25/08/2012 01:05 GMT+7

Cậu bé may áo cho mẹ

TruongUy
TruongUy

TT - Câu chuyện tôi kể ra đây là chuyện cổ tích hiện đại xúc động và có thật về tấm lòng hiếu thảo, tình yêu thương mẹ vô bờ bến của cậu học trò nhỏ tôi từng dạy dỗ.

Em là Trần Văn Quốc, sinh viên năm cuối khoa xây dựng Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Để trở thành sinh viên của ngôi trường danh giá này Quốc phải quyết tâm vượt khó, bởi đường từ trường làng đến giảng đường đại học của em luôn chông chênh và gập ghềnh.

Quốc được sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Nhà ở nông thôn nhưng gia đình em không có đất canh tác nên ba em phải làm quần quật suốt ngày mới đủ lo cho cả nhà, tuy nghèo nhưng gia đình nhỏ ấy luôn đầm ấm và đầy ắp tiếng cười. Nhưng niềm hạnh phúc ấy không còn khi người cha đột ngột qua đời - mẹ thảng thốt, các con ngơ ngác... bởi tối hôm qua cả nhà còn quây quần bên nhau bên bữa cơm đạm bạc. Ba là trụ cột của cả nhà, ông mất đi gánh nặng áo cơm đè lên đôi vai người anh cả. Rồi một chiều mưa u ám, tin dữ đưa về, anh trai bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, sự mất mát quá lớn khiến ngôi nhà nhỏ càng trở nên vắng lặng.

Cái đau đớn ấy chưa nguôi, trời già cay nghiệt khi một lần nữa người anh trai kế vì lao lực quá sức nên đột quỵ qua đời. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, đau khổ đến tột cùng, người mẹ khốn khổ ấy không chịu đựng được đã trở nên điên loạn. Thế là bao khó khăn đè nặng lên đôi vai em, đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của cậu bé 12 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Mỗi khi nhìn thấy mẹ kêu gào trong cơn điên loạn, em cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc, em nuốt nước mắt ngược vào tim để có nghị lực lo cho mẹ.

Từ đấy em đi bắt ốc, hái rau, lột dừa mướn, làm cỏ vườn, dù nắng dãi hay mưa dầm em cũng không ngại. Có con cá con tép nào ngon em đều dành cho mẹ bởi với em, mẹ là tất cả. Công việc nặng nhọc thế nào em cũng làm miễn sao có tiền lo bữa ăn cho hai mẹ con và lo thang thuốc cho mẹ. Đôi tay em trở nên chai sần và khô ráp. Không chai sần sao được khi hằng ngày em phải lột hàng trăm trái dừa, mạnh mẽ là vậy nhưng khi đút cơm, khi chải tóc cho mẹ thì đôi tay ấy trở nên nhẹ nhàng xiết bao.

Khi thấy áo mẹ rách nhưng không có tiền mua, trí óc non nớt ấy lại mách bảo em lấy chiếc áo cũ của mẹ làm ni rồi tự tay vẽ, cắt. Dưới ánh đèn dầu leo lét, từng đường kim, mũi chỉ được đôi tay chai sần, vụng về may thành tấm áo cho mẹ. Láng giềng hàng xóm ai cũng thấy mủi lòng thương cảm cho tấm lòng của em đối với mẹ. Lâu lâu thì cho ít gạo, con khô, mớ rau... chỉ vậy thôi bởi ai cũng nghèo. Có lẽ cái khó ló cái khôn nên sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng em luôn biết sắp xếp công việc trong một ngày sao cho vừa đi làm, vừa lo cho mẹ mà vẫn không bỏ học.

Thời gian dần trôi qua, như ông bà ta thường nói, “sau cơn mưa trời lại sáng” và có lẽ tấm lòng hiếu thảo của em đã cảm động lòng trời nên mẹ em dần tỉnh lại, ngày ấy cũng là ngày em tốt nghiệp trung học cơ sở loại giỏi. Giờ đây, tuy sức khỏe không được như xưa nhưng mẹ em đã tự lo được cho mình. Quốc vẫn vừa học vừa đi dạy kèm để trang trải việc học và gửi chút ít về cho mẹ. Đôi tay chai sần của cậu bé 12 tuổi ngày nào lại ước ao khi ra trường có việc làm ổn định sẽ chính tay xây cho mẹ ngôi nhà nhỏ bằng gạch như mẹ hằng mơ ước.

Bây giờ nếu có dịp ghé qua ngôi làng nhỏ ở xã Hương Mỹ, hỏi thăm em Quốc ai cũng biết “Thằng bé may áo cho má nó mặc phải không? Thiệt là đứa con hiếu thảo”...

vfXT3pJp.jpgPhóng to
TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên