kiến rằng hạn chế xe cá nhân sẽ khiến chuyện đi lại của người dân gặp khó khăn...

- Tôi nghĩ chúng ta đừng lo chuyện này. Bởi lộ trình đề án đặt ra là hạn chế xe cá nhân sẽ đi đôi với phát triển vận tải hành khách công cộng. Khi nào hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu, khi đó TP mới triển khai các giải pháp đồng bộ.

Nhiều năm qua, chuyện này bàn đi bàn lại nhiều lần. Tôi e rằng nếu chúng ta tiếp tục bàn, sẽ không còn kịp nữa. 5 năm tới đây, xe cộ sẽ vượt khả năng khai thác của đường bộ lên tới 1,55 lần, tức đi đâu cũng gặp kẹt xe.

Kẹt xe sẽ lan ra cả TP, thời gian kẹt xe dài hơn và sẽ không chỉ ở giờ cao điểm. Lúc đó, số tiền thiệt hại vì kẹt xe ở TP sẽ cao hơn con số 2 tỉ USD mỗi năm như ước tính hiện giờ.

10 dự án giao thông hoàn thành trong thời gian tới

1. Năm 2021: hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành -

Suối Tiên).

2. Năm 2021: hoàn thành đưa vào khai thác tuyến xe buýt nhanh BRT số 1.

3. Năm 2030: tổ chức, mở mới các tuyến xe buýt để đạt 267 tuyến, 4.200 phương tiện.

4. Năm 2025: triển khai ứng dụng vé thông minh trong hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đảm bảo áp dụng trên 100% số tuyến xe buýt, liên kết với các loại hình vận tải hành khách khác.

5. Năm 2026: hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

6. Triển khai tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - bến xe Tây Ninh).

7. Hoàn chỉnh tuyến buýt thủy số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), triển khai tuyến buýt thủy số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm).

8. Xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi trong nội thành.

9. Đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

10. Nhiều tuyến vận tải thủy như tuyến 1 (sông Sài Gòn - Rạch Chiếc - sông Đồng Nai), tuyến 2 (sông Sài Gòn - kênh Tẻ, kênh Đôi)...

Đề xuất thu phí ngập nước, kẹt xe với chủ dự án nhà cao tầng, được không? Đề xuất thu phí ngập nước, kẹt xe với chủ dự án nhà cao tầng, được không?

TTO - Đó là đề xuất của đại biểu Trần Quang Thắng tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP.HCM khóa IX nhằm tạo 'quỹ dự phòng' chống ngập nước, kẹt xe cho thành phố.

ĐỨC PHÚ - THU DUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên