30/04/2011 07:49 GMT+7

Giữa lòng dân tộc

TruongUy
TruongUy

TT - Tính từ lúc đại tướng Dương Văn Minh lên nhậm chức (28-4-1975) cho đến khi đầu hàng (30-4-1975) chưa đầy hai ngày. Dù điều quyết định là áp lực của quân giải phóng lúc bấy giờ vừa mạnh vừa khẩn cấp, nhưng ở đây không thể không tính đến sự tác động của nhiều nhân tố hình thành sau một quá trình vận động lâu dài, trong đó nổi lên tinh thần dân tộc đều có ít nhiều trong mỗi con người Việt Nam.

U2qnKHia.jpgPhóng to
Nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30-4-1975 - Ảnh từ sách

Ở lại

Việc đại tướng Dương Văn Minh nhận chấp chính vào thời điểm mà sự cáo chung của chế độ Sài Gòn chỉ còn tính theo ngày giờ là kết quả tác động từ nhóm Dương Văn Minh, có phía cách mạng, có tình nghĩa của người em trung tá Dương Thanh Nhựt và của chính Dương Văn Minh đã nhận thức được tình thế vừa khẩn cấp vừa là cơ hội để chấm dứt chiến tranh. Pháp và Mỹ đều tưởng đưa Dương Văn Minh ra làm tổng thống thì có thể lợi dụng theo ý đồ khác nhau của mỗi bên. Tuy nhiên, Mỹ đã nhận một kết quả trái ngược.

Vấn đề còn lại là chấm dứt như thế nào. Lúc bấy giờ, bên cạnh phương án “liều mạng” như Nguyễn Cao Kỳ, những người trong chính quyền Sài Gòn vẫn còn cơ hội “bỏ chạy” để tránh trước mọi hậu quả về cá nhân chưa biết sẽ ra sao. Trụ lại để “bàn giao”, đó là phương án mà Dương Văn Minh đã chọn để mọi việc sớm kết thúc, tránh được đổ nát và thêm đổ máu.

Từ “bàn giao” được dùng để đối phó với tình hình nội bộ chính quyền Sài Gòn, có tính đến toan tính của Pháp và Mỹ, còn thực chất của vấn đề là chấm dứt chiến tranh theo điều kiện của bên Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, có gọi là “đầu hàng” thì cũng sẵn sàng chấp nhận vì lợi ích của dân tộc thoát khỏi phụ thuộc nước ngoài, hết Pháp đến Mỹ. Thật ra “bàn giao” và “đầu hàng” đều dẫn đến một kết cục chính quyền về tay nhân dân, như tiếp theo Sài Gòn là hàng loạt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Và Dương Văn Minh đã chấp nhận chuyển từ “bàn giao” sang “đầu hàng” trước yêu cầu của bên cách mạng với niềm tin Tổ quốc độc lập, thống nhất, hòa bình, đoàn kết, hòa hợp hòa giải.

Dân tộc Việt Nam thắng

Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh phát trên đài phát thanh ngày 30-4-1975 là bản viết tay của trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203, được chỉnh sửa vài lần và đã được Dương Văn Minh đọc để ghi vào băng: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chánh quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chánh quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn”.

Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp theo: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính phủ cách mạng”. Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

Ngày 2-5-1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố quyết định trả tự do cho nội các Dương Văn Minh.

Tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp gặp tổng thống Dương Văn Minh, phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, thủ tướng Vũ Văn Mẫu vừa thông báo quyết định, vừa truyền đạt chính sách của cách mạng:

“Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định trả tự do cho các ông về với gia đình. Giờ đây miền Nam Việt Nam đã được hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai đã toàn thắng...

Bây giờ đất nước Việt Nam đã độc lập và thống nhất, không phải là lúc nói chuyện người thắng kẻ thua. Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ...

Mỗi người Việt Nam lúc này hãy thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để góp phần xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh tàn phá...”.

Tướng Dương Văn Minh bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nói:

“... Tôi vô cùng cảm kích và thật sự hân hoan vì đến 60 tuổi tôi mới được trở thành công dân của nước độc lập, tự do... Tôi nhận chức tổng thống khi biết rõ ý đồ của Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam và họ muốn dùng tôi vào thời điểm này để làm gì.

Xin hứa với ngài và cách mạng, là công dân của nước Việt Nam độc lập, tôi sẽ góp công sức của mình vào việc xây dựng đất nước...”.

Cuộc gặp kết thúc, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Trần Văn Trà một lần nữa nhắc lại: Nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, mỗi người Việt Nam lúc này phải cùng nhau hợp lực xây dựng đất nước...

Gần 28 năm sau chiến tranh, Trung ương Đảng đã tiến một bước tiếp cận để đánh giá hiện tượng Dương Văn Minh:

“...Tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh cũng đã có tác dụng nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào những giờ chót của chiến tranh, tạo thuận lợi để đại quân ta tiến vào Sài Gòn. Thúc đẩy Dương Văn Minh ngừng bắn thức thời, đó là một thành công của công tác binh địch vận đã chọn đúng đối tượng để tác động vào đúng thời điểm. Đó là một đóng góp quan trọng của mũi binh địch vận trong thời điểm kết thúc chiến tranh”.

Việc tướng Dương Văn Minh và nội các của ông ra tuyên bố chiều 29-4-1975 chấp nhận các điều kiện do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt ra trong tuyên bố ngày 26-4-1975 để chấm dứt chiến tranh, trên thực tế là “chấp nhận đầu hàng không điều kiện”, được những người cùng chí hướng trong lực lượng thứ ba hết lòng ủng hộ và hợp lòng dân. Hành động đó đã góp phần vô hiệu hóa lực lượng quân Sài Gòn, tránh được đổ nát, gây thêm tang tóc vào giờ phút quyết định. Đó là thành quả của quá trình vận động từ nhiều phía, trước hết và chủ yếu do sức mạnh của chính nghĩa cách mạng, truyền thống đoàn kết yêu nước trong “con Lạc cháu Hồng” ở những mức độ khác nhau đã thức thời trỗi dậy.

...Như lời thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố vào ngày 2-5-1975 tại dinh Độc Lập: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”.

(*) Trích sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tít chính và tít nhỏ trong bài do tòa soạn đặt.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Đa sắc đa chiềuKỳ 2: Tôn trọng sự thậtKỳ 3: Chuyển hướng chiến lượcKỳ 4: Sài Gòn và những ngày cuốiKỳ 5: Phương án Dương Văn MinhKỳ 6: Giải pháp hòa bình

__________________________

Đón đọc số tới:

Khoảng lặng sau tiếng cười

Ấy là khoảng lặng rất riêng tư sau cánh gà của những nghệ sĩ nổi tiếng. Ở đó họ sống với đời thực, với những suy tư, nỗi buồn hay niềm đau của chính mình... ngay sau phút mang lại tiếng cười cho khán giả...

TruongUy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên