Phóng to |
Lá bài cuối
Vào những ngày cuối tháng 4-1975, thời điểm “đêm trước” chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược là thần tốc, tiến công kiên quyết, dứt khoát, giải quyết triệt để chế độ do Mỹ dựng lên đã tồn tại hơn 20 năm, không được phép ngập ngừng, không còn chỗ dừng lại để gọi là thương lượng.
Nhiệm vụ của các lực lượng tại chỗ lúc này là góp sức tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính trị, quân sự nhằm tránh, giảm thương vong trong lực lượng vũ trang cũng như trong dân thường, ngăn chặn mọi hoạt động của đối phương phá hoại vật chất, gieo rắc hoang mang trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.
Tình thế đặt ra yêu cầu cụ thể là phải gạt bỏ “chính phủ Thiệu không có Thiệu” đang ngoan cố hô hào “tử thủ”, lập ra một chính phủ chấp nhận không chống cự, hòa giải, hòa hợp dân tộc... Định hướng này đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công bố trước đó, đến giờ phút này trở thành mục tiêu vận động trước mắt của cách mạng và các nhóm, cá nhân yêu nước.
Các cán bộ tình báo, binh vận, trí vận của Mặt trận Dân tộc giải phóng qua bao năm tháng mai phục trong lòng “thủ đô” chế độ Sài Gòn đã tạo được sự gần gũi ở nhiều mức độ khác nhau trong giới nhân sĩ, trí thức, lực lượng thứ ba, dân biểu đối lập (với chính quyền Sài Gòn...) và cả nhiều sĩ quan Sài Gòn.
Họ khác nhau về xu hướng chính trị, nhưng có cùng một chí hướng hòa bình độc lập, đòi chấm dứt chiến tranh, Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Trong giờ phút quyết định này, một đối tượng được nhắm chọn đứng ra lập chính phủ cho chế độ Sài Gòn là tướng Dương Văn Minh.
Trong thành phần cao cấp chính quyền Sài Gòn có tổng trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn chấp nhận “phương án Dương Văn Minh”; xu hướng này lôi kéo được tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, có sự đồng tình của phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo...
Đại sứ Pháp Mérillon nghĩ rằng Paris có thể nhân cơ hội này đóng vai trò trung gian với Hà Nội, nếu được tướng Dương Văn Minh nhận làm tổng thống; lập ra một “chính phủ ba thành phần” và Pháp có thể “chi phối” được.
Chính quyền Mỹ vẫn còn nuôi ảo tưởng sử dụng “giải pháp thương lượng” để duy trì ảnh hưởng của Mỹ. Tòa đại sứ Mỹ và CIA lúc này chỉ còn hi vọng ở “con bài” Dương Văn Minh.
Bản tuyên cáo in ronéo
Các cán bộ tình báo, điệp báo, binh vận, trí vận như kỹ sư Tô Văn Cang, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, nhà báo Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt), Nguyễn Văn Cước..., những người gần gũi cách mạng hoặc cơ sở của Ban Mặt trận - trí vận Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (T4) như luật sư Trần Ngọc Liễng, chuẩn tướng Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh (cơ sở binh vận), cùng với nhiều nhân vật như giáo sư Lý Chánh Trung, nữ luật sư Ngô Bá Thành, nguyên phó chủ tịch hạ viện Sài Gòn Hồ Văn Minh (cố vấn của Dương Văn Minh) những dân biểu đối lập... đều nhất trí ủng hộ phương án Dương Văn Minh nhận làm tổng thống để chấm dứt chiến tranh.
Vào đầu tháng 4-1975, tại nhà riêng của Dương Văn Minh diễn ra cuộc họp của nhóm những người gần gũi nhiều năm, bàn việc Dương Văn Minh lên thay Nguyễn Văn Thiệu nhằm thực hiện một trong nhiều phương án (hoặc thương lượng, hoặc bàn giao, hoặc đầu hàng...), góp phần kết thúc chiến tranh, hạn chế, ngăn chặn đổ máu, tàn phá. Vốn có sẵn tâm tư và nguyện vọng trên, Dương Văn Minh chấp nhận ý kiến đề xuất của nhóm thân hữu này.
Văn phòng báo chí cạnh tướng Dương Văn Minh đã phát đi “tuyên cáo” in ronéo của đại tướng Dương Văn Minh chống “chính phủ Thiệu không có Thiệu” (bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp). Bản tuyên cáo được gửi đến nhiều hãng thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài, được đông đảo nhân dân Sài Gòn hưởng ứng và gây xôn xao dư luận ở ngoài nước, tạo thanh thế cho đại tướng Dương Văn Minh. Nội dung tuyên cáo yêu cầu loại trừ “chính phủ Thiệu không có Thiệu” cũng được Đài phát thanh Hà Nội, Đài phát thanh Giải phóng lên tiếng tán thành.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, từng làm việc nhiều năm với tướng Dương Văn Minh, cho biết có ba lý do để Dương Văn Minh nhận làm tổng thống: chống chính phủ chiến tranh của Nguyễn Văn Thiệu; chống chính phủ “tử thủ” của Trần Văn Hương; muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Đại tá Mỹ Dave Richard Palmer, một người đã tham gia chiến tranh Việt Nam, nhận xét về tình hình lúc đó: “Một liên minh đảng phái muốn cứu vãn tình hình và chống đỡ phần nào sự sụp đổ đã đưa tướng Dương Văn Minh - từ lâu đã rút khỏi chính trường - trở lại để cố dàn xếp một cuộc đầu hàng thông qua thương lượng”.
Trần Văn Hương định lợi dụng phiên họp “lưỡng viện” của quốc hội Sài Gòn ở trụ sở thượng viện ngày 26-4-1975 để yêu cầu quốc hội “cho ông ta quyền chỉ định một chính phủ đứng ra thương thuyết (tức không giao chức cho tổng thống Dương Văn Minh) hoặc đánh đến cùng, “dẫu Sài Gòn có biến thành biển máu...”. Nhưng mọi việc bị đảo ngược. Phái đối lập ủng hộ Dương Văn Minh tán phát 48 bản tuyên cáo chống Trần Văn Hương và cướp diễn đàn. Giới thông tấn báo chí tung ra tin: tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chạy trốn.
Phiên họp biểu quyết Trần Văn Hương phải trao quyền cho đại tướng Dương Văn Minh.
Dương Văn Minh được ta vận động từ năm 1962, ngoài binh vận, các cánh tình báo và trí vận Sài Gòn cũng có người quan hệ. Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị đào tạo người em ruột của Dương Văn Minh là ông Dương Thanh Nhựt (Mười Ty). Ông Nhựt được Thường vụ Trung ương Cục, trực tiếp là Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh và Thường vụ Trung ương Cục Trần Nam Trung (bí danh Hai Hậu, Năm Nga) chỉ đạo tiếp cận Dương Văn Minh nhiều lần ở Sài Gòn và ở nước ngoài. Lúc đó Dương Văn Minh tỏ ra có cảm tình với cách mạng (tuy chưa hoàn toàn nhất trí với ta). Thời kỳ chuẩn bị đảo chính Diệm - Nhu ngày 1-11-1963, Dương Văn Minh đã nói với ông Nhựt nếu không thành công thì hoặc là tạm lánh ra nước ngoài, hoặc chạy ra vùng giải phóng. Sau đảo chính Diệm - Nhu, khi nắm quyền quốc trưởng, Dương Văn Minh ngỏ ý muốn thương lượng theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng để đi đến tuyển cử tự do, thành lập một chính phủ trung lập ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, Dương Văn Minh đã bị Mỹ gạt bỏ. Trước tình hình đó, Trung ương Cục nhận định Dương Văn Minh đối với Mỹ vẫn là “con bài cuối cùng” mà Mỹ sẽ phải cần đến, chỉ đạo tiếp tục giữ mối liên lạc vận động Dương Văn Minh. |
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Đa sắc đa chiều Kỳ 2: Tôn trọng sự thật Kỳ 3: Chuyển hướng chiến lược Kỳ 4: Sài Gòn và những ngày cuối
------------------------------------
Kỳ tới: Ván bài hòa bình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận