14/07/2012 01:49 GMT+7

Chữ hiếu của cậu

Mã số: 011
Mã số: 011

TT - Ông không có lời nói ngọt ngào như rót mật, không một dạ hai vâng... Cách ông thể hiện chữ hiếu có khi chỉ là việc làm đơn sơ, là lời nói tưởng chừng vu vơ, là hành động bất chợt, giản dị, thậm chí khác lạ nhưng chứa đựng cả tấm lòng. Ông là cậu Út tôi.

Cậu Út sống cùng ông bà ngoại. Thuở nhỏ khi sống chung nhà, tôi thấy cậu chăm sóc ông ngoại bị suy tim, phổi tắc nghẽn mãn tính. Cậu thành thạo như một điều dưỡng, đo huyết áp, nghe tim, phân chia thuốc ba cữ sáng, trưa, chiều. Nhiều lần nửa đêm thức giấc, tôi thấy ông ngoại ngồi tựa lưng vào tường cho dễ thở. Cậu ngồi cạnh bên chêm gối, xịt thuốc vào miệng ngoại... cho tới lúc ngoại nằm xuống được. Cậu đỡ ngoại ngồi như vậy 3-4 lần một đêm. Có đêm gần như cậu thức trắng, rồi ngoại cũng ra đi vĩnh viễn... Nhưng ấn tượng nhất về cậu là khoảng thời gian cậu chăm sóc bà ngoại hơn 10 năm nay.

Từ ngày ông mất, gia đình nhỏ chúng tôi cũng ra riêng, chỉ còn bà ngoại, cậu mợ và đứa con gái. Cậu dọn lên tầng hai kê giường ngủ sát bên ngoại. Cậu bảo: “Cho bà bớt lạnh lẽo, đêm hôm có người cận kề, hay biết...”. Bà tôi cao huyết áp, rối loạn tiền đình nên hay chóng mặt, vui buồn thất thường, hầu như chỉ có cậu kiên trì phụng dưỡng.

Nhiệm vụ đầu tiên trong ngày của cậu là mua thức ăn sáng cho ngoại. Chỉ vài ba món lặp đi lặp lại, vậy mà cậu bận thì mẹ tôi, tôi hay bất kỳ ai đều không làm vừa ý bà. Đi cùng cậu tôi mới “giải mã” được bí quyết. Cậu tự tay bóp vụn từng cọng giá; xắt nhuyễn thịt, rau; kiểm tra sát sao xem cọng hủ tiếu, sợi mì có mềm chưa. Cậu “kiên quyết” đến mức... lì lợm, mặc chủ quán không hài lòng nhưng rồi họ cũng chuyển dần sang cảm phục! Đơn giản thế mà không phải ai cũng làm được, do sợ, ngại, mắc cỡ, thậm chí hời hợt... Có lẽ chính tình thương giúp cậu làm nên “điều thần kỳ” đó. Em Diệp, con gái cậu, nói với tôi: “Ba bận việc mua bán nên phân công em phải ăn cơm với nội. Ba bảo bà nội “làm biếng” lắm nên em phải chủ động gắp thức ăn”. Cứ xong bữa là cậu cật vấn: “Nội ăn nhiều không? Ăn món gì?”. “Điệp khúc” được nhắc đến em phát chán, còn cậu chẳng ngán tí nào. Có lẽ sự quan tâm làm cậu cứ thèm thuồng mãi!

Lo miếng ăn chưa đủ, cậu còn lo ngoại buồn, cô đơn...

Em Diệp kể: “Ba bắt em phải lên lầu học cho nội bớt quạnh quẽ. Cứ thấy em rảnh là ba bảo: “Lên nội chơi đi con”. Nhiều khi em đang chơi game, “chat chit” chưa đã, ba cũng bảo “tắt đi, lên nội”. Có lần ức quá em hỏi: “Lên nội con có gì chơi, có gì nói với nội đâu?”. Ba chỉ nhẹ nhàng: Thì con cứ quanh quẩn là được rồi”. Bản thân cậu cứ rảnh một chút là chạy lên ngoại dù chỉ “lên rồi xuống”. Khi em Diệp vào đại học xa nhà, cậu lấp khoảng trống bằng cách nuôi chú chó làm bạn với ngoại. Ngoại vui, cậu nuôi thêm con thứ hai, thứ ba. Chỉ chuyện tắm rửa cho “ba chàng ngự lâm” đã làm cậu bù đầu. Có người bảo nuôi chi nhiều dơ nhà cửa, cậu chỉ nói với tôi: “Miễn ngoại con vui là được”.

Điều làm tôi cảm phục nhất là dường như cậu bỏ ngoài tai những gì khó chấp nhận nhất trong lời nói, suy nghĩ và hành động của ngoại, vì cậu hiểu ngoại hơn ai hết. Cậu khẳng định: “Người đời có câu “khẩu Phật tâm xà” còn ngoại con thì khẩu xà tâm Phật”. Có lẽ sự đồng cảm đến từ những người mang tâm Phật. Hơn 10 năm qua, tôi thấy cậu gần như xa lánh các cuộc chơi, vui thú với bạn bè. Cậu và vợ con cũng ít khi có những dịp đi chơi xa, bởi việc “canh giữ” ông bà ngoại gần như là mục tiêu sống của cậu.

Tôi xin kết thúc bài viết bằng lời của dì Sáu bán bún gần nhà ngoại nói với mẹ tôi: “Cô biết không, tôi thường bảo hai đứa con trai rằng má không cần tiền bạc, giàu sang, má chỉ mong về già được các con chăm lo như chú Út vậy!”. Vâng. Những lời tâm sự đơn sơ đó dường như đã nói lên tất cả...

Mời bạn đọc thi viết Người con hiếu thảo

Cuộc thi viết Người con hiếu thảo với tổng giải thưởng hơn 80 triệu đồng sẽ khóa sổ nhận bài dự thi vào cuối ngày 20-9-2012.

- Tác phẩm dự thi viết về chân dung những người con có hiếu mà tác giả là người chứng kiến và biết rõ. Câu chuyện kể phải chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, cảm động về cách ứng xử, hành xử của người con với cha mẹ.

- Bài viết dự thi bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, tối đa 1.000 chữ, đánh máy rõ ràng trên một mặt giấy A4 hoặc gửi bằng thư điện tử, chưa từng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) xin ghi rõ tên thật, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Mỗi bài viết cần kèm theo ít nhất một tấm ảnh của nhân vật và địa chỉ cụ thể nhân vật trong bài.

- Bài viết gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Người con hiếu thảo hoặc gửi email theo địa chỉ: toam@tuoitre.com.vn.

Xem thêm thông tin chi tiết tại http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Index.html.

Đơn vị tài trợ

ATxCgyun.jpgPhóng to
Mã số: 011
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên