01/12/2012 21:30 GMT+7

Hội ngộ con hiếu thảo, chiêm nghiệm hiếu đạo

 TRUNG UYÊN
 TRUNG UYÊN

TTO - Không chỉ đơn giản là buổi vinh danh người nhận giải, lễ trao giải cuộc thi viết "Người con hiếu thảo" sáng nay 1-12 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (TP.HCM) là cuộc hội ngộ những chiêm nghiệm, cảm nhận về chữ hiếu.

Kết quả cuộc thi viết Người con hiếu thảoCùng bình chọn nhân vật Người con hiếu thảo

80z3Q9Cf.jpgPhóng to

Ông Lê Thế Chữ (bìa phải) - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trao giải nhất cho tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa (Tiền Giang) - tác giả bài viết Ba tôi. Đứng cạnh tác giả Kim Thoa là ông Nguyễn Văn Liếng (66 tuổi) - người cha và cũng là nhân vật trong bài viết - đi từ Tiền Giang lên TP.HCM để chia vui với con gái - Ảnh: Thanh Đạm

Lễ trao giải cuộc thi viết Người con hiếu thảo - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ
Những người con hiếu thảo - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ

Chữ hiếu kể chi sang giàu

Bắt đầu từ 8g30, song khá nhiều tác giả đoạt giải và bạn đọc quan tâm cuộc thi đã đến từ trước đó khá sớm. Vì kết quả cuộc thi hoàn toàn được giữ kín nên tâm trạng của các tác giả và người thân đi cùng càng hân hoàn, hồi hộp.

Cuộc thi viết "Người con hiếu thảo" do báo Tuổi Trẻ và nhà tài trợ Ensure Gold tổ chức.

Khởi động từ ngày 16-6 và kết thúc nhận bài vào ngày 20-9, cuộc thi thu hút hơn 300 bài viết của bạn đọc trong và ngoài nước.

Khu vực triển lãm các bài viết đạt giải đủ sức níu chân người tham dự lễ trao giải bởi sức hút bền bỉ của câu chuyện về những tấm lòng hiếu thảo, dẫu trước đó các bài viết này được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.

Các cảm xúc được tiếp nối bằng phần giao lưu với các tác giả và nhân vật trong bài viết. Đi từ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang lên TP.HCM từ chiều qua, ông Nguyễn Văn Liếng (66 tuổi) - người cha và cũng là nhân vật trong bài viết Ba tôi của tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa - cho biết: "Hôm con gọi điện thoại nói tôi đi mua báo Tuổi Trẻ đọc vì có bài con viết về tôi, tôi nhờ một người quen chạy ra chợ huyện cách nhà gần 10 cây số để mua cho được tờ báo. Bài viết đó làm tôi xúc động lắm!".

Số báo Tuổi Trẻ ra ngày 11-8 có đăng tải bài viết Ba tôi - số báo làm chị Nguyễn Thị Kim Thoa bật khóc ngay khi vừa nhìn thấy tựa đề bài viết - đã được cả chị và người cha thương yêu cùng dùng túi nilông bọc lại cẩn thận và để nơi trang trọng trong nhà.

VgHkz7Ym.jpgPhóng to
Tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa - giải nhất cuộc thi - và người cha kính yêu của chị - ông Nguyễn Văn Liếng - nhân vật trong bài dự thi Ba tôi - Ảnh: Thanh Đạm

Ngồi cạnh cha, chị Nguyễn Thị Kim Thoa - giáo viên Trường mầm non Minh Anh (Q.11, TP.HCM) - thỉnh thoảng vuốt nhè nhẹ tay cha hay tựa đầu vào vai cha. Khi được hỏi về suy nghĩ về chữ hiếu ngày nay, chị nói: "Tôi muốn cảm ơn đời cho năm chị em tôi làm con của ba má. Tôi nghĩ rằng đã báo hiếu thì không cần sang giàu, chẳng phải đợi lúc đủ đầy mới hiếu đạo với mẹ cha. Chúng ta có thể báo hiếu bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào".

Câu chuyện Ba tôi - của cô con gái viết về cha - người từng đạp xe suốt 8 giờ trên đoạn đường dài hơn 100km - đi đi về về giữa Sài Gòn - Tiền Giang để chăm sóc ông nội - được trao giải nhất cuộc thi (10 triệu đồng).

Buổi trao giải còn là một cuộc đoàn viên ấm áp của gia đình ông Nguyễn Văn Liếng bởi nhiều con cháu của ông đang ở tại TP.HCM và mỗi lần lên Sài Gòn là mỗi lần khó với ông tuổi cao, sức yếu, bệnh tật.

Hãy quay về, bất cứ khi nào có thể...

Tham gia giao lưu với bạn đọc, ca sĩ Sĩ Luân sẻ chia về những ngày khó khăn của anh sau khi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng năm 2009. Đó cũng là những ngày anh thấu hiểu sâu sắc hơn tình thương vô bờ bến của đấng sinh thành, giá trị của tình thân trong đời.

ZyhQ4uNT.jpgPhóng to
Tiểu phẩm Miền yêu thương do nhóm kịch Đời thể hiện với câu chuyện về tình cảm gia đình ấm áp trong một gia đình nghèo khó, người mẹ bị bệnh tâm thần... đã lấy nhiều nước mắt của khán giả tại lễ trao giải cuộc thi Người con hiếu thảo - Ảnh; Thanh Đạm
TPGP8GHl.jpgPhóng to

Những giọt nước mắt đã rơi trong lễ giao trải bởi những câu chuyện xúc động, chân thực về chữ hiếu - Ảnh: Thanh Đạm

"Hơn 300 bài dự thi là 300 câu chuyện xúc động, ấm áp về tình cảm gia đình, về lòng hiếu thảo. Như chính những phản hồi của nhiều bạn đọc đã chia sẻ, mỗi bài viết là một luồng gió mát, một bài học làm người, một niềm vui sống" - ông Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ

Nói về sự hiếu đạo của thế hệ trước, Sĩ Luân xúc động: "Ba tôi là tấm gương hiếu đạo cho tôi. Không bao giờ ba tôi đồng ý đi du lịch cùng tôi bởi ba tôi luôn dành hết thời gian giờ làm việc để cận kề bên bà nội tôi, trò chuyện, bóp chân cho bà. Ba sợ bà nội tôi đã tuổi cao sức yếu nên có thể ra đi bất cứ lúc nào. Cũng như ba, nỗi sợ lớn nhất của tôi là sợ ngày không còn được ở bên cạnh cha mẹ nữa".

Dưới hàng ghế khán giả, những giọt nước mắt tiếp tục rơi khi những nhân vật trong các bài viết chia sẻ những nghĩ suy về chữ hiếu, khi những tác giả nói về "cơ duyên" gặp gỡ nhân vật và những cảm xúc khi viết bài về những tấm gương hiếu thảo...

Những bài viết xuất sắc từ cuộc thi được tập hợp trong cuốn sách Người con hiếu thảo và trở thành món quà gửi đến tất cả người dự thi, khán giả tham dự lễ trao giải. Trân trọng lật giở từng trang sách, ông Trần Phi Hải (87 tuổi, Q.8, TP.HCM) - tác giả bài viết dự thi Chuyện kể về một đứa con - nói: "Tôi chảy nước mắt mấy lần khi theo dõi chương trình. Càng xúc động hơn khi đọc cuốn sách Người con hiếu thảo. Tôi sẽ chia sẻ cuốn sách này với người quen như một cách chia sẻ sự mong mỏi về chữ hiếu luôn lan tỏa trong cuộc sống, nhất là ở người trẻ".

"Dù ở bất cứ địa vị nào, dù làm bất cứ công việc gì, cũng hãy quay về với mẹ cha bất cứ khi nào có thể" - lời nhắn nhủ từ tác giả Kim Thoa - người đoạt giải nhất cuộc thi - cũng là một trong những thông điệp giản dị, chân tình mà cuộc thi viết Người con hiếu thảo gửi đến cộng đồng.

MVmYPAwe.jpgPhóng to

Nhà văn Nguyễn Đông Thức (bìa trái) trao giải nhân vật xúc động nhất do bạn đọc bình chọn cho bạn đọc Nguyễn Ngọc Long (thứ hai từ trái sang) - nhân vật trong bài viết Mẹ và con trai - và giải bạn đọc bình chọn đúng nhất cho Trần Thị Hiếu Thảo (bìa phải, Trà Vinh) - Ảnh: Thanh Đạm

dWos57Mu.jpgPhóng to
Các tác giả, nhân vật đoạt giải cuộc thi viết Người con hiếu thảo - Ảnh: Thanh Đạm
GXkY0SAS.jpgPhóng to

Ca sĩ Sĩ Luân xúc động chia sẻ cảm nhận về những câu chuyện người con hiếu thảo tham gia cuộc thi. Những chăm sóc, yêu thương vô bờ của đấng sinh thành, đặc biệt là trong những ngày sau khi Sĩ Luân gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng đã giúp anh thấu hiếu sâu sắc hơn ý nghĩa của tình thân trong đời - Ảnh: Thanh Đạm

KkrbznEG.jpgPhóng to

Nhà văn Nguyễn Đông Thức giới thiệu cuốn sách Người con hiếu thảo - ấn phẩm tập hợp các bài viết hay tham gia cuộc thi - Ảnh; Thanh Đạm

Kết quả chi tiết cuộc thi viết Người con hiếu thảo

* Giải nhất: tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa (Tiền Giang) - bài viết Ba tôi

* Giải nhì: Nguyễn Hữu Tuyết Viên (Bình Thuận) - bài viết Người con bên bếp thuốc

Giải ba: Hà Kiều My (Phú Yên) - bài viết Ba anh em trong ngôi nhà nhỏ

* 5 giải khuyến khích:

- Nguyễn Thị Mây (tên thật Uông Ngọc Vân, Trà Vinh) - bài viết Mẹ và con trai

- Huỳnh Diệu Phụng (Trà Vinh) - bài viết Chữ hiếu của cậu

- Đặng Thị Hoàng (Bến Tre) - bài viết Cậu bé may áo cho mẹ

- Nguyễn Văn Trí (Thanh Hóa) - bài viết Người dâu thảo hiền

- Nguyễn Thị Hoàng Hôn (TP.HCM) - bài viết Ông Ba Bị hiếu thảo

* Giải nhân vật xúc động nhất do bạn đọc bình chọn: Nguyễn Ngọc Long - nhân vật trong bài viết Mẹ và con trai

* Bạn đọc bình chọn đúng nhất: Trần Thị Hiếu Thảo (Trà Vinh)

* Giải nhân vật xúc động nhất do ban giám khảo bình chọn: Trần Văn Quốc - nhân vật trong bài viết Cậu bé may áo cho mẹ.

6QFvGcFl.jpgPhóng to
 TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên