15/09/2012 02:00 GMT+7

Người dâu thảo hiền

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - 32 năm trước, khi tôi ngỏ lời muốn cưới cô bạn cùng xóm làm vợ, mẹ tôi không phản đối nhưng tỏ vẻ không hài lòng. Mẹ chê người yêu tôi trầm tính, ít nói.

AwA1Y4Tr.jpgPhóng to
Nhân vật người con dâu hiếu thảo -Ảnh do tác giả cung cấp

Vợ tôi tên là Nguyễn Thị Hanh, quê ở thôn 3, xã Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Dù mới học hết lớp 7 và hầu như chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng, nhưng vợ tôi là một phụ nữ thảo hiền, hiếu thuận mà tôi vô cùng yêu thương, kính phục. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã mở cuộc thi để tôi có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn của mình với vợ.

(Trích thư tác giả)

Tôi lại là trưởng nam, cần một người vợ hoạt bát, nhanh nhẹn để đảm đương mọi chuyện trong nhà. Thế nhưng vì tình yêu chúng tôi dành cho nhau, đám cưới vẫn được diễn ra. Kể từ ngày ấy, vợ tôi về làm dâu nhà tôi, một trong những gia đình “hoàn cảnh” nhất nhì của xóm.

Bố bỏ mẹ con tôi theo người đàn bà khác khi cô em út chưa đầy 1 tuổi. Tôi là con cả, dưới tôi còn ba đứa em nheo nhóc. Mẹ tôi bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu mà phải bươn chải nuôi bốn anh em tôi khôn lớn. Cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả. Khi vợ tôi về làm dâu, cả ba em của tôi chưa ai thành gia thất, riêng đứa út mới lên 10 tuổi đầu. Tôi làm trong ngành thông tin, thường xuyên xa nhà. Một tay vợ tôi vừa chăm sóc mẹ già, vừa lo cho các em chồng. Đứa em trai kế của tôi vào Lâm Đồng lập nghiệp, vợ tôi phải bán hết thóc trong nhà để lấy tiền lo liệu cho em. Ngày cô em thứ hai đi lấy chồng, nhà chỉ có một chiếc xe đạp Liên Xô đáng giá nhất, vợ tôi cũng cho em làm vốn ra riêng. Nhà chỉ còn đứa út, ban ngày chị dâu đi làm, tối về lại chong đèn dạy học cho em.

Mấy năm về làm dâu vợ tôi vẫn rất kiệm lời. Nhưng mẹ tôi không còn thấy khó chịu mà luôn tự hào về cô con dâu làm nhiều hơn nói. Người ta thường bảo nàng dâu mẹ chồng chẳng bao giờ hết chuyện. Thế mà, vợ tôi ở với mẹ chồng mấy chục năm không hề có một lời cãi vã, tình cảm thân thương như mẹ đẻ và con gái. Biết mẹ sức yếu, một mình vợ tôi nhận làm hết gần 10 sào ruộng, ngày mùa bận rộn thì đổi công cho họ hàng, làng xóm, chứ nhất quyết không cho mẹ xuống đồng. Chưa đầy 50 tuổi, dù ở nông thôn mẹ tôi đã được thảnh thơi ở nhà bế cháu, nấu cơm...

Nhà nghèo, bữa ăn thường ngày đạm bạc, vì thế có miếng ngon, vợ tôi đều nhường hết cho mẹ chồng. Khi ba đứa con tôi lần lượt ra đời, đến tuổi lên 5, 6 vợ tôi thường dạy con, trong mâm có miếng ngon phải gắp phần bà trước nhất.

Năm 2002, bệnh tim của mẹ tôi đổ nặng, bà chỉ có thể nằm một chỗ. Các bác sĩ chẩn đoán mẹ không thể sống thêm được quá một năm. Từ ngày ấy, ngoài công việc đồng áng, vợ tôi tận tụy ngày đêm chăm lo cho mẹ già đau yếu. Biết mẹ khó nuốt, hay bị nghẹn cơm, vợ tôi luôn dậy sớm tranh thủ nấu cháo cho mẹ chồng. Dù điều kiện gia đình không dư dả, nhưng lúc nào bên đầu giường của mẹ cũng có mấy hộp sữa tươi, thêm ít trái cây để mẹ tẩm bổ thêm. Rồi cả những hộp thuốc trợ tim đắt tiền cho mẹ, mà để mua được chúng vợ tôi sẵn sàng bán đi vài tạ thóc hay đàn gà, con lợn...

Mẹ tôi nằm trên giường quanh năm nhưng chăn chiếu lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ bởi có bàn tay lo liệu của cô con dâu thảo hiền. Những ngày hè oi bức, hơi quạt điện nóng đến khô người, trưa nào vợ tôi cũng bê một chậu nước lạnh để trước quạt cho mẹ đỡ khó chịu, rồi dùng khăn tẩm nước mát lau người cho mẹ. Biết mẹ tuy đau yếu nhưng thích gội đầu bằng quả bồ kết, cứ vài hôm một lần, vợ tôi lại ngồi tỉ mẩn nấu nước rồi tự tay gội đầu cho mẹ.

Mấy năm trời đổ bô cho mẹ chồng, chưa một lần vợ tôi tỏ ra khó chịu hay nhăn mặt. Khi bệnh mẹ tôi trở nặng, bà không thể tự đi đại tiện được do thường xuyên bị táo bón, vợ tôi đã bao lần dùng chính bàn tay của mình giúp mẹ đi ngoài, chứ nhất định không dùng ống thông vì sợ mẹ bị đau.

Cứ thế, bằng sự chăm sóc ân cần của con dâu, mẹ tôi đã ở thêm cùng con cháu năm năm, lâu hơn nhiều so với dự đoán của các bác sĩ. Ngày mẹ gần mất, mỗi lần tỉnh táo nói chuyện được với con cháu, bà cứ nhắc đi nhắc lại: “Nhà này tao thương nhất là mẹ nó”...

Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn cảm ơn trời Phật đã cho mình một người vợ đảm đang, hiền thục và hiếu thuận rất mực với gia đình chồng. Niềm biết ơn ấy cũng chính là động lực khiến tình yêu của chúng tôi mãi vững bền suốt hơn 30 năm qua.

Bình chọn Nhân vật xúc động nhất

Đợt bình chọn Nhân vật xúc động nhất của cuộc thi Người con hiếu thảo sẽ khởi động một tuần sau khi hết hạn nhận bài dự thi (ngày 20-9). Bạn đọc sẽ được truy cập vào một phần mềm trên trang Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) và khi chọn nhân vật của bài nào sẽ click chọn tên bài dự thi đó, cùng với việc trả lời câu hỏi dự đoán “Có bao nhiêu người đồng tình với bạn”?

Thể lệ chi tiết sẽ đăng khi phát động bình chọn.

BTC

lbC03nR5.jpgPhóng to
Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên