14/09/2012 11:06 GMT+7

Ba anh em trong ngôi nhà nhỏ

BaoChau
BaoChau

TTO - Ba làm thợ hồ, tiền lương ba cọc ba đồng. Mẹ bị bệnh tâm thần, chẳng nhớ nổi đường về nhà. Ba anh em trai thay nhau chăm mẹ, vượt khó đến lớp…

Bài dự thi Người con hiếu thảo - Mã số: 031

Nhưng đó lại là bài học lớn mà tôi nhận được về sự hiếu thuận, để rồi mỗi khi sum vầy bên gia đình yên ấm, no đủ, tôi lại nhớ về các em, và thấy mình cần phải học cách yêu thương và nuôi dưỡng nghị lực vượt khó.

1usD3UQL.jpgPhóng to
Nguyên chăm sóc người mẹ bị tâm thần

Nốt trầm của một gia đình nghèo

Chúng tôi đến nhà em Nguyễn Hoàng Nguyên (lớp 11 Trường THPT Lê Thành Phương, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vào một buổi trưa nắng gắt. Căn nhà tuềnh toàng nằm phía bắc cầu gỗ An Hải. Trong nhà ọp ẹp chưa đầy 30m2 chẳng có vật gì quý giá, ngoại trừ những tấm bằng khen dán chồng lên nhau ở một góc tường đã úa màu. Bên một góc nhà, quần áo lếch thếch vắt đầy trên thanh cây. Không cần tinh ý cũng đủ biết từ lâu, ngôi nhà này đã thiếu vắng bàn tay của người phụ nữ.

Thấy người lạ, mẹ Nguyên, bà Lê Thị Giảm, đang ngồi trên phản,, vội chạy vào phòng trốn. Nhìn người mẹ gầy còm, răng rụng, tóc rối, cứ ngơ ra như một đứa trẻ khi hỏi chuyện khiến bất kỳ ai cũng trở nên đắng lòng. Mẹ Nguyên phát bệnh tâm thần hơn sáu năm nay. Bà không nói được cũng chẳng nhớ gì. Nhiều hôm lên cơn bà bỏ đi, cả nhà Nguyên phải huy động chòm xóm cùng tìm. Biết bệnh tình mẹ Nguyên nên mỗi lần thấy bà lang thang ngoài đường, mọi người lại đưa giùm về.

Trước đây nhà Nguyên sống ở gần chợ Hòa Đa (xã An Mỹ). Vào năm 2006, mẹ em phát bệnh tâm thần nặng. Ba em, ông Nguyễn Văn Tập, phải bán tất cả tài sản trong nhà để đưa mẹ đi khắp nơi chữa bệnh. Bệnh tình của mẹ Nguyên không thuyên giảm mà nhà lại càng lâm vào cảnh khó khăn hơn. Năm người trong gia đình Nguyên chuyển về sống trong ngôi nhà nhỏ xây tạm bên mé chân cầu An Hải (xã An Hải).

Thay mẹ làm… mẹ

Ba Nguyên đi làm thợ hồ ở xa, cả tháng mới về một lần. Mọi việc trong gia đình đều do anh em Nguyên quán xuyến, từ việc giúp mẹ tắm rửa, thay đồ, làm vệ sinh cá nhân đến giặt giũ, cơm nước. Nồi cơm điện nhà Nguyên đã hư cả năm nay, thế là hằng ngày anh em Nguyên phải đi tìm củi dương để nấu nướng. Hàng xóm thấy thương nên thường mang gạo sang cho.

Từ khi Nguyên đậu vào lớp chọn Trường THPT Lê Thành Phương, thấy Nguyên mỗi ngày phải đạp xe hơn 13 cây số đi học nên bác Nguyên đã cho em ở nhờ. Hằng ngày một buổi Nguyên đi học, thời gian còn lại em phụ bác bán quán nước.

Còn ở nhà, em trai giữa Nguyễn Nguyên Văn và em trai út Nguyễn Hoàng Khương thay phiên nhau đi học và chăm sóc mẹ. Cậu út Nguyễn Hoàng Khương tuy chỉ mới học lớp 5 nhưng đã biết bón cơm cho mẹ, đi quơ củi dương trong khi anh giữa đi chợ, nấu ăn, rửa chén, giặt đồ.

Tối đến, hai em tự bảo ban nhau học. Mặc dù gia cảnh khó khăn, thiếu đi tình thương, sự quan tâm của ba mẹ, phải tự lập trong mọi việc nhưng ba anh em Nguyên rất yêu thương nhau. Nhiều năm liền anh em Nguyên đều là học sinh giỏi của trường, được thầy yêu, bạn mến…

Chia tay ba anh em Nguyên, rời ngôi nhà hầm hập nóng của em, tôi về lại ngôi nhà tràn đầy tình yêu thương của mẹ. Chạnh lòng khi nghĩ chiều qua, tôi không ngoan khi bỏ bữa cơm nhà mà không báo trước với mẹ. Đã thế, tôi còn hạnh họe và cau có với em trai chỉ vì tranh một quyển truyện cỏn con.

Cuối tuần này, tôi sẽ cùng một vài người bạn gửi tặng gia đình Nguyên một cái bàn học và một nồi cơm điện vì thiết nghĩ có thực mới vực được đạo…

jXV2tWlU.jpgPhóng to
BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên