04/08/2012 02:11 GMT+7

Người con bên bếp thuốc

TT
TT

TT - Suốt mười năm qua, từ khi có ngoại về, nhà tôi trở thành gia đình có bốn thế hệ “tứ đại đồng đường”, con cháu đông vui, trên dưới thuận hòa.

ITCPq5Po.jpgPhóng to

Hình ảnh người mẹ của tác giả ròng rã mười năm bên bếp củi hồng cay khói - Ảnh do nhân vật cung cấp

Xóm làng luôn dành nhiều tiếng thơm cho gia đình tôi. Đó cũng là niềm tự hào cho các thành viên trong gia đình và là động lực thúc đẩy chúng tôi cố gắng phát huy hơn nữa đạo nghĩa làm con. Ngày ấy, trong cơn thập tử nhất sinh, ngoại tôi phải nhập viện, nét lo âu hằn rõ trên khuôn mặt mẹ, ngày đêm người túc trực bên ngoại, nâng đỡ chăm sóc cho bà. Sau một tuần nằm viện, ngoại tôi được bác sĩ cho về nhà điều trị. Chỉ mới bảy ngày thôi nhưng mẹ tôi cũng gầy xọp theo bà, gương mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu vì thức trắng nhiều đêm.

Thấy ngoại vừa hồi phục, người gầy yếu, mẹ tôi đã xin phép được đón ông bà về nhà để tiện việc chăm sóc. Ở với gia đình tôi được vài hôm, an tâm khi sức khỏe bà tiến triển tốt, ông gửi gắm bà cho mẹ, rồi từ giã để về lại nhà cách đó mười lăm cây số.

Thương ông, mẹ tôi đã cố gắng thuyết phục ông nán lại mươi hôm để mẹ có thêm cơ hội chăm sóc ông bà. Nhưng ông từ chối vì lo bỏ nhà đã lâu không ai coi ngó. Khi ấy mẹ tôi - người con tóc pha sương - đã quỳ xuống lạy ông tôi, lạy thật nhiều chỉ để xin ông thêm ba ngày ở lại cùng mẹ!

Thương mẹ tôi, ông rơi nước mắt! Có lẽ hành động của mẹ làm rung động trái tim ông, nên ông tôi đã nhận lời ở thêm vài hôm nữa.

Có ông bà, gia đình tôi rộn ràng hẳn lên. Mẹ vui lắm, mỗi sáng khi ông tôi thức dậy, mẹ được hầu ông tách cà phê nóng và ấm trà Bắc đượm hương; được đi chợ, nấu nhiều món ăn mà ông bà ưa thích; được tự tay dâng ông bà chén cơm thơm nồng mùi gạo nếp, với ánh mắt trìu mến nhìn ông bà như gửi trọn tấm lòng người hiếu tử.

Ngờ đâu đó là khoảng thời gian ngắn ngủi cuối đời của ông tôi! Về lại nhà ba hôm, ông đột ngột qua đời trong cơn suyễn. Cả nhà bàng hoàng nhận tin ông mất. Để mẹ tôi khóc hoài trong niềm nuối tiếc khôn nguôi...

Cũng từ đó bố mẹ tôi đón nhận lo cho bà quãng đời còn lại.

Mười năm thấm thoát trôi, sự hiện diện của ngoại khiến tôi kính trọng mẹ hơn khi nhìn thấy những điều mẹ đã dành cho bà.

Ngày từng ngày mẹ chăm sóc ngoại chu đáo, luôn tự tay cơm dâng nước rót, chưa bao giờ mẹ để chúng tôi giúp mẹ điều ấy. Việc gì mẹ cũng tình nguyện làm cho bà. Mẹ già, con lão, vậy mà mẹ tôi vẫn trọn vẹn giữ gìn câu “gọi dạ - bảo vâng” và luôn từ tốn với bà.

Vào thời buổi xã hội đi lên, gia đình tôi đã qua rồi thời vất vả, vậy mà giữa thành phố đông người, mỗi sáng mẹ tôi dậy thật sớm nhóm củi nấu thuốc cho bà!

Bếp thuốc của ngoại tôi được đặt trên mấy viên gạch bên vỉa hè không nhà. Khi rảnh, mẹ sang xưởng cưa nhặt củi vụn để sẵn sáng dậy nấu thuốc. Những ngày mưa củi ướt khói nghi ngút, cay xè, mẹ tôi nước mắt giàn giụa, vừa quạt vừa thổi để lửa bùng lên, kịp cho bà chén thuốc buổi sớm mai. Khi thì thuốc bệnh, lúc thì thuốc bổ, rễ mát... Ròng rã mười năm mẹ kiên trì mãi bên bếp củi hồng cay khói để lòng tôi hoài đọng lại hình ảnh mẹ yêu.

Bên mẹ tôi, ngoại ngày càng khỏe mạnh, hồng hào. Mọi bệnh tật đã lùi dần. Tiếng lộp cộp phát ra từ chiếc gậy của bà từ lâu đã không còn âm vang nữa. Nhờ bếp thuốc của mẹ, hơn 80 tuổi vậy mà bà tôi vẫn tự đứng lên và bước đi mà không cần dùng gậy.

Dù không trải hết được tấm lòng mẹ trên trang giấy, nhưng khi đọc cho mẹ nghe trọn bài, mẹ đã khóc. Mẹ tôi thật lạ lùng. Là một người phụ nữ cứng rắn, bản lĩnh, luôn tỉnh táo trước mọi tình huống, vậy mà lại dễ khóc khi nhắc về ông bà. Dường như nước mắt mẹ chẳng bao giờ khô khi nghĩ đến đấng sinh thành.

Tôi mong mẹ luôn khỏe mạnh, không khuất phục trước thời gian, để tôi luôn có mẹ và được lặp lại những điều mẹ đã dành cho ngoại.

Mẹ ơi, có nghe lời con ước nguyện!

WMlwrzI9.jpgPhóng to
TT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên